Phiên tòa xử vụ tranh chấp “đòi lại nhà cho ở nhờ” do TAND TP Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế) thụ lý. Nguyên đơn là chị chồng, bị đơn là em dâu. Họ đều tóc đã lưa thưa sợi bạc, gương mặt đượm màu thời gian, đều đã ở bên kia con dốc của cuộc đời.
Những người còn lại liên quan đến vụ án, đến tham dự phiên tòa, đều là người thân ruột thịt gồm hai người em gái của nguyên đơn, cùng ba đứa con của bị đơn.
Khán phòng nhỏ, nên người dự khán phải ngồi xúm xít vào nhau. Không gian im ắng, hằn học. Vợ chồng nguyên đơn lặng lẽ ngồi một góc bên này. “Phía bên kia” là bốn mẹ con người em dâu và hai cô em gái của nguyên đơn. Khoảng cách giữa “hai phe” chỉ là khoảng trống nhỏ chưa đầy gang tay, nhưng dường như xa diệu vợi.
Thay cha mẹ nuôi em
Nguyên đơn cho hay ngụ đường Tô Hiến Thành, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Bà khởi kiện người em dâu để đòi lại căn nhà cũng nằm trên con đường này. Theo chị chồng, nguồn gốc nhà đất này do bà bỏ tiền ra mua vào năm 1980, có diện tích là 32m2. Khi mua, đã có sẵn căn nhà cấp bốn trên đất. Quá trình mua bán có ký giấy nhượng nhà, được chính quyền địa phương xác nhận.
“Ba mẹ tui mất do bệnh tật. Đó là năm 1968, cả bốn chị em tui phải chịu cảnh mồ côi. Khi đó tui mới 12 tuổi, các em đều còn nhỏ hết. Tui làm thuê làm mướn, buôn thúng bán bưng, đồng nuôi em, đồng dành dụm để lúc trái gió trở trời. Mười hai năm sau, tui vừa tròn 24 tuổi, thì gom góp đủ tiền mua được căn nhà trên, chấm dứt cuộc sống lang thang ở đậu của mấy chị em”, người chị chồng bộc bạch.
Sau khi chị cả mua được nhà, cả bốn chị em dọn về sống chung. Năm 1983, chị cả đi lấy chồng, đến năm 1985 vợ chồng bà về ở bên nhà chồng, căn nhà chỉ còn người em trai cùng hai cô em gái ở. Sau này, hai em gái đều lấy chồng, rồi ra riêng, căn nhà chỉ còn vợ chồng người em trai ở.
Sau trận lũ lụt năm 1999, căn nhà cấp bốn vốn đã cũ kỹ càng thêm xuống cấp. Theo người chị chồng, vợ chồng em trai bà có sang xin chị gái được sửa sang lại ngôi nhà. Tuy nhiên, nhà chưa sửa xong, thì người em trai qua đời. Thương các cháu còn nhỏ đã sớm chịu cảnh mồ côi, nên nguyên đơn vẫn tiếp tục để cho em dâu cùng các cháu của mình ở.
“Tài sản tuy là do mình làm ra. Em trai giờ không còn, nhưng các cháu còn nhỏ dại, tâm trạng mô mà lấy lại nhà”, bà bộc bạch. Đến năm 2011, thấy các cháu đều đã trưởng thành, bà quyết định lấy lại nhà. Chưa kể vợ chồng bà vẫn đang ở đậu trong nhờ thờ họ của bên chồng, trong khi ngôi nhà bà gầy dựng nên, đã cho vợ chồng người em cùng với các cháu mượn ở mấy chục năm trời. Bà bảo mình đang bị ung thư, nên phải lo cho xong chuyện nhà cửa, cho các con, để có lỡ nhắm mắt xuôi tay, cũng được thanh thản.
Em dâu “lật kèo”?
Để làm giấy tờ, năm 2011 bà Thuận yêu cầu em dâu ký vào giấy cam kết không khiếu kiện, khiếu nại gì về nhà đất. Năm 2012, bà được chính quyền cấp “sổ hồng”. Cầm “sổ hồng” trong tay, nhưng em dâu và các cháu nhất quyết không trả nhà, bà đành đâm đơn khởi kiện, nhờ tòa giải quyết.
Trong khi nguyên đơn nói về giấy cam kết mà bị đơn từng ký, các cháu liên tục xì xào, bảo bác ruột là “tự biên tự diễn”. Người em dâu thì bảo “chẳng biết gì về giấy cam kết, không viết vì bà không biết chữ, cũng không biết nội dung trong đó viết gì”. “Nghe chị chồng bảo ký để làm giấy tờ nhà đất liên quan đến nhà thờ, mấy đứa con khuyên “giấy tờ liên quan đến nhà thờ thì ký vô”, nên tôi mới ký, không ngờ lại “sập bẫy””, em dâu nói.
Theo em dâu, khi bà về làm dâu, rồi ở trong nhà, không hề biết đó là nhà do chị chồng mình mua. Chồng bà là con trai duy nhất, nên việc thờ cúng ông bà, cha mẹ, đều do vợ chồng bà chu toàn. Chồng không còn, thì có bà và các cháu coi ngó.
Nguyên đơn - bị đơn ngồi cạnh nhau, nhưng không khí như xa diệu vợi |
Thẩm phán chất vấn: “Kỵ giỗ cha mẹ chồng, có phải được tổ chức ở ngôi nhà bà đang ở phải không?”. “Dạ phải”. “Những lần hội họp gia đình như thế, chả lẽ không ai nói cho bà nghe về nguồn gốc ngôi nhà là do nguyên đơn mua?”. “Dạ không ai nói chi cả”.
Vị kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa tiếp lời vị thẩm phán: “Văn hóa người Việt mình, lấy chồng, về ở nhà chồng hôm trước hôm sau đã biết rõ đất mình đang ở là của ai, của bên nội hay bên ngoại. Cho phép bà nói lại thêm một lần nữa, bà có biết nhà đất bà đang ở là của ai không?”. Bị đơn ráo hoảnh, khẳng định mình không biết. “Lâu nay ai là người đóng thuế?”. “Tôi ở mấy chục năm nay, nên tôi là người đóng thuế”. “Vậy trong giấy tờ thu thuế, tên của ai?”. “Dạ tên của chị chồng”, em dâu ngắc ngứ.
Tại phiên tòa, người chị chồng yêu cầu được lấy lại nhà. Trong khi đó, em dâu lại khẳng định: “Nhà đó là của chồng tôi. Trước là để làm nhà thờ, thờ ông bà, sau là để cho các cháu ở. Giờ chị chồng nói nhà của bà, rồi lấy lại, thì mấy mẹ con tui biết đi ở chỗ mô”.
Người em dâu cho rằng, năm 1999, khi bà sửa nhà, chồng nguyên đơn cũng qua giúp, và không nghe ai bàn tán điều gì. “Nhà của o (ý nói nguyên đơn – NV), răng hồi đó o không qua giành. Giờ lại qua giành. Tui mô có nghĩ, đến khi mình già cả, lại bị đuổi ra đường”, em dâu tỏ ra trách móc người chị chồng.
Đã ra tòa, vẫn viện đến “tình cảm”
Con trai cả của bị đơn cho hay, từ khi anh sinh ra, đến nay đã ngót 30 năm, cũng là chừng ấy năm anh sống trong căn nhà này. Anh không biết về nguồn gốc nhà đất. Giờ o ruột đòi lấy lại nhà, anh chỉ xin tòa xem xét, giao ngôi nhà lại cho gia đình anh được tiếp tục ở. Gia đình anh sẽ trả lại công sức o đã tạo dựng nên nhà đất, theo định giá của nhà nước là 250 triệu đồng.
“Tôi nghĩ, luật pháp cũng có cái tình. Mong tòa xem xét đến cái tình khi giải quyết vụ án”, anh này ý kiến. Nhìn ba người con của bị đơn chỉ mới vài phút trước đay đay nghiến nghiến khi nghe cô ruột khai trước tòa, giờ lại nhũn nhặn, nhỏ nhẹ xin tòa nghĩ đến tình cảm giữa những người thân trong gia đình mà soi xét, có người bảo: “Kéo nhau ra đến đây rồi, thì còn chi tình nữa mà xét”.
Vị hội thẩm nhân dân tham gia xét hỏi, hỏi người chị chồng: “Bố mẹ ruột của bà đang thờ ở đâu?”.
“Dạ thờ ở ngôi nhà của tôi mua”.
“Vậy là bị đơn và các cháu của bà đang thờ cha mẹ bà. Các cháu của bà mong muốn trả lại tiền để được tiếp tục ở ngôi nhà đó và thờ tự, bà có đồng ý không?”.
“Dạ không. Nhà đó tôi mua, tôi sẽ thờ tự cha mẹ mình”.
“Theo lẽ thường, con trai đảm nhận việc thờ tự cha mẹ. Chị là con gái, chị có trách nhiệm lo bên nhà chồng. Giờ em trai chị không còn, thì có các cháu của chị tiếp nối cha, thờ ông bà…”.
“Dạ con trai con gái gì, cũng có trách nhiệm báo hiếu cha mẹ, thờ tự cha mẹ mình như nhau. Tôi là chị cả trong nhà, em trai mất, việc thờ cúng tôi phải thay các cháu đảm nhận mới phải. Nhà đó tôi mua, tôi muốn lấy lại cho con cái của tôi ở. Vì con cái tôi cũng chưa có nhà, phải đi ở đậu. Các cháu tôi đã trưởng thành, đã có thể tự lo được rồi”.
Do năm 1999, vợ chồng bị đơn có sửa chữa lại ngôi nhà, theo định giá thời điểm xét xử là 72 triệu. “Nếu tòa xử em dâu phải trả nhà cho bà, số tiền 72 triệu ấy, bà tính sao?”. “Nhà của tui, tui cho ở nhờ, hư hao tui còn chưa bắt đền. Vợ chồng em trai ở, hư thì phải sửa, không lẽ tui phải mang tiền qua sửa giúp? Tui đang bị bệnh, nhà cũng cực khổ, nên không có tiền để hỗ trợ chừng ấy, tui chỉ đồng ý hỗ trợ 10 triệu”.
Sau khi nghị án, HĐXX chấp nhận đơn khởi kiện của người chị dâu. Tòa tuyên bị đơn phải trả lại nhà đất cho chị chồng, nhưng gia đình em dâu vẫn được phép lưu cư sáu tháng. Người chị chồng có trách nhiệm bồi thường số tiền 72 triệu mà em dâu đã xây dựng, sửa chữa nhà.
Tòa tan, đại gia đình lục tục kéo nhau ra về, chẳng ai nhìn ai hay nói với nhau một lời.
Một ngôi nhà, cả gia đình lục đục:
Có mặt tại tòa, hai em gái nguyên đơn đều xác nhận, ngôi nhà trên do chị gái mình mua. Do chị gái thiếu tiền, nên cả hai người lúc đó đều có góp tiền vào. Người em gái kế út cho biết, mình góp vào một chỉ vàng, còn cô em út thì bảo mình cũng có đóng góp, nhưng vì lâu quá, hồi ấy cũng còn nhỏ, nên chẳng nhớ là bao nhiêu. Cả hai người em đều mong muốn tòa xem xét để chị dâu và các cháu của mình tiếp tục ở trong ngôi nhà trên và làm nơi thờ tự ông bà, cha mẹ. “Lúc mua nhà, tui chỉ nghĩ là để có nơi có chốn cho mấy chị em ở, rồi làm nhà thờ thờ ông bà cha mẹ. Chứ đâu nghĩ rằng mua nhà để sau này giành giật nhau”, người em kế út thở dài.
Cô em út thì rầu rầu bảo: “Hồi cha mẹ mất, có để lại chiếc máy may. Chị tui bán cái máy may đó, rồi lấy tiền làm ăn, buôn bán. Giờ chị nói cái gì cũng của chị hết, nên tụi tui buồn lắm”. Nghe cô em bày tỏ nỗi lòng, người chị cả có vẻ bức xúc. Bà bảo năm 12 tuổi, bà đã lăn lộn ngoài đời, kiếm tiền nuôi em. Giờ đến tòa, một chỉ vàng góp sức ngày đó mà em bà cũng đòi lại. “Nó góp vô chỉ vàng, rồi ở gần chục năm mới đi lấy chồng, coi như khấu trừ hết rồi, có đâu nữa mà đòi”, bà bảo.