Không dám yêu ai vì bệnh khó nói
Làm việc tại Khoa niệu Bệnh viện FV từ khá lâu, bác sĩ Nguyễn Hoàng Đức được nghe biết bao tâm sự, những câu chuyện buồn của các nữ bệnh nhân bị mắc chứng bệnh tiểu không kiểm soát.
“Nhiều người cứ tưởng rằng chứng bệnh này chỉ xảy ra với phụ nữ cao tuổi, đã mãn kinh do thiếu hụt nội tiết tố. Tuy nhiên, thực tế tôi từng điều trị bệnh són tiểu không tự chủ cho những bạn gái trẻ, hay các phụ nữ có hoạt động thể lực mạnh (nhất là vận động viên, diễn viên múa…)”, bác sĩ Đức nói.
Một trong các nữ bệnh nhân khổ sở với chứng bệnh tiểu không kiểm soát là chị Hoàng Thị Mai. Chị Mai làm nghề buôn bán và thường xuyên phải khuân vác nặng. Do đặc thù công việc bận rộn nên chị không có thời gian hẹn hò với ai. Mãi đến năm 29 tuổi, bạn bè và người thân lo lắng cho chị nên mai mối. Sau 1 tháng tìm hiểu nhau, chị Mai và bạn trai thấy đã khá hợp, quyết định sẽ tiến tới hôn nhân.
Thế nhưng ngay trong buổi ra mắt hai họ, trong lúc phấn khích, chị Mai cười quá nhiều khiến nước tiểu són ra tới mức ướt đũng quần jean. Đang đỏ mặt chưa biết xử trí thế nào, may sao cô bạn thân ngồi cạnh nhanh trí cầm ly trà đá hất lên người chị, giả bộ lỡ tay làm đổ trà. “Thế là sau ngày hôm đó, mình đã tránh mặt, chủ động chia tay với anh ấy. Anh ấy rất bất ngờ, không hiểu sao mọi chuyện đang tốt đẹp mà mình lại quyết định như vậy. Mình cũng chẳng dám quen ai, định rằng suốt cuộc đời này sẽ ở vậy. Mỗi lần vận động mạnh hay cười nhiều là lại ướt quần, xấu hổ lắm!”, chị Mai buồn rầu tâm sự.
Bác sĩ cho biết, bệnh nhân Mai bị tiểu không kiểm soát do gắng sức, hướng dẫn chị dùng thuốc và các bài tập để điều trị ban đầu nhưng vẫn không có kết quả. Cuối cùng bác sĩ phải quyết định dùng thủ thuật đặt băng nâng niệu đạo để khắc phục tình trạng són tiểu cho nữ bệnh nhân này. Tỉ lệ thành công của phương pháp này đạt khoảng 90%.
Một trường hợp khác cũng suýt tan cửa nát nhà về chứng bệnh ướt quần khó nói. Bà Phạm Thị Ngọc Anh, 40 tuổi, ngụ tại Bình Dương luôn phải đóng băng vệ sinh. “Khổ lắm, cứ hắt hơi, cười là ướt quần, có lúc đang trong cuộc yêu mà mắc tiểu không biết làm thế nào. Căn bệnh này làm tôi cáu bẳn, ngại gần chồng, hạnh phúc gia đình sứt mẻ”, bà Ngọc Anh kể.
Tới khi phát hiện chồng có bồ nhí bên ngoài, bà Ngọc Anh trách cứ thì nhận được câu trả lời: “Ai bảo em ngủ riêng cả năm, anh tưởng em hết yêu anh rồi nên mới quen người khác”. Đến lúc này bà mới tới bệnh viện khám, điều trị, nhằm mục đích cứu vớt hạnh phúc vợ chồng.
Tỷ lệ chữa khỏi cao
Theo bác sĩ Đức, tiểu không kiểm soát khi gắng sức là hiện tượng đột ngột thoát (són) nước tiểu ra ngoài lỗ tiểu (lúc ho, nhảy mũi, hắt hơi, tập thể dục, thay đổi tư thế hoặc khi khuân vác lao động nặng). 15-60% phụ nữ bị chứng bệnh “khó chịu” này ở các mức độ nặng nhẹ khác nhau. Dù mức độ són nước tiểu nhẹ hay nặng đều gây ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống.
Bác sỉ đang đo niệu đạo cho một bệnh nhân |
Một số phụ nữ, ngoài triệu chứng tiểu không kiểm soát khi gắng sức còn bị kèm theo tiểu gấp không kiểm soát (vừa mắc tiểu là đã tiểu són ngay không thể kiềm chế để đến nhà vệ sinh kịp thời). Nguyên nhân là do sự thoái hóa theo lứa tuổi hoặc sinh đẻ nhiều lần, hệ thống cơ - dây chằng ở vùng chậu không còn đủ sức để nâng đỡ cho các cơ quan ở vùng chậu như tử cung, bàng quang, niệu đạo.
Khi đó, mỗi khi gắng sức (ho, rặn, thể dục, lao động nặng…) áp lực trong ổ bụng đè lên bàng quang, mà hệ thống cơ - dây chằng không thể giúp niệu đạo siết chặt lại nên nước tiểu trong bàng quang sẽ theo áp lực rặn thoát ra ngoài. Bệnh này được phát hiện chủ yếu thông qua thăm khám trực tiếp bệnh nhân.
Thầy thuốc sẽ khám âm đạo để đánh giá mức độ di động của niệu đạo và bàng quang. Đồng thời bệnh nhân sẽ ho hoặc rặn (ở tư thế nằm và tư thế đứng) để phát hiện tình trạng thoát nước tiểu. Ngoài ra khám âm đạo còn giúp phát hiện và đánh giá trình trạng sa tử cung hoặc sa bàng quang đi kèm. Bệnh nhân có thể cần làm thêm xét nghiệm cần thiết khác.
Nếu bệnh nhẹ, bệnh nhân không cần phẫu thuật mà chỉ luyện tập một số bài tập để tăng sức mạnh của nhóm cơ vùng đáy chậu và sử dụng kết hợp thuốc uống. Trong trường hợp bệnh nặng, người bệnh có thể điều trị bằng phương pháp đặt băng nâng niệu đạo.