Người "giàu ấm trà" nhất Việt Nam từ "vay" tiền vợ

Ông Vũ đang giới thiệu những chiếc ấm quý
Ông Vũ đang giới thiệu những chiếc ấm quý
(PLO) - Với niềm đam mê trà của quê hương Thái Nguyên và luôn mong muốn đi tìm văn hoá uống trà của người Việt, nghệ sĩ chèo Mông Đông Vũ có thêm niềm đam mê sưu tầm ấm trà. Và ông đã khẳng định được rằng Việt Nam cũng có văn hoá uống trà đáng được ca ngợi qua bộ sưu tập hơn 300 ấm, bình trà cổ của mình.

Đạt kỉ lục Việt Nam nhờ nghiện… trà 

Tâm sự với chúng tôi, nghệ sĩ chèo Mông Đông Vũ, còn gọi là Vũ Quý Nhân, nguyên là Giám đốc Trung tâm Văn hoá tỉnh Thái Nguyên, bảo mình là một kẻ nghiện trà. Sống trên đất chè nổi tiếng cả nước nên có lẽ cái hương vị ấy cứ ngấm dần vào ông và trở thành nghiện lúc nào không hay.

Thưởng thức hương vị ấy qua nhiều năm, cách uống trà của ông cũng trở nên quen thuộc và thành một nét văn hoá riêng. Cũng chính vì vậy mà ông luôn tự hỏi, Việt Nam có văn hoá uống trà không? Và có thì nét văn hoá ấy thể hiện qua đâu?

Qua nhiều nguồn nghiên cứu và tìm tòi, ông nhận thấy có lẽ văn hoá uống trà chỉ có thể được thể hiện rõ nét nhất qua ấm pha trà.

Và thế là niềm đam mê sưu tầm ấm trà của ông bắt đầu từ cuối những năm 1980. Là một nghệ sĩ chèo, sau này là Giám đốc Trung tâm Văn hoá tỉnh Thái Nguyên, ông Vũ có cơ hội đi nhiều nơi biểu diễn.

Đến nơi nào ông cũng tranh thủ đi tìm và tìm hiểu các loại ấm. Từ trong những gia đình người dân đến các bảo tàng, ông đều đến để tìm tòi, nghiên cứu.

Ông đã đi khắp các vùng gốm nổi tiếng của cả nước như Bát Tràng, Chu Đậu, Hương Canh, Phù Lãng, Quảng Ninh, Huế, Chăm,  Bàu Trúc, Lái Thiêu, Biên Hoà… mỗi nơi ông đều tìm được những loại ấm đặc trưng và độc đáo.

Từ kiểu dáng, chất gốm đến men và các hoa văn, mỗi loại đều nói lên một tâm huyết nghệ thuật của các nghệ nhân tạo ra nó, đồng thời cũng mang trong mình những câu chuyện, một nét văn hoá thưởng trà; từ các bậc vua chúa, quan lại hay các văn nhân, trí thức và cả lớp bình dân. 

Câu chuyện sưu tầm ấm trà của ông Vũ cũng đầy hấp dẫn. Có những cái ông xin được khi thấy chủ nhà vứt ở gốc chuối, cũng có nhiều cái ông phải đi lại hàng tháng, thậm chí hàng năm trời mới thuyết phục được chủ nhà. Bởi có khi cái ấm như là vật gia truyền, người ta đặt ở bàn thờ tổ tiên trang nghiêm, nếu là người buôn bán đồ cổ thì chắc chắn ông Vũ không mua được.

Nhưng sau một thời gian kiên trì đi lại, chủ nhà biết ông là người có tâm với văn hoá trà Việt nên sẵn sàng để lại cho ông mà cũng không hề ra giá “cắt cổ”. 

Nhiều người gọi ông Vũ là người chơi đồ cổ, nhưng ông Vũ chỉ nghĩ mình là người đi tìm văn hoá thưởng thức trà Việt và qua đó vô tình, mà cũng có thể là có duyên, mà có được những chiếc ấm cổ. Dù không phải là người giàu có, đôi khi phải “mượn” tiền của vợ để mua ấm nhưng dù có được biếu không thì ông Vũ vẫn xin trả người chủ một khoản, dù là không nhiều, cho phải phép.

Cũng có nhiều người muốn mua những bộ bình trà của ông với giá lên tới cả hàng chục tỉ đồng nhưng ông quyết không bán, vì muốn giữ để bảo tồn.

Thường thì khi mua được một chiếc ấm, ông Vũ lại gói ghém cất vào hòm, vào tủ cẩn thận chứ không trưng bày. Chả thế mà bao nhiêu năm sưu tầm mà chả ai biết ông có số lượng ấm trà khổng lồ đến thế.

Mãi đến năm 2006, khi Lễ hội văn hoá trà Lâm Đồng được tổ chức ở Đà Lạt, ông mới đem vào để trưng bày khiến ai nấy đều trầm trồ thán phục khi được chiêm ngưỡng hàng trăm ấm, bình trà cổ độc đáo với nhiều kiểu dáng, màu sắc.

Và với hơn 300 bình trà, năm 2010 ông Mông Đông Vũ được xác nhận kỉ lục Việt Nam là người sở hữu nhiều ấm, bình trà cổ nhất. Đó không chỉ là sự ghi nhận mà còn là sự động viên và cũng là trách nhiệm để ông Vũ giữ gìn, bảo tồn và là cơ sở để khẳng định những giá trị quý giá của văn hoá thưởng trà của Việt Nam.

Cận cảnh một mẫu bình độc đáo
Cận cảnh một mẫu bình độc đáo

Thưởng thức trà là một nét văn hóa 

Với những trăn trở đi tìm văn hoá uống trà của Việt Nam, ông Vũ đã thấy nó được khẳng định qua các loại ấm trà mà ông sưu tầm được. Nếu nói về tầm quan trọng thì “nhất nước, nhì trà, tam pha, tứ ấm”, còn nếu nói về sự cầu kỳ thì phải là nhất ấm, nhì trà.

Bởi để làm ra một cái ấm cũng rất cần sự tâm huyết, tỉ mỉ của người nghệ nhân. Có những ấm không phải được làm ra để uống trà mà chỉ là vật để biếu, trang trí.

Qua các nghiên cứu tìm hiểu cho thấy trà đã được thưởng thức như một nét văn hoá được thể hiện qua các ấm trà của các bậc vua chúa, hay qua những trang viết nói về cách thưởng trà của các văn nhân mặc khách như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phạm Đình Hổ, Cao Bá Quát, Nguyễn Tuân…

Ông Vũ cũng cho hay, văn hoá uống trà Việt được thể hiện qua ba phong cách. Đó là thưởng trà giao hoà với tâm linh. Từ xưa, người Việt đã luôn có chén trà trên bàn thờ tổ tiên mỗi khi lên hương cúng thỉnh. Trà là lễ vật quý để cúng lễ, từ cúng trời đất, thần phật đến tổ tiên.

Sau khi pha trà dâng cúng thì lại cùng uống với nhau. Đó là một cách thưởng trà thật đặc biệt mà có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có. Một phong cách nữa là sự thưởng thức trà như một thú chơi tao nhã; cách thưởng trà cầu kỳ của các tao nhân mặc khách.

Từ cách chọn trà, chọn ấm và nước cho đến cách pha rất cầu kì và nguyên tắc, sau đó uống từng ngụm nhỏ để hương vị trà từ từ ngấm vào đầu lưỡi, cổ họng, đem lại một cảm giác thư thái, thích thú. Phong cách uống trà này đã được ghi chép lại như những giai thoại của những văn nhân.

Và đây cũng chính là một cách thưởng thức làm nên văn hoá uống trà của người Việt. Một phong cách nữa cũng góp phần tạo nét văn hoá thưởng trà đó là uống trà theo phong cách dân gian.

Người Việt uống trà như một sở thích, thói quen. Ngoài miếng trầu là đầu câu chuyện thì trà cũng là thứ đầu tiên đem ra mời khi khách đến nhà. Và dường như đi đến đâu, làm gì, từ đi làm đồng hay làm công sở, đi công tác, trà luôn là thứ để mời nhau.

Người ta có thể uống trà tươi, trà mạn, từ các bình to hay những cốc trà đá vỉa hè… tất cả tạo nên một phong cách uống trà đậm nét dân gian.

Theo ông Vũ thì ở các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, họ cũng có những cách thưởng trà tương tự như ở ta và còn phát triển thành trà đạo như ở Nhật Bản, nhưng có lẽ chỉ người Việt mới có cách thưởng thức trà giao hoà với tâm linh. Đây là một nét đặc trưng và độc đáo của người Việt.

Có dịp được thưởng thức trà do chính tay ông Vũ pha bằng các ấm trà của ông, mới thấy được cái cốt cách đầy nghệ sĩ của một người đam mê trà cùng với cái hồn của văn hoá uống trà toát lên qua các thao tác, cách thưởng thức đầy vẻ thanh tao.

Với những kiến thức đầy sâu sắc về văn hoá uống trà, ông Mông Đông Vũ được mời là thành viên Ban Giám khảo Master trong Festival Chè Thái Nguyên lần thứ 3 vừa qua.

Có thể thấy rõ ràng rằng người Việt có văn hoá uống trà từ rất lâu. Ngoài những ấm, bình trà và các phong cách uống trà còn để lại thì những vùng có những cây chè cổ thụ như Suối Giàng (Hà Giang), Thái Nguyên cũng là một minh chứng. Vậy tại sao nhiều người vẫn cho rằng người Việt không có văn hoá uống trà hay vẫn chưa công nhận văn hoá uống trà của Việt Nam?

Điều này có lẽ do chính lớp con cháu chúng ta làm mai một. Đồng thời, chúng ta chưa có một chiến dịch quảng bá rộng rãi, phù hợp. Đây cũng là một nỗi trăn trở của ông Mông Đông Vũ, người luôn đi tìm và khẳng định văn hoá uống trà độc đáo của Việt Nam.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.