Tiền nhiều để làm gì?
Câu nói này từng trở thành tâm điểm, gây "chấn động" công đồng mạng vào năm 2019. Nguyên văn bài đăng trên facebook có những câu như thế này: “Cứ ăn và phá. Trường kỳ bao năm nay. Mỗi năm báo bố 20 tỷ. Năm năm liên tiếp báo 5 lần con số như thế…”. Kèm theo đoạn văn trên là những hình ảnh chụp cuộc sống sa hoa của cô gái cùng người bố - được cho là chủ tịch hội đồng quản trị một công ty có tiếng.
Bài dăng không bàn đến sự đúng sai trong câu chuyện trên mà chỉ nói đến chữ “tiền” và sự tiêu tiền. Quả thực nếu có việc “đốt” 20 tỷ mỗi năm thì phần lớn những người dân bình thường không dám nghĩ đến. Những năm qua, dư luận đã không ít lần choáng váng trước mức độ ăn chơi của những “cậu ấm cô chiêu” người Việt hay của nhóm Rich Kids – “Hội con nhà giàu Việt Nam”.
Nhìn cuộc sống xa hoa bên những du thuyền, siêu xe, nhà hàng sang trọng, quần áo hàng hiệu… của những người này khiến chúng ta không khỏi ngỡ ngàng tự hỏi: Tiền ở đâu mà nhiều thế? Và biết bao nhiêu người trong chúng ta cũng thèm khát có một cuộc sống như vậy. Tiền tiêu không phải nghĩ - phải chăng là mơ ước đương nhiên của mỗi chúng ta?
Nhưng rút cuộc thì tiền nhiều để làm gì? Câu hỏi thực lòng nhưng cũng chát đắng của một vị đại gia trong phiên tòa ly hôn có đủ để mỗi chúng ta “ngộ” ra điều gì đó! Vị doanh nhân này có hàng ngàn tỷ. Nhưng tiền nhiều như thế có đủ mang đến cho người ta hạnh phúc hay không? Mỗi chúng ta hay thử dừng lại 1 phút để suy ngẫm và trả lời.
Và chuyện tỷ phú... không nhà, không xe
Tỷ phú Charles F. Feeney là một người Mỹ gốc Ireland. Vị tỷ phú Mỹ này nói thông thạo 2 tiếng Pháp và Nhật, là người xây nên đế chế các cửa hàng miễn thuế. Từ nhỏ, ông đã nghĩ ra đủ mọi cách để kiếm tiền như gõ cửa từng nhà để bán thiệp Giáng sinh, dọn tuyết trên đường hay nhặt bóng trên sân golf...
Mặc dù kiếm được rất nhiều tiền, với tổng tài sản theo New York Times lên tới 8 tỷ USD, nhưng Chuck Feeney có cuộc sống riêng tư rất bình lặng và đơn giản, không xa hoa, không bao giờ thắt cà vạt Hermes hay mang giày hiệu Gucci.
Vợ chồng Chuck Feeney cùng sống trong một căn hộ cho thuê tại thành phố San Francisco. Feeney không có ô tô hay bất kỳ vật dụng xa xỉ nào, kính mát ông đeo cũng đã cũ. Ông không có ô tô riêng, ra ngoài thường đi bằng xe buýt, túi xách thường dùng là túi vải và món ăn ưa thích là bánh mì sandwich phô mai cà chua nướng. Phụ kiện đáng giá nhất của ông có lẽ là… chiếc đồng hồ bằng cao su trị giá 15 USD.
Ông ghét sự phung phí, không muốn con cái trở thành con nhà giàu hư hỏng và bắt chúng làm hầu bàn, bồi phòng khách sạn, thu ngân trong các kỳ nghỉ hè ngay từ khi còn nhỏ và phải tự lăn lộn kiếm sống khi đến tuổi trưởng thành. Feeney cho biết, đây chính là cách để ông giáo dục các con biết quý trọng giá trị của đồng tiền.
Có lẽ, trong mắt nhiều người, Feeney là một tỷ phú keo kiệt và bủn xỉn, tuy nhiên, ông lại là một người đàn ông có tấm lòng hào hiệp. Ngày 23/11/1984, Chuck Feeney đã quyên góp toàn bộ tài sản, bao gồm tiền mặt, doanh nghiệp và cả cổ phiếu của mình cho tổ chức do chính ông sáng lập, nay được biết đến là Atlantic Philanthropies (Quỹ từ thiện Đại Tây Dương).
Quỹ Atlantic Philanthropies của Feeney bắt đầu sứ mệnh “làm rỗng túi” từ năm 1982 với ước mơ muốn tạo ra sự thay đổi lớn cho cuộc sống của những người gặp khó khăn. Bên cạnh khao khát cải thiện đời sống cho hàng triệu người, tỷ phú này còn vô cùng xem trọng giáo dục. Ông đã quyên tặng 588 triệu USD cho Đại học Cornell, 125 triệu USD cho Đại học California, 60 triệu USD cho Đại học Stanford và chi ra 1 tỷ USD để cải tạo cũng như xây mới 7 trường đại học ở Ireland và 2 trường đại học ở Bắc Ireland. Rồi vào năm 2017, Feeney đã tài trợ nốt 7 triệu USD cuối cùng cho Đại học Cornell nhằm hỗ trợ sinh viên làm công tác dịch vụ cộng đồng.
Khi được hỏi lý do tại sao ông quyết định quyên góp hết tài sản của mình, thật đơn giản, ông đáp lại rằng: "Đó là một việc làm đúng đắn".
Tấm vải liệm không có túi
Cho đến nay, Feeney đã xây cả ngàn tòa nhà khắp châu lục, nhưng điều đáng quý hơn là tên của ông không hề xuất hiện trong bất cứ công trình nào, từ trên các viên đá ốp tòa nhà hay trong các văn bản. Tất cả mọi sự quên góp và hiến tặng đều diễn ra trong âm thầm.
Khi các hoạt động từ thiện của ông được tiết lộ, rất nhiều người mới biết đến và muốn tiếp xúc với ông. Họ tò mò điều gì đã khiến ông quyên hết tài sản của mình, để rồi sống một cuộc đời có phần nghèo khổ trong một căn hộ nhỏ như thế.
Trước sự tò mò của mọi người, Feeney mỉm cười kể một câu chuyện: "Một con cáo nhìn thấy những chùm nho trong vườn kết đầy quả mọng, nó muốn đánh một bữa no nê, nhưng do mập quá, nó không chui qua hàng rào được. Thế là nó nhịn ăn nhịn uống 3 ngày 3 đêm để gầy đi, cuối cùng nó đã vào được bên trong! Đánh chén xong, nó vô cùng mãn nguyện, nhưng khi vừa ghé mình chui qua hàng rào thì nó lại không chui ra được. Hết cách, nó đành phải thực hiện theo cách cũ, nhịn ăn nhịn uống 3 ngày 3 đêm. Kết quả là, khi nó chui ra được bên ngoài, bụng lại trở về như trước khi chui vào".
Bên cạnh đó, Feeney luôn có quan niệm rằng: “Thượng đế không có ngân hàng còn vải liệm thì không có túi, ai sinh ra cũng đều tay trắng, cuối cùng lại về trắng tay”. Vì vậy, ông đã dùng toàn bộ tài sản của mình để quyên tặng với hi vọng cải thiện đời sống của con người và giúp xã hội phát triển tốt đẹp hơn. Ông thực sự đã hoàn thành được tâm nguyện “cho đi khi còn đang sống”, “không nợ nần không vướng bận gì để đi gặp Thượng đế”.
Có câu nói đại ý như thế này: Đặt tiền bạc dưới chân, nó sẽ đưa bạn đến bất cứ đâu. Còn ngược lại, đặt tiền ở trên đầu thì sức nặng của nó sẽ đè bạn xuống. Câu nói ấy đúng hay sai? So với bài “đồng dao” quen thuộc mà chúng ta vẫn đọc: “Tiền là tiên là phật/ Là sức bật của lò xo/ Là thước đo của lòng người/ Là tiếng cười của tuổi trẻ/ Là sức khỏe của tuổi già/ Là cái đà danh vọng/ Là cái lọng che thân/ Là cán cân công lý…” thì ta nên sống thế nào?
Không quá khi cho rằng cuộc sống hiện nay là cuộc sống của tiền bạc. Đa số mọi người đều coi tiền bạc là trọng tâm của đời mình, sống để kiếm tiền. Vui ở tiền bạc mà buồn cũng ở tiền bạc. Có tiền là có tất cả mà mất tiền là mất tất cả. Nhưng liệu có đúng như vậy không?
Có mấy ai hiểu rằng, trước thần chết dù tiền muôn bạc vạn cũng không mua nổi một ngày. Và giá trị của cuộc sống này không nằm ở đồng tiền. Giá trị của cuộc sống nằm ở những năm tháng chúng ta đang trải qua, ở những điều mà chúng ta đã trải nghiệm. Thậm chí, trên thực tế, tất cả những bậc giác ngộ, những người được coi là hạnh phúc nhất, là ước muốn của cả nhân loại, ví dụ như Đức Phật, lại không hề sở hữu một chút tiền bạc nào.