Còn tình trạng lợi dụng để cam đoan sai sự thật
Trước đây, do chưa có cơ chế quản lý, cập nhật thông tin về nơi cư trú, tình trạng hôn nhân của cá nhân nên UBND cấp xã nơi người dân thường trú không nắm được thông tin về tình trạng hôn nhân thời điểm trước đây, nếu người đó từng thường trú ở nhiều nơi khác nhau.
Pháp luật hộ tịch cũng chưa quy định rõ cơ chế phối hợp xác minh giữa UBND cấp xã nơi trường trú hiện tại với UBND cấp xã nơi người dân đã từng thường trú. Vì lý do này, Thông tư số 01/2008/TT-BTP của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch đã tạo cơ chế giải quyết bằng cách cho người dân cam đoan và chịu trách nhiệm về nội dung cam đoan đối với tình trạng hôn nhân của mình trong trường hợp đã qua nhiều nơi cư trú.
Việc cam đoan này, theo Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực, chỉ áp dụng đối với người đã qua nhiều nơi cư trú và chỉ cho cam đoan đối với tình trạng hôn nhân trong thời gian cư trú trước đây, không phải người dân tự cam kết, chịu trách nhiệm về toàn bộ tình trạng hôn nhân của mình. Quy định này được đánh giá là tạo điều kiện cho người dân. Tuy nhiên, không ít trường hợp lợi dụng để cam đoan sai sự thật, cố ý vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, gây hệ lụy đến người khác và ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân có hiệu lực từ 1/1/2016 thì cơ quan quản lý nhà nước về dân cư sẽ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó tình trạng hôn nhân là một trong số những thông tin hộ tịch cơ bản của công dân được thu thập, thường xuyên cập nhật trong Cơ sở dữ liệu. Sau này, Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch được ban hành cũng quy định trong giai đoạn Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc chưa được vận hành thống nhất trên cả nước thì việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân thực hiện theo hướng chặt chẽ…
Về phía Bộ Tư pháp cũng đã dự liệu những khó khăn khi thực hiện Nghị định 123 như người dân đi lại tốn kém, không thể về các nơi cư trú trước đây để làm thủ tục cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân nên Bộ đã tham mưu cho Chính phủ quy định theo hướng: người có yêu cầu và trách nhiệm cung cấp giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của mình tại các nơi thường trú trước đây (nếu có), trong trường hợp người yêu cầu không có/không cung cấp được giấy tờ chứng minh thì trách nhiệm thuộc về UBND cấp xã có thẩm quyền.
Theo đó, UBND cấp xã vẫn có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, chủ động có văn bản trao đổi với UBND cấp xã nơi thường trú trước đây để xác minh về tình trạng hôn nhân của người yêu cầu, không được bắt buộc người có yêu cầu về nơi cư trú trước đây để xin Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, cũng không được từ chối tiếp nhận hồ sơ với lý do không có giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân.
Không buộc người dân phải về nơi thường trú trước đây xin cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
Thực tế sau thời gian triển khai thi hành Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực cho biết nhiều UBND cấp xã không quán triệt được tinh thần của Nghị định số 123, không chủ động tiếp nhận yêu cầu và thực hiện xác minh theo quy định, mà vẫn yêu cầu người dân phải về nơi cư trú trước đây xin Giấy xác nhận, nếu không có thì không tiếp nhận hồ sơ. Một số nơi, UBND cấp xã khi thực hiện trách nhiệm xác minh thì gặp khó khăn do thêm khối lượng việc, kinh phí gửi văn bản xác minh…gây phiền hà, khó khăn cho người yêu cầu, thậm chí gây bức xúc cho một bộ phận người dân.
Ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về hộ tịch nói chung, pháp luật về cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân nói riêng, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực lưu ý cần tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, chấn chỉnh trách nhiệm chủ động xác minh của UBND cấp xã, không được buộc người dân phải về nơi thường trú trước đây xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; đồng thời nơi nhận yêu cầu xác minh cũng cần tích cực, thiện chí trong việc kiểm tra thông tin, trả kết quả xác minh, bảo đảm nội dung và thời hạn trả lời theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, từ việc thực hiện quy định nói trên ở nhiều địa phương, đặc biệt TP Hồ Chí Minh, nhiều ý kiến cho rằng việc bỏ quy định cho công dân được cam đoan mà thay bằng việc họ phải “có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình” là gây nhiều khó khăn cho người dân, tốn kém thời gian, chi phí. Do vậy, về lâu dài nhiều ý kiến đề nghị nên để công dân cam đoan như trước đây sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Trong trường hợp họ cam đoan không đúng thì phải chịu trách nhiệm.