Rơi nước mắt vì cắt tóc
Đi cắt tóc bình thường, đa số mọi người đều vui vẻ, hào hứng nghĩ kiểu đầu này, mái tóc khác… Nhưng ở đây, nơi góc hành lang trắng, không mấy người thiết tha, họ bần thần nhìn tóc của người cắt trước rơi xuống và sờ lên đầu mình xem nên cắt ngắn ba phân hay cạo trọc. Buổi cắt tóc mới đây, “khách” cắt tóc có khá nhiều trẻ 2-8 tuổi. Hầu hết các em bị bệnh bạch cầu (ung thư máu) - bệnh ung thư duy nhất không tạo ra khối u và khả năng không chữa khỏi rất cao.
Chính vì thế, khi nhìn bệnh nhân cắt tóc, người nhà của họ ai cũng nghẹn ngào, thỉnh thoảng quay mặt đi... Mỗi người đến cắt tóc mang một câu chuyện khác nhau, và câu chuyện nào cũng đẫm nước mắt.
Chị Phan Thị Mí, quê ở Hải Dương, vừa ôm con gái 3 tuổi cho cô điều dưỡng cắt tóc, vừa dỗ con đừng khóc. Mọi người đang bình luận về mái tóc mới của nam bệnh nhân bên cạnh bỗng im lặng khi nhìn sang mẹ con chị. Cứ mỗi lượt tông đơ lướt trên đầu con gái là một lần chị lấy tay lau nước mắt. Dường như càng cố nhịn, nước mắt càng tuôn ra khiến mắt và mũi chị đỏ ửng.
Chị nghẹn ngào kể: “Trước cháu ngoan lắm, chịu ăn, chịu chơi, tóc dài và mượt. Thấy cháu cứ còi đi, gia đình cho đến viện khám thì phát hiện bệnh. Mới có hơn một tháng điều trị mà tóc cháu đã rụng nhiều, chân cháu cũng yếu dần. Nhìn tóc con rơi mà em đau quá, thương con quá!”.
Thấy mẹ khóc, con bé nín, đôi mắt tròn, đen láy nhìn mẹ đầy ăn năn như nó là người có lỗi. Bé dụi dụi mấy sợi tóc vương trên mặt rồi tựa đầu vào vai mẹ. Khuôn mặt dễ thương và hành động đáng yêu ấy khiến những người xung quanh không khỏi chạnh lòng.
Anh Bùi Văn Cường (30 tuổi, Hải Phòng) nói với cô “bác sĩ - thợ cạo” trẻ: “Chị đừng cạo trọc, cắt tóc ngắn cho em để hết đợt, em về báo cáo với công ty xin nghỉ đã, không mọi người lại “soi” em”. Anh Cường là trụ cột kinh tế của gia đình, làm việc cho một công ty vận tải. Anh không muốn nhiều người biết anh mang căn bệnh quái ác, anh thương người vợ trẻ và đứa con thơ nên không muốn cắt hết tóc…
“Hơn 3 năm cắt tóc tại đây, chúng tôi đã gặp rất nhiều bệnh nhân khóc khi mái tóc bị cạo đi” - Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Quang Hưng, Phó trưởng khoa Điều trị hóa chất chia sẻ.
Xót lòng “bác sĩ – thợ cạo”
Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Quang Hưng là người đầu tiên có ý tưởng cắt tóc cho bệnh nhân cho biết, sáng kiến này xuất phát từ thực tế bệnh nhân ở viện phải điều trị hóa chất khiến tóc rụng, mất vệ sinh. Bệnh nhân thường ở tỉnh xa, khó tìm nơi cắt tóc. Nếu tìm được thì người cắt, người bệnh cũng e ngại vì bị xây xước sẽ khó cầm máu...
Bởi vậy, từ năm 2011 lãnh đạo bệnh viện và Đoàn thanh niên đã tổ chức điểm cắt tóc do chính các bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện đảm nhiệm vào chiều thứ năm hàng tuần.
Những ngày đầu, lượng bệnh nhân đến đông hơn dự tính. Một mình bác sĩ Hưng làm không xuể nên anh “truyền nghề” cho vài người. “Ban đầu dạy, ai cũng sợ sẽ cắt vào tai bệnh nhân, sợ cắt tóc không thành hình, bị bệnh nhân bắt đền... Tôi phải động viên, trực tiếp ở bên hướng dẫn. Giờ đã có một đội ngũ khoảng chục “thợ cắt tóc chuyên nghiệp” thay phiên nhau phục vụ bệnh nhân” - bác sĩ Hưng cho biết.
Bác sĩ Hưng sẵn sàng giúp những bệnh nhân tóc không bị rụng mà vẫn muốn cắt. Anh xót xa, áy náy khi phải cắt đi mái tóc dài của những thiếu nữ, hay cắt trọc mái đầu các em nhỏ. “Có một cô gái là sinh viên năm đầu Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội, sau một đợt điều trị hóa chất, mái tóc dài chấm eo của em dần bị rụng. Để tránh cho bệnh nhân tâm lý mỗi sáng thức dậy đau lòng vo từng nắm tóc, tôi đã khuyên em nên cạo” - bác sĩ Hưng nhớ lại.
Trong ký ức bác sĩ Hưng, chuyện cắt tóc với nữ sinh viên này rất khó khăn. Sau 4 lần khuyên bảo, em mới quyết định cắt đi bộ tóc dài óng ả. “Chứng kiến cảnh cắt tóc, bố mẹ em đứng ngoài hành lang khóc, cậu bạn trai nhìn em đầy thương cảm cũng thổn thức theo. Tôi và những người có mặt cũng không khỏi xót xa...” - bác sĩ Hưng tâm sự.
Y tá Thu Trang, người hơn hai năm cắt tóc cho bệnh nhân cũng chia sẻ, có những bệnh nhân chị cũng không vui vẻ gì khi cắt tóc của họ, ví như Phương Anh (18 tuổi). Năm ngoái, tương lai tươi đẹp của cô gái này đột ngột đóng lại bởi phát hiện căn bệnh bạch cầu. Khi điều trị hóa chất, Phương Anh được khuyên bỏ mái tóc dài, dày ngay từ đầu để tránh bị sốc. Cô phải mất một ngày đấu tranh tâm lý…
“Em sợ tóc không mọc được nữa nên lần cắt năm ngoái bác sĩ phải khuyên mãi” - Phương Anh hồi tưởng - Thế nhưng khi cắt xong em cũng thấy bình thường, còn nhờ bác sĩ chụp ảnh lại làm kỷ niệm. Giờ chuyện bị cắt trọc với em đã thành quen. Vui nhất là vào các buổi cắt tóc được nói chuyện thoải mái với các bác sĩ”. Với Phương Anh, giờ đây bệnh viện như ngôi nhà thứ hai của cô. Ở đây cô có bạn, có các bác sĩ, y tá thân thiết như người anh, người chị.
Ba năm qua, có hơn 1.000 lượt bệnh nhân được bệnh viện cắt tóc miễn phí. Số nhân viên từng được đào tạo cắt tóc ở viện lên đến hàng chục người. Đã thành thông lệ, bệnh nhân tự bảo nhau đến ngày thứ năm đi cắt tóc. “Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức thêm một buổi cắt tóc nữa vào thứ ba để bệnh nhân không phải chờ lâu” - bác sĩ Hưng cho biết.