Thầy tôi thường dạy: Đối với người Việt, ban thờ gia tiên không phải chỉ để thờ người đã khuất, ban thờ là biểu tượng của nguồn cội. Chính bởi vậy, khi thắp lên một nén hương có nghĩa là thắp lên lòng thương kính đối với tổ tiên, ông bà, với cội nguồn của mình.
Ngày Xuân khởi đầu cho một năm mới nhưng lại là dịp để trở về. Người đi xa quê hương, người đang xa gia đình, tất cả đều trở về sum họp dưới mái nhà để cùng vui đón năm mới. Nhưng sự trở về quan trọng nhất và không thể thiếu ấy là trở về với nguồn cội, với gốc rễ của mình. Ngày Tết đoàn viên như là một dịp để con người tìm lại chính mình, được nghỉ ngơi, được tiếp thêm sức mạnh của nghĩa tình, của giống nòi nguồn cội để vững vàng đi tiếp chặng đường khó khăn trước mặt.
Tôi sinh ra nơi làng quê. Mỗi lần từ khi còn tấm bé, được lon ton theo chân bố mẹ và cô chú ra mộ, thắp lên nén hương rước tổ tiên, ông bà về ăn Tết; được cùng đứng sau bố mẹ khi chắp tay trước ban thờ gia tiên vào phút giao thừa, tâm hồn tôi như được nuôi dưỡng bởi một sức mạnh vô hình. Sức mạnh ấy ấm áp, thiêng liêng và đầy ắp những kính thương!
Ngày nay, phong tục Tết đã có ít nhiều đổi thay. Do sự tác động của văn hóa, kinh tế, xã hội, cách nhìn của một số người về Tết cũng khác đi.
Câu chuyện “trở về” trở nên xa lạ với những bạn sinh ra và lớn lên ở thành phố. Thay vì cùng ngồi quây quần bên nhau gói bánh, luộc bánh chưng bánh tét, thay vì dựng cây nêu, thay vì sửa soạn từ cả tháng trước đó cho một sự trở về đoàn tụ. Tết là khi họ hàng ông bà con cháu quây quần, tết nơi phố thị trở nên bàng bạc và câu chuyện sum vầy cùng không khí tết thiêng liêng, cả gia đình cùng ăn bữa cơm năm mới với trên là ban thờ gia tiên, dưới là cháu con vui vầy. Câu chuyện ấy bỗng hóa xa xôi…
Đã qua rồi một năm cực kỳ khó khăn, vất vả, có cả mất mát đau thương do bệnh dịch Covid-19 mang lại. Hà Nội những ngày giáp Tết Nhâm Dần, mỗi người, mỗi nhà đều có một dự định riêng. Người lên kế hoạch cho gia đình một chuyến du lịch để tận hưởng một kỳ du xuân, nghỉ dưỡng sau một năm khó khăn căng thẳng do dịch bệnh; có người lại quyết định về quê sum họp với cha mẹ già, với anh em láng giềng… Được ăn cái Tết ở làng mình, bên cha mẹ và người thân, đầu Xuân đi lễ chùa làng, tri ân nguồn cội đã sinh ra mình thật giản dị mà thiêng liêng, còn hạnh phúc nào hơn?
Mâm cỗ Tết dâng cúng gia tiên thể hiện đạo hiếu uống nước nhớ nguồn. |
Không chỉ những ai sinh ra nơi thành thị, có những người tự làng quê ra chốn này lập nghiệp, do mưu sinh khốn khó mà cũng ở lại, coi Tết như là một dịp để cố gắng tranh thủ kiếm thêm chút tiền. Vậy là, tết trở thành một dịp để người ta lăn lưng làm lụng vất vả. Câu chuyện sum vầy chỉ dám thoáng nghĩ đến rồi đành lòng nhủ mong đến tết sau sẽ khấm khá hơn để trở về…
Tết mỗi năm nơi thành phố là vậy. Đủ đầy pháo hoa, đủ đầy đào, mai, quất, đủ đầy những thược dược, lay ơn… nhưng lại thiếu vắng những ánh mắt háo hức trước bếp lửa quây quần bên nồi bánh chưng, thiếu lời chỉ bảo của ông sao cho vuông vắn đủ đầy khi cùng cả nhà ngồi gói bánh, thiếu lời dặn dò của bà khi sắp mâm cơm cúng gia tiên; Tết thiếu đi câu chuyện của ông bà về những cái Tết xưa thương nhớ. Tết thiếu đi nụ cười con trẻ khi được thấy người lớn dựng cây nêu, giã giò, trong giờ phút giao thừa được ông bà gọi lại mừng tuổi, căn dặn và chúc lành.
Ngày Tết, từ vạn dặm người con xa quê được trở về nhà, nhà là nơi tổ ấm - nhà là nơi có tổ tiên. Thắp một nén hương trong ngày trở về là tạ ơn che chở của tổ tiên. Có tổ ấm để trở về, chính là nhờ “phúc ấm” của tổ tiên mà bao đời các thế hệ đi trước tạo dựng.
Thầy tôi từng chia sẻ, dân tộc tôi có một Đạo rất đặc biệt và là tinh hoa của nền văn hóa Việt, đó là Đạo Hiếu.
Thẳm sâu trong mỗi tâm hồn người con Việt là tâm tình mong được xứng đáng, được vẹn tròn chữ Hiếu. Hiếu với cha mẹ, thuận với anh em họ hàng để mỗi dịp tết về là không thẹn lòng mà chung vui cùng đón xuân mới. Hiếu với tổ tiên để không thẹn lòng khi nhắm mắt xuôi tay.
Trong niềm vui đầu Xuân năm mới, nhiều khi tôi chạnh lòng chợt nghĩ đến những người xa quê chưa thể trở về, chưa được trở về, chắc hẳn họ cũng đau đáu nhớ quê hương? Với ai rồi cũng vậy, đoàn viên là giá trị cao nhất khi dịp xuân về? Tết, lễ tết hay ăn tết chính là đề cao giá trị của sự sum họp và tri ân.
Nhắc đến một cái Tết nơi thành phố, nhắc đến một truyền thống đã trở thành “nếp nhà” của dân tộc mình, tôi chợt ước mong như tâm nguyện của Thầy tôi, rằng mọi người đều hiểu được “Hiếu” chính là Đạo, biểu hiện của Hiếu ấy chính là tri ân và báo ân.
Thế nên mới có, Mùng 1 Tết Cha, mùng 2 Tết Mẹ, mùng 3 Tết Thầy; mới có: Tứ thời Xuân tọa thủ - Bách hạnh hiếu vi tiên (Nghĩa là: Bốn mùa, xuân đứng thứ nhất. Trăm nết, hiếu làm đầu). Chữ “Hiếu” của dân tộc lấy “Kính – Thương làm trọng, lấy Tri ân – Báo ân để hoàn thiện mình. Làm tròn một chữ Hiếu, ấy là người đã tròn bổn phận với tiên tổ, với nguồn cội.
Những điều học được từ Thầy đã giúp cho tôi minh định được những giá trị tinh hoa trong văn hóa dân tộc và hiểu rõ con đường xây dựng nền tảng đạo đức gia đình cho mình. Tôi hiểu rằng, Hiếu trong văn hóa Việt đề cao sự tiếp nối - kết nối với tổ tiên, nguồn cội. Điều đó biểu hiện qua hình ảnh ban thờ gia tiên và nén hương của lòng thương kính mỗi ngày được thắp lên trong gia đình người Việt.
Đạo hiếu biểu hiện qua ngày Tết với nét đẹp sum vầy; biểu hiện qua những mùa lễ hội và niềm kính ngưỡng trước đền thờ Mẫu, thờ thánh thần có công với nước, thờ thành hoàng làng, thờ bà chúa ông hoàng đã một thời giúp dân giúp nước. Và đặc biệt, đạo Hiếu biểu hiện qua tâm thức mong mỏi xứng đáng với gia đình và nguồn cội mỗi dịp trở về. “Sinh ký, tử quy”, ấy là lòng mong mỏi mình sẽ không thẹn trong dòng chảy tiếp nối của gia đình, họ mạc và xa hơn là của tổ tiên khi nhắm mắt xuôi tay.
Đây là một quan điểm về Hiếu hoàn toàn khác với Hiếu của Nho giáo, không phải là Hiếu để mong con cái luôn “Nghe lời”, cung phụng và tuân theo những chỉ bảo của cha mẹ. Không có những lời dạy bổn phận làm con được lưu truyền, chỉ từ nơi ban thờ gia tiên không thể thiếu trong mỗi gia đình, chỉ từ mỗi dịp tết quây quần và sum họp nhưng hiếu hạnh của người Việt đã trở thành dòng chảy văn hóa âm thầm tự bao đời trong tâm thức mỗi người con.
Nhắc đến chữ “Đạo”, không thể không nhắc tới đạo Phật. Phải chăng vì lời dạy của đức Phật: “Hiếu tâm thị Phật tâm” và “Thời chưa có đức Phật ra đời, cha mẹ trong nhà chính là Phật tại thế” nên đạo Phật đã trở nên gần gũi và hòa nhập với văn hóa Việt một cách hài hòa. Cho nên, hễ người con Việt nào sinh ra, nếu như người con ấy trong nhà có ban thờ gia tiên, có thắp nhang ông bà thì phải chăng cũng đã là một phật tử.
Ngày xưa tôi thường thắc mắc, vì sao cứ hễ khi mở đầu bài khấn gia tiên, tôi thường nghe câu đầu tiên rằng: “Con nam mô A Di Đà Phật...”. Đến hôm nay, tôi tin rằng, lời khấn, thậm chí là lời chào phật hiệu “A di Đà Phật” ấy là một điều màu nhiệm.
Bởi tự thuở xa xưa, ông cha mình cũng đã chọn đạo Phật cho dân tộc mình. Đạo Phật, với Từ Bi Hỷ Xả, đề cao chữ Hiếu cùng lòng biết ơn hòa nhập với tư tưởng văn hóa bản địa một cách hoàn hảo. Ngay cả khi đạo Công giáo du nhập vào Việt Nam, người theo công giáo vẫn có nhu yếu thắp hương và thờ kính, nhớ ơn tổ tiên. Bởi, điều đó là dòng chảy tâm thức dân tộc. Cho nên, tôi muốn dặn rằng, bạn nhớ nhé, khi bắt đầu được sinh ra trên quê hương này, bạn đã là người “có đạo”. Bạn hãy tự hào và mừng vui vì điều đó.
Tôi cũng chắp tay thầm nguyện, cho người người đều có một cái Tết đủ đầy và sum họp. Dù thành phố hay nông thôn, ai cũng nhớ trở về, ai cũng đủ điều kiện để được trở về. Để Tết đủ đầy với niềm tin và sự hiếu kính thiêng liêng, đủ đầy ngọt ngào của sự đoàn viên. Và hơn thế, để ai ai cũng được có những ngày Tết thực sự cho tâm hồn mình. Nơi đâu là quê hương nếu không phải là mái ấm gia đình? Nơi đâu là nguồn cội nếu như mình bỏ quên gốc rễ quê hương? Nơi đâu là hạnh phúc vui vầy nếu như mình chưa tròn hai chữ Kính – Thương?
Xin thắp lên một nén hương thơm tri ân tiên tổ và nguyện là sự tiếp nối đẹp thiện lành, xin nguyện sống thiện lương để không thẹn lòng trong mỗi dịp trở về…