Ngược lại, PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) lại cho rằng các số liệu công bố chưa chính xác, quy định pháp luật hiện nay quá nhiều song chưa đi vào cuộc sống. Cơ quan quản lý Nhà nước cần tập trung quản lý chất lượng sản phẩm thay vì hạn chế cung - cầu. PLVN đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Việt.
Độ “vênh” số liệu
VBA cho rằng số liệu các cơ quan công bố về thực trạng sử dụng rượu bia ở Việt Nam chưa đúng thực tế. Hiệp hội cũng đưa ra các bằng chứng cho thấy Việt Nam sử dụng rượu bia ở mức trung bình. Tại sao có độ “vênh” về số liệu như vậy?
- Theo Hiệp hội được biết, Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia đã được cơ quan đề xuất chuẩn bị hơn 5 năm qua. Quá trình chuẩn bị, số liệu về sử dụng bia, rượu ở nước ta so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới chưa được cập nhật.
Bởi vậy khi đưa vào báo cáo và đưa lên truyền thông khiến công chúng hiểu nhầm rằng Việt Nam là nước có mức tiêu thụ rượu, bia hàng đầu thế giới và khu vực. Thực tế theo báo cáo của WHO (2014) thì Việt Nam đứng thứ 94/194 nước thành viên của WHO về mức tiêu thụ rượu, bia.
Sở dĩ các số liệu có độ “vênh” vì Hiệp hội với tư cách là đại diện của các doanh nghiệp (DN) trong ngành nắm rõ được tình hình thực tế của ngành. Thông tin mà Hiệp hội công bố được cập nhật hàng năm và có đối chiếu với số liệu của các DN nên chính xác hơn.
Tại một số hội thảo do Bộ Y tế tổ chức có công bố các số liệu về sử dụng bia rượu gây xôn xao dư luận. Hiệp hội có nhận được yêu cầu phối hợp trong quá trình Bộ Y tế thu thập số liệu không?
- Việc phối hợp trong xây dựng chính sách giữa Bộ Y tế và VBA còn hạn chế. Hiệp hội là đại diện cho DN, đối tượng chịu tác động trực tiếp của văn bản pháp luật nhưng việc tham gia xây dựng văn bản chưa được các cơ quan xây dựng chính sách lấy ý kiến thường xuyên.
Vì sao VBA cho rằng không nên quản lý bằng cách tăng thuế mà phải tập trung vào quản lý chất lượng rượu bia?
- Hiện các DN sản xuất bia, rượu quy mô lớn (công nghiệp) đã và đang được quản lý bởi các tiêu chuẩn ISO tiên tiến và TCVN. Do đó, chất lượng các sản phẩm của họ đảm bảo.
Đối tượng đáng chú ý và cần quản lý nhất là các loại rượu sản xuất bằng phương pháp thủ công. Sản phẩm rượu này hơn 200 triệu lít/năm, được tiêu thụ nhiều nhất trên thị trường. Trong khi rượu do các DN sản xuất theo phương pháp công nghiệp khoảng 70 triệu lít/năm.
Phần lớn rượu nấu thủ công được sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, không được cấp phép, chất lượng rượu không được quản lý, nhà nước không thu được thuế. Các vụ ngộ độc rượu, nhất là đầu năm nay, phần lớn là do loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ gây ra.
Trước tình trạng này, theo Hiệp hội, cần xử lý như thế nào?
- Thứ nhất, cần thắt chặt các cơ sở kinh doanh rượu, các cơ sở này chỉ được bán sản phẩm rượu của các DN đã được cấp giấy phép kinh doanh, có tem nhãn, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo quy định.
Thứ hai, tiến hành thu thuế và quản lý ngay tại nơi sản xuất đối với các làng nghề, cơ sở rượu sản xuất bằng phương pháp thủ công. Nếu sản xuất để sử dụng thì chỉ cần đăng ký. Nhưng nếu đưa ra khỏi nơi sản xuất để tiêu thụ trên thị trường phải tiến hành kiểm tra chất lượng và thu thuế ngay tại chỗ.
PGS.TS Nguyễn Văn Việt |
Một ngành sản xuất, 85 văn bản quy định
VBA từng cho rằng “hệ thống văn bản pháp luật quản lý sản xuất, kinh doanh bia rượu hiện nay quá nhiều và chưa đi vào thực tế?”. Vì sao hiệp hội có nhận định này?
- Theo báo cáo của cơ quan đề xuất xây dựng dự án luật, hiện có đến 85 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành. Trong đó có 10 luật, 1 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, còn lại là các Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư của các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Đối với một ngành thì số lượng văn bản như vậy là khá nhiều.
Tuy nhiên, các văn bản này chưa thực sự phát huy được tác dụng, chưa đi vào cuộc sống. Nguyên nhân chủ yếu do các tổ chức, cá nhân chưa thực hiện nghiêm các quy định. Còn các cơ quan quản lý chưa kiên quyết trong công tác kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật, chưa tập trung vào những phần trọng tâm, quan trọng của chính sách.
Ví dụ, các văn bản về quản lý rượu rất đầy đủ nhưng vẫn chưa quản lý được rượu người dân tự nấu. Như vậy luật chưa đi vào cuộc sống và khi xảy ra ngộ độc chết người do sử dụng rượu không rõ xuất xứ, nguồn gốc thì việc xác định trách nhiệm rất khó khăn.
Theo VBA để quản lý tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh bia rượu cần có những giải pháp nào?
- Theo tôi, các cơ quan và Hiệp hội cần tiếp tục trao đổi, thảo luận để đưa ra được các chính sách thực tế, hợp lý và có tính khả thi nhất.
Hơn nữa, thay vì hạn chế quảng cáo, có thể áp dụng cơ chế “tự điều chỉnh” để các DN tự đưa ra cơ chế quản lý về marketing chung. Điều này vừa giảm áp lực quản lý vừa đảm bảo các nguồn thu không chỉ từ sản xuất, kinh doanh bia, rượu mà còn từ các hoạt động marketing.
Nhà nước cần tăng cường công tác quản lý, nhất là đối với sản phẩm rượu được sản xuất bằng phương pháp thủ công. Đồng thời kiên quyết đấu tranh với các hành vi buôn lậu, sản xuất và tiêu thụ hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Các cơ quan, tổ chức, đoàn thể cần đẩy mạnh công tác tuyền truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật để các văn bản quy phạm pháp luật đi vào cuộc sống. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về uống có trách nhiệm để xây dựng ý thức tự giác ở mỗi người góp phần xây dựng nếp sống văn minh, góp phần bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm quản lý chất lượng Bia-Rượu ở một số quốc gia?
- Tại một số nước như Nhật Bản, Mỹ, khối EU, các phương pháp quản lý chủ yếu tập trung vào việc quản lý sản xuất dựa trên việc đảm bảo đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật đề ra, ghi thông tin về thành phần trên nhãn sản phẩm.
Các hoạt động khác tập trung vào kiểm soát ở khâu bán hàng (cửa hàng ăn, đại lý...), đảm bảo không bán hàng cho trẻ vị thành niên. Các quốc gia này đều có quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Thống kê của Cục An toàn Thực phẩm, chỉ trong 3 tháng đầu năm cả nước ghi nhận 3 vụ ngộ độc do rượu methanol, với 78 người gặp nạn và 10 người tử vong. Hầu hết các loại rượu nạn nhân uống đều không rõ nguồn gốc, kinh doanh nhỏ lẻ, bán rong…
Phát biểu tại một hội thảo về lạm dụng rượu bia và ngộ độc rượu methanol diễn ra ở Hà Nội, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến xót xa khi phải chứng kiến những nạn nhân ngộ độc methanol tử vong khi còn rất trẻ, nhiều trường hợp tàn phế… Rượu methanol gây ngộ độc nặng, tổn thương thần kinh, mù mắt thậm chí chết người. Xác định người chịu trách nhiệm hiện rất khó. Vì thế, theo cần nghiên cứu giải pháp cụ thể để giảm tối đa người sử dụng rượu bia, đặc biệt là rượu methanol.
“Nước ta có quá nhiều cơ sở, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất rượu với hàng trăm lít không rõ nguồn gốc xuất xứ mỗi năm, chắc chắn sẽ vẫn còn những vụ ngộ độc nữa xảy ra”, ông Tiến nhấn mạnh.
Một lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cũng cho rằng, phòng ngừa ngộ độc rượu methanol phải tập trung vào những người kinh doanh rượu nhỏ lẻ, đặc biệt là các cơ sở ăn uống nhỏ lẻ. Các quán ăn này bán những chai rượu không nhãn mác, là nguyên nhân dẫn đến các ca tử vong do rượu methanol trong thời gian qua. Trong khi đó khó phân biệt bằng mắt thường một chai rượu trắng với một chai rượu pha từ cồn công nghiệp methanol, kể cả khi uống.
Theo các chuyên gia y tế, nồng độ cồn methanol trong máu bệnh nhân ngộ độc rượu thời gian gần đây thường cao gấp hàng chục, thậm chí gấp hàng nghìn lần so với mức cho phép cho thấy rượu được pha từ cồn công nghiệp methanol.
Chất cồn này vào cơ thể được chuyển hóa trở thành chất độc gây tổn thương đến tất cả bộ phận cơ thể, đặc biệt là mắt, não… Phải 12 giờ hoặc thậm chí 1-2 ngày sau uống rượu, nạn nhân mới có biểu hiện ngộ độc như mờ mắt, thở nhanh, lơ mơ, chậm chạp, hôn mê…; khi đó thì tình trạng đã nặng nguy hiểm đến tính mạng.