|
Chị chọn cho mình cái nghề mà đàn ông cũng không mấy người dám làm |
Giám định viên yêu nghề
Những ngày ở Lào Cai, tôi có dịp làm việc cùng chị. Tiết trời tháng 10 nơi đây thật thử thách lòng người. Thành phố hiện ra trong màn mưa dày nặng hạt, gió bắt đầu mạnh và bầu không khí se lạnh bất chợt ập đến khi tôi vừa đặt chân xuống sân ga.
Chị đón tôi bằng nụ cười rạng rỡ, ân cần hỏi han tôi có lạnh không? Đi đường xa có mệt không? Rồi chị đãi tôi bát miến lươn nóng hổi, thơm phức. Sự thân thiện của chị khiến tôi cảm thấy hào hứng với mảnh đất đầy mới mẻ này! Ngồi cạnh tôi, ngắm nhìn những giọt mưa đang tí tách rơi, chị bắt đầu chuyện đời – chuyện nghề trong một không gian đơn giản và xúc cảm hết sức tự nhiên như thế.
Chị Đinh Thị Duyên sinh năm 1984, quê ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Ước mơ được làm bác sĩ từ nhỏ, nay khi làm nữ Giám định viên pháp y, chị hiểu đó như là một cơ duyên của nghề đến với mình.
Nhớ lại ca làm việc đầu tiên, chị kể với tôi về vụ án giết người man rợ từng gây xôn xao dư luận ở huyện Văn Bàn. Nạn nhân tên là Triệu, hai ngày sau mới tìm thấy thi thể. Địa hình đồi núi treo leo khó đi, chị và đồng nghiệp phải lặn lội vào tận trong rừng sâu. Trời nhá nhem tối, đến được tới nơi thì vừa lúc bầu trời đen ngòm, âm thanh còn lại duy nhất chỉ có tiếng bước chân và tiếng nói của những người trong đoàn. Những chiếc đèn pin thi nhau rọi xuống đất để xác định lối đi rồi lại chiếu về phía trước để tìm phương hướng.
Rất may, ngày hôm đó mọi người cũng tìm ra được vị trí. Vừa nhìn thấy nạn nhân, chị giật nảy mình vì giòi đã đẻ trứng trên thi thể nạn nhân trông thật đáng sợ. Khi mổ khám nghiệm, lại một lần nữa chị giật mình khi máu nạn nhân bắn lên mắt kính bảo hộ. Nói là sợ thì không phải, mà không sợ thì cũng không đúng. Chỉ biết rằng trong màn đêm dày đặc, dưới ánh sáng đèn pin, chị đã tự nhủ lòng không cho phép để những suy nghĩ cá nhân làm ảnh hưởng đến công việc…
Cho đến nay chị đã thực hiện nhiệm vụ với rất nhiều vụ án khác nhau, với mức độ vất vả chẳng lần nào kém. Nhưng với chị, những kết quả giám định khoa học giúp ích rất nhiều cho bên công an điều tra tìm ra được chính xác hung thủ trong các vụ án lớn nhỏ, trả lại sự công bằng và quỹ đạo của quy luật nhân quả ở đời một cách trung thực nhất mới là điều quan trọng nhất.
Người phụ nữ cứng cỏi
Chia sẻ với tôi chuyện đời, đang sôi nổi bỗng chị Duyên lặng người, nụ cười chợt tắt trên môi. Lấy chồng từ năm 2005, mặc dù bị bố mẹ hai bên gia đình phản đối nhưng anh chị vẫn yêu và quyết tâm đến với nhau. Chiều theo công việc của chị, cả hai vợ chồng cùng sống và làm việc ở Lào Cai.
Tưởng rằng sau thời gian yêu nhau phải vượt qua biết bao trở ngại thì khi đến được với nhau sẽ được san sẻ phần nào. Nhưng không may, đã nhiều năm trôi qua mà cuộc sống hai vợ chồng không một lần được nghe tiếng cười con trẻ. Dù đã cố gắng đi chữa chạy ở khắp nơi, rồi nhờ sự can thiệp của khoa học công nghệ tiên tiến nhưng tất cả đều rơi vào vô vọng.
Bản thân có kiến thức về y học, chị hiểu cơ thể mình hơn ai hết. Thế nên “dù yêu và thương anh nhiều lắm, nhưng chị tự nguyện để anh về quê sống cùng cha mẹ lấy một cô vợ mới, sinh con đẻ cái vì bố mẹ anh chỉ có mình anh” – lời chị tâm sự mà tôi nghe như tiếng khóc ở trong lòng.
Như không muốn mãi chìm đắm trong nỗi đau, câu chuyện của chị lại quay về với việc nghề nghiệp khi chị kể với tôi về một lần đi Ninh Bình công tác, vài người bạn rủ chị đi xem bói. Chiều lòng bạn bè, chị đi. Bà bói nói với chị rằng, bà thấy có rất nhiều âm khí xung quanh chị, vì chị làm cái nghề gì đó thật đặc biệt, rồi đời chị sẽ còn khổ vì cái nghề đó. “Chị chẳng tin đâu em, chị đâu có làm việc gì xấu mà sợ, tất cả là vì công lý mà”, và nụ cười đã trở lại trên đôi môi chị.