“Người cười nụ, kẻ khóc thầm”
Bà Lý Thị Ngạn, Giám đốc Tài chính HPG cho biết, doanh thu và lợi nhuận quý III/2015 lần lượt đạt 6.948 và 1.036 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, HPG ước đạt doanh thu 20.616 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 2.938 tỷ đồng, tức bằng 92% kế hoạch doanh thu và 90% lợi nhuận năm 2015. Trong đó, ngành sản xuất kinh doanh thép gồm hai sản phẩm chiến lược là thép xây dựng và ống thép có mức tăng trưởng mạnh.
Cụ thể, theo bà Ngạn, đối với thép xây dựng, sản lượng bán hàng đạt hơn 1 triệu tấn, bằng 85% kế hoạch bán hàng năm 2015, tăng gần 48% so với cùng kỳ 2014. Nếu 9 tháng năm 2014 Thép Hòa Phát mới đạt thị phần 18,1% thì năm nay đã lên mức 22%. Khu liên hợp gang thép cũng như các nhà máy thép của Hòa Phát đang hoạt động hết công suất để phục vụ khách hàng trong và ngoài nước. Đối với sản phẩm ống thép, sản lượng tiêu thụ 9 tháng đạt hơn 300.000 tấn, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Ống thép Hòa Phát tiếp tục củng cố vị trí số 1 về thị phần toàn quốc với 23%.
Giữa bối cảnh ngành thép trong nước đang lao đao do phải đối mặt với thép nhập khẩu giá rẻ, đặc biệt là sức ép từ nguồn cung dư thừa từ các nhà sản xuất Trung Quốc với chiến lược tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, những con số như mơ từ HPG càng làm nên khác biệt.
Không nói những nhà máy nhỏ, Liên doanh thép Việt – Trung giữa Tổng Công ty Thép Việt Nam với Tập đoàn Gang thép Côn Minh (Trung Quốc) được giao mỏ sắt Quý Xa lớn thứ 2 cả nước cũng đối mặt nguy cơ dừng hoạt động và phải viện đến chính quyền tỉnh Lào Cai “kêu cứu” Chính phủ, xin tạm hoãn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản năm 2015 và cho xuất khẩu quặng để đối lưu than mỡ luyện cốc và cốc luyện kim cung cấp cho Nhà máy Gang thép Lào Cai.
Đặc biệt, hiện trạng của các công ty khai thác và chế biến quặng sắt – những nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy thép - đang hết sức bi đát: 90% doanh nghiệp được cho là đã phá sản, 10% còn lại hoạt động cầm chừng và nguy cơ cũng phá sản. Đơn cử như tỉnh Yên Bái có 33 doanh nghiệp thì 30 doanh nghiệp đã ngừng hoạt động hoặc phá sản. Tỉnh Phú Thọ có 11 doanh nghiệp thì cả 11 doanh nghiệp đã phá sản hoặc ngừng hoạt động.
“Nghi án ép giá”
Vì sao nhà máy thép của “bầu” Long ăn nên làm ra như vậy mà phần còn lại của ngành thép lại ra nông nỗi đó? Như PLVN từng đề cập, hồi tháng 5 các doanh nghiệp khai quặng từng đã làm đơn “kêu cứu” Chính phủ, trong đó ám chỉ việc sản phẩm của họ bị ép giá.
“Do chính sách cấm xuất khẩu hoặc được xuất khẩu nhưng áp dụng mức thuế xuất khẩu tới 40% nên khi giá quặng tương đối cao thì các doanh nghiệp sản xuất thép chỉ mua quặng bằng 50% giá thành chung của thế giới. Các nhà sản xuất thép có lợi lớn, còn các doanh nghiệp khai thác và chế biến quặng sắt quá thiệt thòi” – đại diện các doanh nghiệp khai thác quặng trần tình.
Tuy nhiên, kiến nghị này cũng rơi vào im lặng và các doanh nghiệp đành “nỗi niềm riêng gánh”. Một ngày trước cuộc “Gặp mặt nhà đầu tư quý III/2015”, ngày 14/10, Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát đã ký hợp đồng nhập khẩu quặng sắt dạng cám của đối tác là Tập đoàn Anglo America Plc – được cho là nằm trong Top 5 tập đoàn khai thác mỏ lớn nhất thế giới, có trụ sở chính ở London (Anh). Theo đó, Hòa Phát sẽ nhập 300.000 tấn quặng sắt hàm lượng Fe 63,5% trong vòng 6 tháng đầu năm 2016 có nguồn gốc từ mỏ Sishen thuộc Tập đoàn Anglo American ở Nam Phi.
Đây là hợp đồng thứ hai sau lô quặng 55.000 tấn nhập về ngày 21/6/2015. Tuy nhiên, khối lượng nhập khẩu lần này lớn hơn nhiều và trong khoảng thời gian dài, được nói là nhằm đảm bảo nguồn cung nguyên liệu chất lượng tốt và ổn định cho sản xuất của Khu liên hợp gang thép Hòa Phát tại Hải Dương.
Ông Mai Văn Hà – Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát cho biết, giá thu mua quặng hàm lượng 63,5% Fe trong nước thời điểm hiện tại khoảng 1.250.000 đồng/tấn, trong khi giá nhập khẩu vào khoảng 55USD (giá về đến cảng của nhà máy), tức là giá quặng mua trong nước và thị trường quốc tế gần tương đương nhau.
Tuy nhiên, theo dự đoán của các chuyên gia ngành luyện kim, giá quặng nhập khẩu sẽ thấp hơn giá quặng trong nước... Và để đa dạng hóa nguồn cung, đảm bảo sản xuất ổn định, Hòa Phát bắt buộc phải nhập khẩu quặng từ nước ngoài(!).
Với thông điệp này, có thể thấy các công ty khai thác và chế biến quặng sắt trong nước sẽ chỉ còn một lựa chọn duy nhất là tiếp tục giảm giá, nếu không muốn đi vào đường cùng.