Tại phiên chất vấn chiều 19/12, có 11 lượt ý kiến của các cử tri phản ánh các nội dung đến Giám đốc sở Nông nghiệp Nghệ An, xoay quanh các vấn đề: giao đất rừng cho người dân, các chế độ hỗ trợ người dân bảo vệ rừng, việc cấp sổ đỏ cho người dân nhận rừng, đặc biệt liên quan đến các vụ phá rừng xảy ra trên địa bàn thời gian qua.
Các đại biểu cho rằng, các địa phương có diện tích rừng càng lớn thì càng nghèo, do cơ chế chính sách chỉ mang tính hỗ trợ, chưa thể thực sự đảm bảo để người dân quản lý bảo vệ rừng tốt. Việc cấp sổ đỏ chậm được làm rõ do thiếu ngân sách để chi cho nguồn lực trích đo cắm mốc, giao đất không đủ. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa trích nguồn kinh phí cho việc trích đo, cắm mốc…
Giải pháp được đưa ra là không chờ nguồn lực của Trung ương mà huy động nguồn lực ngân sách tỉnh, huyện, xã; tuyên truyền vận động người dân nhận đất theo mô hình xã hội hóa (người dân tự phát quang giáp ranh và cắm mốc). Sở TNMT và Sở Nông nghiệp sẽ xây dựng đề án chỉ rõ nguồn kinh phí lấy từ đâu, trách nhiệm của từng địa phương, từng người, có lộ trình cụ thể phấn đấu 2019-2020 cố gắng giao hết. Dự kiến đầu quý 2 sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt đề án.
Dù vào tháng 6/2016, tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển 2,25 triệu ha rừng tự nhiên còn lại sang mục đích khác kể cả các dự án được phê duyệt, trừ các dự án liên quan đến quốc phòng, an ninh; không có chủ trương chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp.
Thế nhưng, trên địa bàn Nghệ An vẫn liên tục xảy ra các vụ phá rừng lớn. Theo Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an Nghệ An, năm 2017 riêng ngành công an đã khám phá ra 170 vụ phá rừng với 170 đối tượng tham gia. Với hơn 500 khối gỗ, 15 tấn gỗ các loại, có 17 vụ có dấu hiệu hình sự. Ngành chức năng đã khởi tố 14 vụ với 39 đối tượng, trong đó tội danh vi phạm các quy định về khai thác bảo vệ rừng là 7 vụ 24 bị can, hủy hoại rừng 3 vụ 8 bị can, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đang khởi tố dự khiến nhiều bị can, đã khởi tố 4 bị can.
Nổi lên các vụ phá rừng thuộc khu vực biên giới Việt Nam - Lào như: Na Ngoi, Nậm Càn của huyện Kỳ Sơn; Tam Hợp, Lưu Kiền của huyện Tương Dương; Nam Sơn, Bắc Sơn của huyện Quỳ Hợp… Hàng loạt cán bộ liên quan đã bị ngành chức năng xử lý nhưng vẫn không hạn chế được tình trạng phá rừng xảy ra.
Mới đây nhất ngày 15/12, Công an Nghệ An tiếp tục khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 trạm trưởng: Trạm Quản lý bảo vệ rừng bản Ang và trạm Quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Tam Hợp, thuộc ban Quản lý rừng phòng hộ Tương Dương để phục vụ điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Hai đối tượng này bị bắt vì liên quan đến vụ việc tại tiểu khu 697 và tiểu khu 683 thuộc xã Tam Hợp, có 38 cây gỗ bị chặt hạ và ở một số tiểu khu khác, lực lượng chức năng cũng phát hiện rải rác các gốc cây bị chặt, chưa kịp tẩu tán tang vật.
Tỉnh Nghệ An cũng đã xử lý kỷ luật gần 50 cán có liên quan đến các vụ phá rừng, trong đó kỷ luật 2 phó chủ tịch xã, 2 cán bộ địa chính xã Châu Nga, Châu Hội của huyện Quỳ Châu; bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch xã Nậm Càn của huyện Kỳ Sơn; 2 bí thư xã Nam Sơn và Bắc Sơn… và 1 ủy viên ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Hợp.
Ngành kiểm lâm cũng kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo hạt kiểm lâm, kiểm lâm địa bàn và xử lý kỷ luật từ hình thức khiển trách đến hạ bậc lương cán bộ vi phạm như: 1 hạt trưởng, 1 hạt phó và 1 kiểm lâm địa bàn của hạt Kiểm lâm Tương Dương; kỷ luật về Đảng đối với 1 hạt trưởng và 2 hạt phó hạt Kiểm lâm Kỳ Sơn…