Rồng - nguồn cảm hứng sáng tạo của người Việt
Rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam. Rồng của dân gian biểu trưng cho sự tốt đẹp, may mắn và thịnh vượng, là sức mạnh của sự sống. Hình ảnh của rồng là hình ảnh vị thần phun nước làm mưa để dân cày ruộng, mang lại lúa gạo nuôi sống con người. Với truyền thuyết con Rồng - cháu Tiên, rồng là niềm tự hào về dòng giống, cội nguồn của người Việt. Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, các thế hệ người Việt truyền tụng rằng tổ tiên của chúng ta là dòng giống Tiên Rồng, tượng trưng cho những phẩm chất cao đẹp, tính nhân văn, tinh thần cao thượng, sức mạnh và lòng quả cảm của dân tộc Việt Nam.
Nhìn từ góc độ văn hóa, rồng là nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, nhất là trong nghệ thuật tạo hình của người Việt. Ngay từ thời Lý, Trần, rồng đã được đặt ở những vị trí trang trọng nhất ở các công trình nghệ thuật, như trên bệ tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích, ở tháp Chương Sơn, chùa Phổ Minh.
Hình tượng con rồng Việt xuất hiện rõ nét dưới thời Lý. Khi giành được độc lập, nhà Lý lên ngôi và đặt tên nước là Đại Việt; hình ảnh “Rồng bay lên” - Thăng Long tượng trưng cho khí thế vươn lên của dân tộc, được đặt tên cho đất đế đô. Rồng thời Lý còn tượng trưng cho mơ ước của cư dân trồng lúa nước nên luôn được thể hiện trong khung cảnh trời mây, non nước.
Rồng gắn liền với biểu tượng quyền uy của vua chúa. Các triều đại vua chúa ngày xưa đưa múa rồng trở thành loại hình múa nghệ thuật truyền thống không thể thiếu trong các lễ trọng của cung đình. Hình tượng rồng Việt đã hiện diện đa dạng trong mọi mặt đời sống xã hội: kiến trúc, trên trang phục; đồ mỹ thuật ứng dụng…
Đặc biệt trong nghệ thuật tạo hình của người Việt, hình tượng rồng là nguồn cảm hứng sáng tạo trong kiến trúc cung đình, tín ngưỡng tôn giáo, trong mỹ thuật ứng dụng cung đình và đời sống sinh hoạt. Ngay từ thời Lý, Trần, rồng đã hiện hữu ở những vị trí trang trọng nhất trong các tác phẩm, công trình nghệ thuật, như trên bệ tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích, ở tháp Chương Sơn, cánh cửa chùa Phổ Minh. Thời Lê Sơ, hình tượng rồng được chạm khắc phổ biến trên các chất liệu đá: rồng đá ở Điện Kinh Thiên - Hoàng thành Thăng Long, rồng đá trên bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc tử Giám, trên các bia tại lăng, mộ vua Lê (Lam Kinh, Thanh Hóa). Trong đời sống dân gian, rồng được thể hiện rất phong phú: múa rồng trên sân đình vào các dịp hội hè, lễ, Tết; trò chơi rồng rắn lên mây của trẻ con; rồng trong tranh dân gian Đông Hồ, rồng trên giấy diệp… Đó là minh chứng hùng hồn nhất về sự hiện diện, tồn tại của rồng trong văn hóa Việt qua mọi thời đại, trong lòng cộng đồng của cả một dân tộc.
Rồng - nguồn sáng tri thức trên bia Tiến sĩ
Cách đây đúng 540 năm, những tấm bia Đề danh Tiến sĩ đầu tiên đã được Vua Lê Thánh Tông cho khởi dựng vào năm 1484 nhằm tôn vinh các nhà khoa bảng đỗ đạt. Trải qua hơn nửa thiên niên kỷ tồn tại với rất nhiều thăng trầm của lịch sử, số lượng bia Đề danh Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám hiện còn 82 bia, ghi danh 1.304 vị Tiến sĩ. Đây không chỉ là kho sử liệu quý giá về lịch sử, văn hoá, xã hội và giáo dục khoa cử Việt Nam thời quân chủ mà còn là những tác phẩm nghệ thuật tạo hình độc đáo, nơi các nghệ nhân chế tác đá gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa.
Trong 82 tấm bia Tiến sĩ tại Di tích có tới 46 tấm bia được trang trí hình rồng ở nhiều kiểu dáng, vô cùng sinh động. Hình tượng rồng luôn được dành một vị trí hết sức trang trọng. Rồng được thể hiện theo bố cục một đôi rồng chầu vào mặt trời có mây lửa bao quanh. Bản thân hình ảnh mặt trời mây lửa có lẽ cũng được coi như một hình tượng tiêu biểu của nguồn sáng tri thức bất tận và nhiệt huyết của mỗi nho sinh trên con đường phấn đấu thành tài.
Hình tượng rồng trên bia tiến sĩ. (Ảnh: VMQTG) |
Hình rồng trên bia Tiến sĩ đã được các nghệ nhân chạm khắc vô cùng sống động với nhiều hình dạng, dáng vẻ khác nhau. Con rồng từ trong tưởng tượng được chạm rất có hồn thành một con vật như có thật, có đời sống và một thế giới riêng. Trán bia được bố trí các khối, các mảng rất hài hòa, đường nét chạm tinh tế, gắn kết với tổng thể cả tấm bia như một bức tranh nghệ thuật chứa đựng nhiều ý nghĩa.
Phân loại từ hình thể, hình rồng trên trán bia có hai loại: “Rồng thức” và “Rồng hóa mây”. “Rồng thức” là hình rồng uốn khúc từ trên vòng xuống, vi vảy được chạm rõ, đầu rồng ngẩng cao, râu tóc uốn lượn, thần thái dũng mãnh chầu vào vầng nhật nguyệt với các tia sáng xung quanh. Đặc biệt rồng được tạo tác chỉ có 3 móng. Qua thống kê chỉ có 15 tấm bia xuất hiện hình ảnh này.
Tuy nhiên trong 15 tấm bia đó, có tấm bia khoa thi năm 1607 lại xuất hiện loại “Rồng thức” khác. Đó là hình ảnh “Lưỡng long tranh châu”. Hình tượng hai con rồng là biểu tượng lực âm - dương cân bằng, hạt châu là biểu tượng của thái cực, là biểu tượng của vũ trụ. Hình ảnh hai con rồng được chạm khắc rõ nét, nhưng khô cứng, gai góc, khác với hình tượng rồng được chạm khắc trong cùng giai đoạn đó.
Hình ảnh “Rồng hóa mây” lần đầu tiên xuất hiện trang trí trên trán bia tiến sĩ khoa thi năm 1656. Từ khoa thi này trở về sau có 31 tấm bia sử dụng hình ảnh rồng hóa mây để trang trí trán bia. Vẫn là đề tài “Lưỡng long chầu nhật nguyệt”, chỉ khác là rồng được tạo hình từ những đám mây. Nếu chỉ nhìn lướt qua, có thể tưởng rằng đó là những đám mây vây quanh vầng nhật nguyệt. Chỉ khi quan sát kĩ mới nhận thấy khối mây này là đầu rồng, khối mây kia là thân rồng uốn khúc, tứ chi, vây tóc cũng được cách điệu từ những dải mây. Kiểu thức rồng hóa mây khiến cho linh vật rồng không có dáng vẻ uy nghi, đĩnh đạc như kiểu thức rồng được tạo tác trên bia thời kì trước đó mà uyển chuyển, bay lượn, biến hóa.
Nếu như đợt dựng bia năm 1653 thể hiện hình rồng theo hướng tả thực thì kể từ đợt dựng bia năm 1717 trở đi, hầu hết các hình tượng rồng đều được các nghệ nhân tạo tác theo những cách thể hiện hết sức đa dạng, thoát ly hoàn toàn khỏi những khuôn mẫu thông thường, thậm chí có cả những phiên bản rồng hoá mây, rồng hoá lửa hay rồng hoá cây lá.
Dù nhiều thế kỷ đã trôi qua, mỗi tấm bia đều phải hứng chịu rất nhiều tác động bất lợi của thời tiết như nắng, mưa, sương, gió khiến cho mặt bia bị bào mòn khá nhiều, các hoạ tiết đều ít nhiều bị che phủ sau lớp bụi của thời gian, song nhờ có kỹ thuật rập thác bản, các nhà nghiên cứu tìm lại được không chỉ những bài văn bia chứa đựng nhiều thông tin hữu ích mà còn phát hiện hàng loạt hoa văn, hoạ tiết hết sức tinh xảo.
Chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), ngày 31/7/ 2024, tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Hình tượng rồng trên bia Tiến sĩ”.
Trưng bày chuyên đề “Hình tượng rồng trên bia Tiến sĩ” nhằm mang đến cho khách tham quan những khám phá mới lạ về các hoạ tiết rồng trên 82 bia Tiến sĩ Thăng Long hiện đang được lưu giữ và bảo tồn tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.