Vận động, thuyết phục là chính
Theo phản ánh từ Ủy ban Dân tộc của Quốc hội, nạn tảo hôn vẫn đang diễn ra khá phổ biến trong đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào sống ở miền núi, vùng cao, vùng sâu - những nơi mà sự hiểu biết về pháp luật còn thấp và luật tục còn tồn tại và có ảnh hưởng nhất định đối với đồng bào.
Không chỉ ở miền núi, tại nhiều tỉnh, thành phố nơi có trình độ dân trí khá cao thì tình trạng nam thanh, nữ tú chưa đến tuổi kết hôn theo luật định vẫn tổ chức đám cưới rình rang không phải là chuyện hiếm. Tuy nhiên, cơ quan chức năng hầu như chỉ vận động, thuyết phục các đương sự liên quan “giải tán” cặp vợ chồng trẻ con, rất ít tiến hành lập biên bản xử lý hành chính, hầu như chưa xử lý hình sự.
Tại TP.Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, chỉ tính riêng xã Cam Thịnh Tây, trong vòng 2 năm trở lại đây đã có 47 trường hợp tảo hôn. Tất cả các trường hợp này đều là người dân tộc Raglai. Lý do được đưa ra là người Raglai quan niệm con gái 18-19 tuổi mà chưa lấy chồng thì coi như… ế. Trong khi đó, theo phong tục của người Raglai, con gái được quyền bắt rể nên thường lấy chồng sớm và các cặp vợ chồng trẻ con này sống với nhau chủ yếu theo lệ làng.
Để “chống đối” nạn tảo hôn này, chính quyền địa phương cũng chỉ biết mời những gia đình có người tảo hôn lên trụ sở để vừa tuyên truyền vừa xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời khuyên các cặp vợ chồng tảo hôn phải sử dụng các biện pháp tránh thai để không sinh con sớm.
Cách đây ít lâu, dư luận cả nước cũng xôn xao trước việc ông Chủ tịch xã Phú Thuận, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau mượn cả trụ sở ủy ban để tổ chức lễ cưới cho con gái vừa học xong lớp 10 (mới 16 tuổi), còn chàng rể chỉ học trên một lớp.
Căn nguyên là do tình yêu tuổi học trò đã khiến con gái ông mang thai, đành phải tổ chức đám cưới để giữ thể diện với bà con làng xóm. Kết cục là ông Chủ tịch xã bị Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Phú Tân kỷ luật cảnh cáo về Đảng và bị UBND huyện này xử phạt hành chính 750.000 đồng về hành vi “Tổ chức tảo hôn”, còn cặp vợ chồng tảo hôn thì bình an vô sự vì chưa đủ tuổi để chịu trách nhiệm hình sự về tội danh này.
Mới đây nhất là câu chuyện nóng hổi ở xã Hương Quang, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Trước sức ép của con trai và “nhà gái”, ông Phó Chủ tịch xã phải đứng ra tổ chức đám cưới cho con trai (21 tuổi) và cô dâu Đoàn Thị T. mới 14 tuổi.
Theo thông tin từ Công an huyện Vũ Quang thì khả năng cao là hai gia đình sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, còn việc chú rể có phạm tội “Giao cấu với trẻ em” hay không còn phải xem xét vì chưa có người tố giác!
Theo quy định tại Điều 148 Bộ luật Hình sự hiện hành về tội tổ chức tảo hôn, tội tảo hôn thì người nào cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đến tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của toà án buộc chấm dứt quan hệ đó, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Trên thực tế, mặc dù Điều 148 Bộ luật Hình sự quy định rõ ràng như vậy về tội tảo hôn nhưng theo phản ánh của các cơ quan chức năng thì bao năm qua, Điều luật này hầu như bị “bỏ hoang”, không đi vào cuộc sống. Thực tiễn xét xử ở các tòa án hầu như cũng chưa ghi nhận một vụ xử nào.
Cách làm phổ biến nhất của chính quyền các địa phương khi gặp phải trường hợp này là giáo dục, khuyên nhủ, căng lắm thì phạt vi phạm hành chính.
Hơn nữa, theo phân tích của các chuyên gia luật hình sự, các điều kiện “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này” mà còn “Cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đến tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Toà án buộc chấm dứt quan hệ đó” khiến cho quy định trở nên rất khó thực hiện.
Bỏ thì thương, vương thì tội
Ngay khi Chính phủ đề xuất bỏ tội tảo hôn khỏi Bộ luật Hình sự, đề xuất này đã nhận được sự quan tâm của dư luận, nghiêng nhiều theo chiều hướng ủng hộ. Nhiều ý kiến cho rằng, thực chất hành vi tảo hôn liên quan trực tiếp đến hai người chưa đủ tuổi kết hôn, rộng hơn thì cũng chỉ tới 2 bên gia đình, mục tiêu của họ là yêu nhau và tiến đến hôn nhân, vì vậy hành vi trên không gây nguy hiểm cho xã hội hoặc gây hậu quả cho những người xung quanh nên không cần phải xử lý hình sự.
Mặt khác, dù quy định có nghiêm khắc đến đâu mà không đi vào thực tế cuộc sống thì quy định cũng chỉ để “làm đẹp”, bỏ đi cũng được.
Tuy vậy, nhiều ý kiến khác, trong đó có bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) lại cho rằng: “Hiện nay, tình trạng tảo hôn ở các tỉnh miền núi phía bắc và Tây Nguyên vẫn rất nghiêm trọng, để lại hậu quả nặng nề.
Không ít em bé có cơ thể, khung xương chưa đủ khả năng làm mẹ, làm vợ, mang thai dẫn đến tai biến sản khoa rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, trong tảo hôn còn có lấy nhau cận huyết thống, có thể dẫn đến những bệnh như tan máu bẩm sinh, tạo nên gánh nặng rất lớn cho ngành Y tế và xã hội.
Vì vậy, không những không nên đưa tội tảo hôn khỏi Bộ luật Hình sự mà ngược lại, phải siết chặt, làm nghiêm hơn để giảm thiểu gánh nặng cho bản thân trẻ em, gia đình, giống nòi và đặc biệt là ngành Y tế”./.