Có thể thấy, tỷ lệ thí sinh lựa chọn không thi đại học tại nhiều tỉnh, thành phố tăng cao so với năm học trước. Tại tỉnh Ninh Thuận, số thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp lên tới 50%. Theo Sở GD-ĐT Ninh Thuận, đa số các em thuộc huyện nghèo, huyện xa, học lực yếu đã biết tự lượng sức mình không chọn học đại học. Tại một số trường như Bác Ái, Thuận Bắc, tỉ lệ này chiếm đến hơn 90%.
Tương tự, tỉnh Nghệ An cũng có 44% thí sinh dự thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp. Ngay tại Hà Nội, số thí sinh không thi đại học cũng tăng mạnh với 16.390 em.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, năm nay, một lượng lớn thí sinh tốt nghiệp THPT sẽ chuyển sang học nghề và tìm kiếm việc làm theo sự phân công của thị trường lao động. Thí sinh cân nhắc thấy đủ năng lực học ĐH, CĐ thì mới đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ, còn không đủ năng lực thì đi học nghề… Thứ trưởng khẳng định, xu hướng này là điều đáng mừng.
Đồng thời, cũng theo thông tin mới nhất từ Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Bộ sẽ dừng không thực hiện phần mềm xét tuyển ĐH, CĐ tập trung. Trước đó, Bộ GD-ĐT định tổ chức xét tuyển tập trung, sử dụng phần mềm chung cho tất cả các trường trên cả nước thành một nhóm lớn. Tuy nhiên, ông Ga cho biết, nhiều trường không ủng hộ chủ trương này, trong khi việc tham gia nhóm phải dựa trên tinh thần tự nguyện của các trường. Vì thế, Bộ sẽ không triển khai.
Đến thời điểm này, cả nước vẫn chỉ có hai nhóm xét tuyển ĐH chung. Đó là nhóm các trường GX do ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì. Nhóm có sự tham gia của 11 trường, gồm ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Xây dựng, ĐH Giao thông vận tải, ĐH Thủy lợi, ĐH Ngoại thương, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Công nghệ Giao thông vận tải và Học viện Ngân hàng, ĐH Mỏ - Địa chất và ĐH Thăng Long. Thứ hai là nhóm do Đại học Đà Nẵng chủ trì, dành cho các trường thành viên của ĐH này.
Theo Thứ trưởng Ga, việc tuyển sinh theo nhóm rất thuận lợi cho thí sinh và cũng giúp các trường chống ảo tốt hơn. Lãnh đạo Bộ cũng từng gợi ý các trường phía Nam thành lập nhóm nhưng đến thời điểm này chưa có phản hồi từ các trường. Vì thế, nhiều khả năng mùa tuyển sinh ĐH năm nay sẽ chỉ có hai nhóm trường xét tuyển chung.
Theo lịch thi của Bộ GD-ĐT, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 sẽ diễn ra từ ngày 1 đến hết ngày 4/7 với 8 môn thi. Trong số này có ba môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và 5 môn tự chọn gồm Lý, Hóa, Sinh, Lịch sử, Địa lý. Thí sinh cần dự thi ít nhất 4 môn để xét công nhận tốt nghiệp THPT, bao gồm ba môn bắt buộc và một môn tự chọn. Thí sinh có thể tự chọn thêm môn thi để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.