Đó là trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Đình T, 23 tuổi, sinh viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Theo người nhà bệnh nhân kể thì bệnh nhân phải nhập Bệnh viện (BV) Xanh – Pôn ngày 2/9 vì sốt cao. Theo chẩn đoán ban đầu của BV, bệnh nhân bị SXH và cho về điều trị ngoại trú. Sau khi về nhà, T vẫn bị sốt và đau đầu nên gia đình tiếp tục đưa vào điều trị tại BV Đống Đa.
Sau 2 ngày truyền dịch, uống thuốc, bệnh nhân đã hạ sốt nhưng mệt và không muốn ăn uống gì. Vì quá lo lắng, mẹ T đã xin cho con ra viện và chuyển sang BV Bạch Mai (ngày 5/9). Đến 20h cùng ngày bệnh nhân lên cơn co giật, mất ý thức nên các bác sỹ Khoa Truyền nhiễm đã chỉ định chọc não tủy. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị viêm não - màng não do SXH Dengue.
Cũng may, do được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhân đã hồi tỉnh sau 2 ngày điều trị. Theo TS. Đỗ Duy Cường, Phó Trưởng Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai cho biết, số ca bệnh mắc SXH ở địa bàn Hà Nội phải nhập viện gần đây vẫn đang có dấu hiệu gia tăng. Tuy nhiên, trường hợp bị biến chứng gây viêm não – màng não như bệnh nhân T rất hiếm gặp. Khi vào viện bệnh nhân đã trong tình trạng rất nặng (co giật, rối loạn ý thức, phải thở oxy) và có thể tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời…
Nhận biết các dấu hiệu và nâng cao ý thức để phòng tránh dịch bệnh
Cũng theo TS. Đỗ Duy Cường, SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút Dengue gây ra, hay gặp ở các vùng nhiệt đới. Đối tượng chủ yếu mắc bệnh là ở các lứa tuổi thanh, thiếu niên sống ở các khu vực thành thị, nơi tập trung đông dân cư, điều kiện vệ sinh môi trường kém, thuận lợi cho muỗi phát triển.
Loại muỗi gây bệnh là loại muỗi vằn có tên khoa học là Aedes aegypti. Triệu chứng của bệnh thường là sốt cao đột ngột kéo dài 5-7 ngày, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi. Trường hợp nặng có thể xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, thậm chí có thể xuất huyết nội tạng, sốc giảm thể tích do hiện tượng thoát huyết tương và cô đặc máu dẫn tới tử vong nếu không được xử trí kịp thời.
Vì chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh SXH Dengue nên TS. Cường cho hay, điều trị bệnh chủ yếu là truyền dịch, bồi phụ nước và điện giải, dùng thuốc hạ sốt và theo dõi dấu hiệu xuất huyết bằng kiểm tra công thức máu hàng ngày.
Ngoài ra, TS. Cường khuyến cáo, khi có các dấu hiệu như: sốt cao đột ngột liên tục 39-40 độ C, kéo dài 2-7 ngày, khó hạ sốt; đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu; có thể có phát ban, nổi hạch; dấu hiệu xuất huyết (chấm xuất huyết ngoài da; chảy máu cam; chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn ra máu, đi cầu phân đen, có hiện tượng rong kinh, rong huyết (nữ giới), đau bụng vùng gan, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp)…, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Theo thông tin mới nhất từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, thống kê cho thấy thường có từ 50.000 đến 100.000 trường hợp nhiễm bệnh mỗi năm. Đến thời điểm này của năm 2015, cả nước đã ghi nhận có khoảng 30.000 trường hợp nhiễm; có tổng số 18 trường hợp tử vong ghi nhận được tại 10 tỉnh, chủ yếu tập trung tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong thời gian tới, Cục Y tế dự phòng nhận định, khi thời tiết miền Bắc trở lạnh, khả năng mắc SXH cũng có thể giảm đi nhưng ngay từ bây giờ chúng ta cần quyết liệt trong các hoạt động và cần có sự can thiệp của con người nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ dịch bệnh.
Theo TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, làm sao để thông tin đến với người dân là việc hết sức quan trọng, nhưng khi thông tin đến rồi thì người dân cũng cần phải thay đổi hành vi. Với trách nhiệm của mình, ngành Y tế cũng sẽ đưa ra những khuyến cáo, nội dung tuyên truyền hướng dẫn và đề nghị các việc phải được triển khai tới tận người dân thông qua chính quyền các cấp, thông qua các ban ngành, đoàn thể.