Nguồn gốc miếu Ba Xứ
Theo chân ông Lý Xuân Quyện (62 tuổi, Trưởng Ban tín ngưỡng miếu Ba Xứ), chúng tôi đi vòng qua mấy con đường đất đỏ nhỏ xíu ở giữa làng, ngôi miếu Ba Xứ nằm ở khoảng đất rộng, giữa những tán cây khô phủ kín mặt đất.
Mỗi bước đi, chúng tôi gắng gượng từng bước nhẹ nhàng như lời ông Quyện để tránh làm động chạm đến thánh thần nơi đây. Theo tìm hiểu, ngoài miếu lớn nằm chính diện thờ Bà Ba Xứ và các thần linh, hai bên có hai miếu, một thờ thần Cọp, bên đối diện thờ các âm hồn.
Theo lời các cao niên Phú Hiệp, cách đây hơn 200 năm, mảnh đất này chỉ có cây cối và sỏi đá, làng đang mùa mưa lại xảy ra hỏa hoạn, mùa khô lại xảy ra lũ lụt. Người làng nhiều lần làm lễ khấn tế nhưng vẫn không được. Một hôm, một già làng cho biết, mảnh đất gần nhà mình đang ở cứ vào nửa đêm lại thấy xuất hiện một người phụ nữ cùng với con cọp trắng.
Cả hai ngồi trò chuyện khoảng chừng 15 phút rồi biến mất. Những âm thanh phát ra cho biết, người phụ nữ và con cọp báo rằng dân làng sẽ gặp đại họa triền miên nếu không chọn đúng nơi thờ cúng thần linh. Và nơi họ đang ngồi chính là điềm báo để dân làng lập miếu làm nơi thờ cúng thần linh.
Cụ Trần Văn Bảy (89 tuổi) kể: “Các bậc cha ông kể lại rằng, hôm đó người làng giết 3 con bò, 3 con heo làm lễ cúng thánh thần từ sáng sớm đến tối. Tất cả người làng đều tập trung ở nơi đây để cầu nguyện thánh thần ban phước cứu lấy dân làng. Đêm hôm đó, khi mọi người đã về hết, người phụ nữ và con cọp lại xuất hiện.
Sau khi nói chuyện, người phụ nữ biến mất, con cọp nằm đó đến sáng. Hôm sau, người làng phát hiện con cọp đã chết bèn lập miếu thờ thần Cọp. Đến nay đầu thần Cọp vẫn còn thờ ở ngôi miếu nhỏ phía bên trái”.
Nơi thờ thần Cọp, đầu thần cọp được cất giữ bên trong miếu nhỏ này |
3 ngày sau đó, người dân đã lập xong ngôi miếu thờ thần Cọp, có mặt quay về hướng Đông. Tuy nhiên, trong đêm đầu tiên đưa đầu thần Cọp vào nơi này thờ, ngôi miếu bỗng quay vòng theo 3 hướng Bắc, Tây, Nam. Khi dừng lại một hướng, từ trong ngôi miếu phát ra âm thanh kỳ lạ, đến nay không ai biết được âm thanh đó là gì.
Ngôi miếu quay liên tục 3 giờ đồng hồ rồi dừng hẳn ở hướng Nam. Biết có điều lạ, người dân liền làm lễ cúng tế và được người phụ nữ đi chung với thần Cọp mách bảo, phải lập riêng một ngôi miếu khác mặt quay về hướng Nam để thờ các thần linh thì dân làng mới mong tránh đại họa.
Cụ Bảy cho biết: “Các cụ bảo rằng, người phụ nữ đó là thần Bà được trên trước sai xuống giúp đỡ dân làng. Cùng với việc ngôi miếu thờ thần Cọp quay về 3 hướng nên các cụ đặt tên là miếu Ba Xứ. Miếu Ba Xứ có tên từ đó đến nay và để thờ thần Bà, nhiều người còn gọi là thần Bà Ba Xứ. Năm 1997, dân làng Phú Hiệp tu sửa lại hai ngôi miếu này và lập thêm phía bên phải một miếu nhỏ nữa để thờ các âm hồn”.
Miếu thiêng không ai dám mạo phạm
Nhiều bậc cao niên ở Phú Hiệp cho biết, miếu thờ đã tồn tại hàng trăm năm, trải qua nhiều biến cố, gắn bó với những thăng trầm của mảnh đất này nên nó kết tinh, tập trung linh khí của dân làng.
Cụ Đặng Trang (80 tuổi), một bậc cao niên am tường sử sách nơi đây, cho biết: “Không phải ngẫu nhiên mà dân làng lại tin tưởng vào sự linh thiêng của miếu Ba Xứ như vậy. Những câu chuyện gieo nhân nào gặp quả ấy và sự trừng phạt khi mạo phạm đến thần Bà Ba Xứ luôn được khẳng định và lan truyền đến tận ngày nay”.
Cụ Trang kể cho chúng tôi nghe câu chuyện từ thời ông bà cụ kể lại. Cụ kể: “Chuyện kể rằng, khi dân làng Phú Hiệp lập miếu thờ thần Bà Ba Xứ đã tạc một bức tượng phụ nữ bằng đá, với dáng ngồi khoan thai, cao quý đầy uy nghiêm để thờ Bà. Miếu nằm ở vị trí này được coi là vị trí đắc địa của làng nên rất linh thiêng.
Một thời gian, tượng đá bị một tên cướp từ vùng khác đến cướp đi trong đêm, tuy nhiên khi hắn vừa đưa tượng ra khỏi mảnh đất thờ miếu thì ngã gục và nằm bất tỉnh. Sáng hôm sau người dân phát hiện nên đưa tượng vào chỗ cũ, đồng thời tổ chức cúng kinh xin tha tội cho tên cướp nên hắn mới được tha.
Cũng từ lần đó, hắn xin hứa sẽ không bao giờ đi ăn trộm nữa. Những năm chiến tranh, bức tượng bị thất lạc, đến năm 1997, khi phục dựng lại ngôi miếu lần 2, các bậc cao niên trong làng bàn tính không tạc tượng thờ nữa, nhằm tránh để kẻ xấu trộm cắp”.
Theo lời kể của ông Quyện, thần Bà Ba Xứ đã trừng phạt rất nhiều người dám mạo phạm nơi linh thiêng. Theo đó, vào năm 1997, khi miếu vừa tu sửa xong, một số người dân làm đồng xung quanh miếu, cuối giờ trưa thì nổ máy chạy ngang qua đây, tối hôm đó về tất cả họ đều đau bệnh.
Ông Quyện lý giải về điều này là do lúc đó thần Bà Ba Xứ đang nghỉ trưa, không nên quấy phá, hễ ai quấy phá đều bị quở phạt.
Ông Quyện đang kể về những giai thoại ở miếu Ba Xứ |
Theo quan sát của chúng tôi, trong mảnh đất này, có rất nhiều cây cổ thụ, cùng với cây đa đã chết ở cạnh hố đất được cho là nơi 1 con voi án ngữ, có khoảng hơn chục cây nhỏ hơn đã chết nằm la liệt quanh mảnh đất nhưng đến nay vẫn không ai dọn dẹp.
Khi tìm hiểu lý do, chúng tôi được biết, đã có người bị thần Bà Ba Xứ quở phạt vì dám chặt phá cây nơi đây. Ông Quyện kể: “Sau khi phục dựng ngôi miếu năm 1997, một năm sau đó, có một thanh niên trong làng đến đây đốn cây, đốn mãi những cây không ngã. Khi mệt, người thanh niên này ngồi nghỉ mát dưới gốc cây thì bỗng dưng từ trên thân cây đổ xuống một cành lớn làm gãy tay.
Từ đó không ai dám quấy rối cây cối nơi này. Ở đây, từ cây lớn đến cây nhỏ, dù còn sống hay đã chết đều vẫn giữ nguyên chứ không ai dám chặt phá dù chỉ một cành cây nhỏ”.
Ông Nguyễn Văn Miên (63 tuổi) là người mới nhất bị thần Bà Ba Xứ quở phạt. Ông Miên cho biết: “Hồi tháng 3 vừa rồi, trong ngày cúng kính để tưởng nhớ thần Bà Ba Xứ, tôi lỡ tay chặt nhành cây ở đây che mát cho các chị nấu nướng.
Ai ngờ đâu tối đêm đó, tay tôi đau dữ dội và trẹo qua một phía. Biết bị thần Bà Ba Xứ quở phạt, ngay sáng hôm sau, tôi liền đem hương quả đến cúng kính để tạ lỗi. Ngay sau đó, tay tôi trở lại bình thường”.
Được biết, hàng năm dân làng Phú Hiệp chọn ngày giỗ tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 để cúng thần Bà Ba Xứ cùng với các vua Hùng. Một là để tưởng nhớ công lao của các vua Hùng có công dựng nước, hai là để tưởng nhớ thần Bà Ba Xứ bảo hộ cho dân làng diệt trừ cái ác, đem lại cuộc sống ấm no cho nhà nhà.
Vào ngày này, không chỉ người dân địa phương, mà người dân ở nơi khác cũng đến đây cúng bái, cầu khấn thần linh những điều may mắn. Ông Trần Đức Bảo, Trưởng thôn Phú Hiệp, cho biết: “Miếu Ba Xứ đã có từ xưa và những giai thoại về miếu cũng như những câu chuyện quở phạt của thần Bà Ba Xứ tại địa phương được người dân truyền tụng từ bao đời nay.
Những câu chuyện được lưu truyền đó là văn hóa tín ngưỡng của người dân. Đây là một nét văn hóa tâm linh nên chính quyền địa phương tôn trọng và duy trì.
Tuy nhiên, rất khó để chứng minh được sự màu nhiệm ở miếu Bà Ba Xứ trong tín ngưỡng của bà con địa phương. Nhưng khi có niềm tin, người dân sẽ thoải mái, an tâm và thấy cuộc sống tốt đẹp hơn”.