70% doanh nghiệp không tiếp cận được vốn tín dụng
Tại Tọa đàm ‘Gỡ nút thắt trong tiếp cận vốn tín dụng của các DN tư nhân” do website Chính phủ tổ chức hôm 26/7, đại diện Ngân hàng nhà nước (NHNN), ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết, DNNVV là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên mà NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) phải đáp ứng đầy đủ các nhu cầu vốn, NHNN cũng chỉ đạo giảm lãi suất trần cho vay đối với lĩnh vực này. Đầu năm 2017 NHNN đã có văn bản gửi cho NH thương mại các tỉnh, TP, các TCTD đề nghị có các giải pháp để hỗ trợ cho các DNNVV.
Thông tin từ ông Tần cho biết, đến nay, dư nợ tín dụng đối với các DNNVV đã đạt gần 1,3 triệu tỷ, chiếm gần 22% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế và tăng 6,5% so với cuối năm 2016, với gần 200.000 khách hàng đang còn dư nợ tại các TCTD, tăng 10.500 khách hàng so với cuối năm 2016.
Không bình luận các con số này, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng, ở Việt Nam có khoảng 70% không tiếp cận được vốn tín dụng và đây không phải là một tỉ lệ nhỏ. “Chúng ta có thể khắc phục được nhưng trong nhiều năm vẫn chưa vượt được!”- Ông Nam khẳng định.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, vốn NH chi phối tới khoảng 80% và gần như 80% vốn của DN cũng do NH cung ứng, và trong đó thì 80% thu nhập của NH lại do nguồn tín dụng hoạt động truyền thống mang lại, nên tín dụng không tới được DN là ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thống DN cũng như hệ thống NH. Một khi thiếu vốn, DN sẽ không thể lớn lên được, mãi bị nhỏ, lép vế và bị thu hẹp thị phần ở ngay trên sân nhà. Ở góc độ vĩ mô, 97% trong hệ thống DN mãi mãi như vậy thì toàn bộ nền kinh tế rất khó có sự tái cơ cấu và nền kinh tế sẽ giảm sức cạnh tranh, khó có một sự tăng tốc tốt trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu.
Cả doanh nghiệp và ngân hàng đều phải thay đổi
Khẳng định là NHNN rất coi trọng và đã chỉ đạo rất quyết liệt các chính sách tín dụng đối với DNNVV, DN tư nhân, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế NHNN Trần Văn Tần dẫn ra một vài con số: Dự nợ khu vực kinh tế tư nhân hiện nay là gần 4 triệu tỷ đồng, với hàng triệu khách hàng đang còn dư nợ. Từ năm 2014 tỷ lệ cho vay đối với DN tư nhân chỉ chiếm 53%; năm 2015 tăng 62% và tính đến tháng 4/2017 là 66%; tín dụng NH đóng góp tích cực vào sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, để duy trì tỷ trọng GDP của khu vực này ở mức là từ 39 đến 40%.
“Tuy nhiên, một số DN tư nhân chưa tiếp cận được vốn tín dụng NH thì nguyên nhân chủ yếu là do một số DN năng lực quản trị và khả năng tài chính còn hạn chế, báo cáo tài chính còn chưa được kiểm toán và không công khai minh bạch để làm cơ sở cho các TCTD thẩm định để quyết định cho vay…”- Ông Tần phát biểu.
Thừa nhận về phía DN hiện đang có một số hạn chế như: không chứng minh được hiệu quả SXKD một cách rành mạch (quá khứ, hiện tại và cơ hội tương lai), phương án kinh doanh để vay vốn sức thuyết phục không cao, không thuyết phục được một cách rõ ràng, song đại diện Hiệp hội DNNVV cho rằng nguyên nhân cũng có một phần từ phía NH.
“Về phía NH gần như là e sợ bị hình sự hoá. Vấn đề này đã có kiến nghị rồi, nếu cán bộ NH làm đúng quy trình, làm chuẩn, làm tốt rồi còn phía rủi ro do thị trường thì mình phải xem xét vấn đề này. Chủ yếu là do NH không phải là họ không nghĩ đến đột phá mà do họ sợ mình làm không khéo thì liên quan đến pháp luật hình sự…”- Ông Nam phát biểu.
Ông Nam cũng cho biết, ông có cảm nhận các NH quá thận trọng, đang hướng đến sự thay đổi của DN chứ không phải tự mình thay đổi.
Để tháo gỡ “nút thắt” này, ông Nam cho rằng, tuy NH đã đưa ra rất nhiều biện pháp nhưng cái căn cơ đầu tiên để triển khai các biện pháp đó là phải thay đổi triệt để tư duy, đừng nhìn khu vực 70% không tiếp cận được vốn, không đáp ứng được điều kiện vay là chỗ rủi ro mà nên lọc ra trong đó độ 10% nhìn thấy tiềm năng để tăng trưởng tín dụng của NH là rất lớn, bởi vì hai bên quan hệ với nhau thì phải đảm bảo nguyên tắc là công bằng. “Anh cho DN vay, anh được phần lãi thì anh cũng phải chấp nhận một phần rủi ro…”- Ông Nam phân tích.
Mặt khác, theo đề xuất của đại diện Hiệp hội DNNVV, NH nên thiết kế lại điều kiện cho DN vay cho phù hợp, NH phải tăng cường hỗ trợ cho DN những điểm mà DN còn hạn chế, khuyến khích các NH cho vay dựa trên xếp hạng tín nhiệm DN. “Đây là một hướng đúng vì NH không thiếu vốn mà chỉ thiếu niềm tin bắt nguồn từ thiếu tín nhiệm của DN. Tôi rất đồng tình với nhận định là bản thân NH cũng đã nhận thức và đang có xu hướng đẩy mạnh cho DN nhỏ, DN tư nhân vay và coi đó là tiềm năng rất lớn để tăng trưởng lâu dài cho chính NH…”- Ông Nam phát biểu.
Ông đề xuất: Để khơi thông được vốn cho DN thì cần có biện pháp sát với thực tế hơn. Trước tiên NH với tư cách là DN đặc biệt, tính chuyên nghiệp cao hơn lại có tiềm lực tài chính mạnh thì trong mối quan hệ với DN NH phải chủ động hơn, thậm chí phải hy sinh, táo bạo một chút để có lợi lâu dài. Đặc biệt, điểm nào DN cần hỗ trợ thì NH nên hỗ trợ vào chỗ đó, ví dụ như hỗ trợ quản trị rủi ro cho DN, hỗ trợ DN xây dựng các phương án đầu tư về thiết bị, nhà xưởng cho tốt hơn, hỗ trợ DN SXKD theo chuỗi sản phẩm, tăng tính minh bạch về báo cáo tài chính. Cuối cùng là NH phải thiết lập được chuẩn tín nhiệm của DN, từ đó thông tin của hai bên về nhau rõ hơn, độ tin cậy sẽ cao hơn…
Cảnh báo hiện tượng lập dự án vay vốn giá rẻ để chuyển sang kinh doanh bất động sản, ô tô
TS Nguyễn Minh Phong chia sẻ, ông vừa nhận được thông tin là có đại gia buôn ô tô bây giờ lại nhảy vào nông nghiệp để lập dự án vay vốn giá rẻ sau đó chuyển sang bất động sản hoặc lại buôn ô tô. “Đây là cảnh báo của người trong cuộc và không nên coi nhẹ. Về mặt logic, rõ ràng chênh lệch lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên và không ưu tiên là đủ lớn để tạo ra động lực cho việc này. Cần hết sức cẩn trọng trong trao đổi thông tin, công tác thẩm định, kiểm tra vốn sau giải ngân để tránh mọi kẽ hở làm thất thoát vốn, bảo đảm cho dòng vốn chảy vào đúng nơi, đúng chỗ, đúng đối tượng và đúng thời điểm DN cần…”- TS Phong đề nghị.
Trao đổi về thông tin này, đại diện NHNN, ông Trần Văn Tần cho rằng NHNN cũng đã chỉ đạo các TCTD kiểm soát chặt chẽ việc cho vay đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, BOT, BT … để phòng ngừa, ngăn chặn dòng vốn từ lĩnh vực ưu tiên chảy sang các lĩnh vực khác…