Kỹ nghệ biến tre dại thành đồ thương phẩm
Trong sân vườn rộng mát của gia đình, ông Lê Duy Đông (SN 1965) đang miệt mài vót những thanh tre đã chẻ ra sẵn. Cách đó không xa, bà Phương, vợ ông lúi húi quạt lò than. Khi lửa đã hừng hực, người đàn ông với vóc dáng rắn chắc vội đến “xử lý” những cây tre mới chặt về. “Vợ chồng tôi vừa kiếm được gần chục cây tre cật, gốc già, ruột lại đặc khá ưng ý. Chỉ tiếc là chúng lại bị cong nên phải đốt qua lửa để uốn cho thẳng. Mình chịu khó đốt, uốn, mất công một chút nhưng bù lại làm được cây chõng chắc chắn, bền”, ông Đông bật mí.
Vừa tiếp chuyện, ông tỉ mẩn hơ từng chỗ bị cong trên mỗi cây tre. Trong quá trình làm, hai tay ông xoay tròn thật nhanh để cây tre không bị cháy đen phần ngoài. Tiếp đến, ông nhanh chóng đặt xuống nền sân, một chân ghì chặt thân tre, hai tay ép mạnh và nắn cho phần tre cong được thẳng ra. Cứ như thế, cho đến khi những cây tre được thẳng đều tăm tắp cũng là lúc lưng áo ông ướt đẫm mồ hôi.
Lau vội khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi, ông Đông tâm sự: “Nhiều người cứ nghĩ đây là nghề đơn giản, nhưng thực tế cũng lắm kỳ công. Để làm ra chiếc chõng tre, thang thông dụng, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn. Quan trọng hơn cả, họ phải có con mắt nhìn tre riêng”.
Với một người lành nghề, chỉ cần nhìn vào gốc tre là biết cây nào tốt, có thể đem về làm thang. Yêu cầu đầu tiên là thân tre già, đủ chắc, ruột đặc và càng nhiều mắt càng tốt. Còn với những cây tre dùng để làm chõng, người thợ đòi hỏi độ thẳng, già, suôn.
Gần 40 năm trong nghề, cộng thêm việc học lõm kinh nghiệm từ cha ông nên các công đoạn lớn nhỏ, khó nhằn, ông Đông đều làm thoăn thoắt. Với ông, nghề làm chõng tre vất vả nhưng đem lại nhiều niềm vui. Có lẽ, bởi chiếc chõng tre là người bạn không thể thiếu từ thuở ông vịn tay chập chững tập những bước đi đầu tiên cho tới khi lớn ông trưởng thành, lập gia đình, sinh con, đẻ cái.
Ông hồi tưởng, hồi đó nhà nghèo nên chẳng có giường, cả nhà đều ngủ trên chõng. Thậm chí, không có tiền mua võng cho con, cụ thân sinh của ông còn thiết kế một chiếc chõng nhỏ và treo 4 góc lên xà nhà. Sau đó buộc một dây vào song cửa sổ, mỗi khi nằm lên chõng chỉ cần kéo nhẹ dây là chõng có thể đu đưa qua lại. Cứ thế, ông Đông lớn lên theo từng nhịp chõng đưa. Đến năm 13 tuổi, ông đã có thể tự tay làm được chiếc chõng đầu tiên. Từ đó đến nay, người đàn ông này tiếp tục nối tiếp nghề truyền thống mà cha ông để lại.
Ông Đông bật mí, học để biết làm chõng tre không khó, chỉ cần chăm chú học hỏi, xem người ta làm là có thể định hình được. Nhưng, để chiếc chõng tre làm ra đạt chuẩn, bền, đẹp vô cùng khó. Nó không chỉ đòi hỏi sự kiên nhẫn, bền bỉ mà còn phải có một chút năng khiếu, khéo tay mới ra được sản phẩm đẹp, bền.
Còn đối với thang tre, sau khi đo đủ chiều dài phần thân, người thợ cưa thành từng đoạn chừng 20 - 30cm để làm nấc thang. Họ phải đục lỗ ngay trên mắt tre để hạn chế thang bị nứt, dẫn đến bị toạc dài. Thang tre có nhiều kích thước dài ngắn khác nhau, có loại chỉ 2 -3m dùng trong nhà, nhưng phổ biến nhất là 4 - 6m dùng trong ngành xây dựng.
Nghề làm chõng, thang tre có thể làm quanh năm, nhưng cao điểm nhất khoảng 7 tháng hè, bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10. Nhờ sự chăm chút từng sản phẩm nên hàng ông Đông làm ra tới đâu thì tiêu thụ hết tới đó. Bình quân mỗi ngày ông làm được khoảng 2 chiếc, mỗi cái có giá từ 200- 300 nghìn đồng.
Nếu khách đặt hàng làm chõng lớn thì mức giá có thể lên tới 1 triệu đồng. Những tháng không phải cao điểm, lượng tiêu thụ vẫn duy trì ổn định, phục vụ chủ yếu cho nhu cầu xông, hong của những gia đình có con nhỏ hoặc phục vụ cho những người già lúc bệnh nặng để tiện lau rửa. “Tôi làm nghề vừa để kiếm thêm thu nhập, vừa lưu giữ nghề truyền thống của cha ông”, ông Đông bộc bạch.
Bám nghề, đưa con vào đại học
Trong số gần 20 hộ gia đình làm nghề chõng tre, chị Hoàng Thị Thuận (SN 1969), là người phụ nữ duy nhất trong làng theo nghề và “sống khỏe” với nghề. Cách đây 11 năm, chồng chị mất vì tại nạn giao thông, để lại cho chị 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học.
“Thú thật lúc trước, tôi không hề biết làm chõng hay thang tre. Trong gia đình, người đảm nhiệm công việc ấy là chồng, còn tôi chỉ việc đưa sản phẩm đi bán. Tuy nhiên, từ khi anh ấy mất đi, nhìn đống vật liệu ngổn ngang, trong khi kinh tế gia đình không biết dựa vào đâu, tôi bèn lần mò học nghề”, chị chia sẻ.
Từ một người chuyên đi học lỏm, đến nay, chị Thuận đã trở thành thợ lành nghề. Mỗi ngày, với sự trợ giúp thêm của các con, chị làm được 3 cái chõng tre. Nhờ nguồn thu nhập ấy đã giúp chị cất được căn nhà khang trang và nuôi các con ăn học; đến nay hai cô con gái đầu của chị đang theo học Trường Đại học Vinh, cậu út học cấp 2. “Những gia đình nông dân khác cố gắng 1 thì tôi phải nỗ lực 10. Nhiều khi tôi tự thầm trách hoàn cảnh, nhưng rồi nghĩ đến các con, nghề truyền thống đã nuôi sống gia đình, tôi lại có thêm nghị lực”, chị Thuận chia sẻ.
Không chỉ riêng gia đình này mà nhiều hộ trong làng cũng làm giàu, đưa con cái vào đại học nhờ những cây tre. 3 người con của ông Đông cũng đã và đang theo học các trường đại học, cao đẳng. “Do đặc thù công việc nên tôi có thể làm việc bất cứ lúc nào. Cũng nhờ đó mà có điều kiện nuôi các con ăn học. Đó là thành quả lớn nhất của hai vợ chồng tôi”, lời ông Đông.
Với nhiều nơi, việc lưu giữ nghề truyền thống gặp khá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đối với những người dân nơi đây nghề làm chõng, thang tre vẫn được nhiều hộ lựa chọn gắn bó. Thậm chí, nhiều thế hệ, anh em trong một gia đình cùng nhau làm chõng và thường xuyên đổi mới mẫu mã, hình thức để có thể đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Với họ, việc giữ nghề không chỉ bởi cơm áo gạo tiền, mà còn là tình yêu nghề truyền thống đã lưu truyền qua hàng trăm năm.