Lão nông gần 10 năm tố cáo tham nhũng
Ông Phạm Văn Phệnh năm nay đã hơn 70 tuổi, trú tại thôn Lương Xá, xã Gia Hòa ôm cả một thùng đơn thư, tài liệu đến gặp Báo Pháp luật Việt Nam để kêu "khổ" về chặng đường gần 10 năm làm đơn tố cáo đến các cơ quan có thẩm quyền, đề nghị làm rõ những sai phạm của bộ máy lãnh đạo xã Gia Hòa, giai đoạn 2005-2009. Theo ông Phệnh, những sai phạm của cán bộ xã mà ông tố cáo là có thật, nhưng đến năm 2016, các cơ quan giải quyết tố cáo đều đưa ra các kết luận có lợi cho người bị tố cáo, mặc dù thừa nhận những nội dung ông tố cáo là có thật.
Theo tố cáo của ông Phệnh, ban lãnh đạo xã Gia Hòa giai đoạn 2005 -2009 do ông Vũ Văn Mong làm chủ tịch đã có nhiều sai phạm trong việc quản lý kinh tế, có dấu hiệu trục lợi. Nội dung tố cáo này ông đã nêu trong các đơn gửi UBND huyện Gia Lộc và Công an huyện Gia Lộc từ những năm 2009-2010. Mặc dù đơn được giải quyết, những nội dung tố cáo cũng được xác định là có cơ sở, nhưng việc xử lý trách nhiệm của những người làm sai thì vẫn chỉ là "giơ cao đánh khẽ".
Theo kết luận giải quyết tố cáo đầu tiên do Thanh tra huyện Gia Lộc kết luận vào năm 2010, việc quản lý đất đai, đấu thầu, giao đất và thu tiền sử dụng đất có nhiều vi phạm của ekip lãnh đạo xã Gia Hòa. Trong đó, một loạt các cán bộ bị dề nghị xem xét xử lý kỷ luật và kiểm điểm trách nhiệm như ông Phạm Văn Lẫy (chủ tịch xã thời điểm năm 2003), ông Phạm Văn Suốt, thủ quỹ, ông Vũ Văn Mong, Chủ tịch xã Gia Hòa, ông Phạm Văn Du, kế toán xã, ông Đoàn Văn Vinh, Phó chủ tịch xã.
Với kết luận này thì những tố cáo của người dân về sai phạm trong quản lý đất đai và các hoạt động quản lý nhà nước tại xã Gia Hòa là có thật dẫn đến việc người dân bất bình, tố cáo. Song, việc kết luận sai phạm thì có, nhưng những cán bộ làm sai vẫn tại vị và lãnh đạo chính quyền địa phương hết nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác mới khiến người dân nản lòng. Như trường hợp ông Vũ Văn Mong, Chủ tịch xã thời điểm năm 2010 đã bị tố cáo có nhiều sai phạm trong đấu thầu quyền sử dụng đất, giao đất cho người dân cũng như sử dụng tiền đấu giá quyền sử dụng đất, có dấu hiệu tham nhũng. Thế nhưng, tại kết luận của Thanh tra huyện Gia Lộc, lỗi của ông Vũ Văn Mong không hề được nhắc đến.
Vì việc giải quyết tố cáo không khách quan và đầy đủ này của huyện Gia Lộc, ông Phạm Văn Phệnh tiếp tục theo đuổi việc tố cáo sai phạm đến thận tháng 6/2016 chỉ với mục đích là yêu cầu làm rõ nội dung tố cáo để người dân tâm phục cách giải quyết của chính quyền đối với sai phạm của cán bộ.
Có dấu hiệu bao che
Mặc dù những vi phạm của ông Vũ Văn Mong không đươc nhắc đến trong kết luận thanh tra, nhưng Chủ tịch UBND xã Gia Hòa vẫn bị Huyện ủy Gia Lộc xem xét thi hành kỷ luật bằng hình thức "khiển trách". Trong quyết định kỷ luật ngày 22/4/2010 của Huyện ủy Gia Lộc đã nêu ra những vi phạm mà bản thân những người tố cáo đã chỉ đích danh trong đơn, như việc ông Vũ Văn Mong vi phạm quy định về tài chính khi không nộp hơn 1 tỷ đồng tiền đấu giá quyền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước. Đến thời điểm thanh tra, kiểm tra tháng 9/2009, mới "khắc phục" bằng việc nộp thêm 540 triệu đồng. Số tiền còn lại, cho đến thời điểm thi hành kỷ luật, ông Vũ Văn Mong và UBND xã Gia Hòa vẫn còn "nợ" ngân sách.
Đơn tố cáo mới đối với các vấn đề không còn mới |
Điều đáng nói là, đây là sai phạm rất nghiêm trọng, cần phải minh bạch với người tố cáo nhưng trong kết luận thanh tra, Thanh tra huyện Gia Lộc đã bỏ qua nội dung này khiến cho những người dân luôn thắc mắc về số phận số tiền bị bỏ ngoài sổ sách của kho bạc. Ai đã chiếm hữu, sử dụng số tiền này cho đến khi kiểm tra và phát hiện ra sai phạm và có hay không việc cán bộ lợi dụng chức vụ để biển thủ số tiền trên thì chưa được công khai, minh bạch.
Năm 2012, Cơ quan điều tra Công an huyện Gia Lộc tiếp tục giải quyết "phần còn lại" trong nội dung đơn tố cáo mà ông Phạm Văn Phệnh đã gửi trước đây, được Công an tỉnh chuyển về. Kết luận giải quyết tố cáo cũng chỉ ra sai phạm, nhưng thay vì có biện pháp xử lý sai phạm, trong kết luận giải quyết tố cáo, Cơ quan điều tra lại bao biện cho sai phạm.
Cụ thể, đối với sai phạm về việc bán đất nông nghiệp cho người dân thì cơ quan điều tra đã xác định, có việc lãnh đạo xã Gia Hòa "chuyển đổi" cho ông Vũ Văn Mão 5.700m2 đất, thu về 154 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa thôn. Ngoài ra, các hộ gia đình ông Nguyễn Văn Sơn, Vũ Văn Tuy, Vũ Văn Thu cũng được thôn tự quyết định cho sử dụng đất "dôi dư". Sau đó, các hộ gia đình này nộp tiền cho thôn để xây dựng nhà văn hóa. Như vậy, việc xã và thôn tự ý giao đất có thu tiền là có thật.
Việc tự ý giao đất và thu tiền của dân là hành vi vi phạm quy định rất nghiêm trọng vì bản thân cấp xã không có quyền giao đất có thu tiền sử dụng đất cho người dân. Thế nhưng, việc "bán đất, thu tiền" này lại được lý giải là để xây dựng nhà văn hóa nên những người "dính" vào sai phạm này, trong đó có Chủ tịch xã, ông Vũ Văn Mong, đều không phải chịu trách nhiệm gì.
Điều đáng chú ý, sau 2 năm kể từ ngày ông Vũ Văn Mong bị thi hành kỷ luật đảng, Cơ quan điều tra mới "làm rõ" sai phạm liên quan đến việc không nộp ngân sách hơn 1 tỷ đồng tiền đấu giá quyền sử dụng đất. Theo đó, Cơ quan điều tra lý giải, số tiền 540 triệu mà xã Gia Hòa trả ngân sách khi đoàn thanh tra yêu cầu là kết quả thu "tạm ứng" của 11 trường hợp. Số còn lại gần 500 triệu đồng chưa thu được đang nằm trong các công trình xây dựng, chưa thu hồi được. Do đó, Cơ quan điều tra cho rằng, không có việc cán bộ xã tham ô, tham nhũng số tiền này.
Kết luận này đã thể hiện dấu hiệu bao che sai phạm mà ai nhìn cũng thấy. Đó là tiền bán đấu giá, phải nộp ngay vào ngân sách. Việc "tạm ứng" cho 11 người mà không rõ tạm ứng làm gì là trái pháp luật, chưa kể đến đây có thể là cách thức hợp thức hóa cho hành vi chia nhau tiền đấu giá đất bằng chứng từ tạm ứng. Số tiền gần 500 triệu còn lại đã được lý giải chung chung là "nằm trong các công trình xây dựng, chưa thu hồi được" là hoàn toàn không thuyết phục, chẳng khác gì một lời bào chữa thiếu thuyết phục cho các sai phạm đã xảy ra. Có lẽ, đây chính là lý do mà người dân tố cáo tham nhũng như ông Phạm Văn Phệnh phải theo đuổi việc này gần 10 năm qua để tìm được một câu trả lời thật.