Lại vỡ hụi nhiều tỷ đồng
Người dân tại các xã Trù Sơn, Đại Sơn, Mỹ Sơn và Hiến Sơn (huyện Đô Lương) vẫn chưa hết xôn xao câu chuyện vỡ hụi vừa xảy ra. Theo đó, chủ phường hụi là bà Nguyễn Thị Hồng (SN 1967, tại xã Đại Sơn, Đô Lương), phường hụi được bà thành lập từ nhiều năm trước, mọi hoạt động của các thành viên diễn ra bình thường. Mấy năm trở lại đây, do nhu cầu người chơi tăng lên, con số thành viên cũng tăng lên (hiện có khoảng 120 thành viên) nên một lần bốc phường là có tiền tỷ.
Chủ phường hụi cho biết, hơn một năm trước, bà Nguyễn Thị Nhung (SN 1980, trú cùng xã) xin tham gia vào phường, những ngày đầu bà Nhung giao nộp phường đầy đủ. Tuy nhiên, đến tháng 8 vừa qua, sau khi bốc phường với số tiền hơn 2 tỷ đồng, bà Nhung “biến mất”. Đến lượt các hộ khác bốc phường, bà Nhung không chịu trả lại số tiền đã nhận trước đó của hàng chục người.
Theo bà Hồng, nếu trừ khoản trước đó đã đóng vào phường theo định kỳ thì số tiền mà bà Nhung đã chiếm dụng của các thành viên là hơn 1,2 tỷ đồng. Nhiều lần các thành viên tổ chức họp và đến nhà đòi tiền, nhưng bà Nhung cố tình không trả và còn thách thức.
Một số nạn nhân như: gia đình ông Nguyễn Thụy Tâm (65 tuổi, xóm 10, xã Trù Sơn) dành dụm tiền để hàng tháng đóng vào phường từ hơn 2 năm trước, tính đến nay đã hơn 200 triệu, nhưng chưa đến lượt bốc thì phường bị vỡ.
Gia đình chị Nguyễn Thị Long (44 tuổi, xã Trù Sơn) số tiền 40 triệu đóng hụi đối với họ là cả một gia tài. Hai vợ chồng chỉ có vài sào ruộng ít ỏi, quanh năm quần quật cũng chỉ mong đủ ăn. Người con trai lại bị bệnh động kinh, muốn chữa trị phải có một số tiền lớn, không biết lấy đâu ra số tiền này, chị Long quyết định vay mượn mỗi tháng 7 triệu đồng để chơi hụi với mong muốn sẽ nhận một khoản lớn để mang con đến viện chữa bệnh. Tuy nhiên, mới tham gia được nửa năm thì xảy ra vụ việc.
Được biết, đây là lần thứ 3 trong vòng một năm qua, phường hụi do bà Hồng làm chủ bị vỡ với tổng số tiền của 3 lần lên đến hơn 7 tỷ đồng.
Vỡ mộng “đại gia” nhờ chơi hụi
Theo ông Đặng Văn Toàn - Chủ tịch UBND xã Đại Sơn thì Đại Sơn và Trù Sơn là những xã có số người tham gia chơi hụi nhiều nhất ở Đô Lương, lên đến hàng ngàn hộ dân. Với số người tham gia phường hụi đông nên số tiền mỗi lần nhận tiền hụi lên đến tiền tỷ. Cũng từ đó nhiều gia đình sử dụng để xây nhà lầu, mua xe hơi, người ngoài nhìn vào có thể thấy được bộ mặt của xã có phần thịnh vượng.
“Làm “đại gia” được một thời gian ngắn, khi không còn đủ tiền để tham gia vào vòng xoay đóng hụi hàng tháng nữa nhiều người tuyên bố vỡ nợ. Những chiếc ôtô lần lượt được bán, nhưng cũng không đủ dẫn đến việc phải bỏ lại nhà cửa, con cái rời quê. Đến nay, cả xã Đại Sơn có hàng chục căn nhà bỏ hoang như vậy. Mới năm ngoái, nhiều nhà sống sung sướng lắm, chiều chiều lái ôtô chở vợ đi đánh bóng chuyền rồi nhậu nhẹt, rất vương giả. Nhưng hiện giờ nhiều người đóng cửa bỏ đi biệt, nhiều người sống chui lủi…”, ông Toàn cho biết.
Theo ông Toàn, trường hợp như bà Nguyễn Thị Nhung ở đây không phải là hiếm. Bà Nhung không chỉ tham gia vào phường do bà Hồng làm chủ mà còn đóng hụi ở nhiều nơi. Sau khi bốc tiền phường ở chỗ này, bà Nhung lại đóng chỗ khác. Ngoài ra, vợ chồng bà này còn dùng khoản tiền đó làm nhà, mua ôtô, cho vay nặng lãi… “Hiện nay không có một con số cụ thể nào về việc vỡ hụi trên địa bàn, nhưng chỉ riêng xã Đại Sơn đã có khoảng 50 người tương tự như trường hợp của bà Nhung, với số tiền nợ lên đến nhiều tỷ đồng”, ông Toàn cho hay.
Đại tá Thái Khắc Thống - Trưởng Công an huyện Đô Lương cho biết, Công an huyện cũng đã nhận được nhiều đơn tố cáo trường hợp bà Nguyễn Thị Nhung vỡ hụi. Tuy nhiên theo Đại tá Thống, những vụ phường hụi thường là tranh chấp về dân sự nên hướng dẫn người dân gửi đơn ra tòa. Phần lớn các vụ vỡ hụi đều không thể khởi tố vì CQĐT không chứng minh được hành vi phạm tội, không đủ yếu tố cấu thành.
Trước đó, Báo PLVN đã đưa tin 3 vụ vỡ hụi trên địa bàn huyện Đô Lương với số tiền hàng chục tỉ đồng cũng với hình thức vay tiền lãi suất cao và chơi phường hụi. Trong đó, bà Ngô Thị Trang (SN 1970, trú xã Giang Sơn Đông) chiếm đoạt tài sản với số tiền 8,3 tỷ đồng; Nguyễn Thị Loan (SN 1975, trú tại xã Tân Sơn) chiếm đoạt của 31 hộ dân trên địa bàn tổng số tiền 23,9 tỉ đồng; Trần Thị Hà (trú tại xã Trù Sơn) với số tiền chiếm đoạt gần 3 tỷ đồng của hàng chục hộ dân.