Phớt lờ mọi đề nghị qua đường ngoại giao, bất chấp luật pháp cũng như dư luận quốc tế, đã và đang hiện rõ chân tướng của một lớp những lãnh đạo chính quyền Trung Quốc dám chà đạp lên tất cả, kể cả hòa bình và công lý quốc tế...
Một lần nữa cần nhấn mạnh rằng, từ đầu tháng 5, bằng việc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan 981 sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chính quyền Bắc Kinh đã thật sự bất chấp tất cả, chà đạp lên Công ước LHQ về Luật Biển 1982, đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC) và các thỏa thuận có liên quan khác giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc.
Xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của nước khác, hành vi trên của chính quyền Trung Quốc tuyệt nhiên không đại diện cho ý nguyện chung của những người dân Trung Quốc tiến bộ, yêu chuộng hòa bình, biết trân trọng mối quan hệ hữu hảo Việt Nam - Trung Hoa. Hơn thế nữa, tuy tuyên bố “trỗi dậy hòa bình” nhưng cái cách “trỗi dậy” bằng một giàn khoan cắm sâu trong vùng chủ quyền của Việt Nam lại phản tác dụng, đang đưa chính Trung Quốc vào thế cô độc trên trường quốc tế.
Trung Quốc muốn dùng giàn khoan Hải Dương 981 như một “lãnh thổ di động” hòng thực hiện tham vọng mở rộng chủ quyền |
Tự cho rằng là một quốc gia lớn, đã “có tư cách” can thiệp vào những vấn đề lớn của thế giới thời toàn cầu hóa, giới lãnh đạo Trung Quốc dường như rất tự tin khi lệnh cho giàn khoan Hải Dương 981 tiến vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tiến thêm một bước trong tham vọng hiện thực hóa “đường lưỡi bò” chín đoạn và độc chiếm biển Đông.
10 ngày đầu tiên sau khi giàn khoan 981 hiện diện trong vùng biển của Việt Nam, hàng loạt nước trên thế giới đã có phản ứng trước một sự kiện có tính uy hiếp đặc biệt đối với an ninh, hàng hải quốc tế, uy hiếp hòa bình trên biển Đông và ổn định ở khu vực Đông Nam Á. Không khó khăn để thấy rằng, trong tuyên bố của tất cả các quốc gia, tổ chức quốc tế lớn trên thế giới, không có bất cứ một dòng, một chữ nào ủng hộ cho hành vi của cái đất nước đang vỗ ngực lớn tiếng “trỗi dậy hòa bình”.
1 tháng sau, dù giàn khoan 981 chỉ dịch chuyển khỏi chỗ cũ một đoạn ngắn thì dư luận quốc tế cũng không vì thế mà thay đổi. Đồng loạt các tờ báo, hãng thông tấn, đài truyền hình có uy tín nhất thế giới đã có tin, bài, hình ảnh phản ánh tình hình hiện trường quanh giàn khoan 981, ghi lại trung thực những hành vi hung hăng, càn rỡ bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp đạo lý thông thường của những con tàu mang cờ hiệu Trung Hoa. Tất cả các phóng viên quốc tế đã không thể tìm được ở phía Trung Quốc một hành vi ứng xử bình tĩnh, tuân thủ luật pháp, có tình có lý mà đáng ra với tư cách một nước lớn, có trách nhiệm với thế giới như Trung Quốc cần phải có.
“Không phải quốc tế công kích Trung Quốc, mà điều họ lo ngại chính là những tiền lệ hôm nay xảy ra với Việt Nam thì ngày mai có thể sẽ xảy ra với nước khác, hôm nay xảy ra trên biển thì ngày mai sẽ xảy ra trên bộ và ngày kia sẽ xảy ra trên không. Và như vậy vấn đề chủ quyền của Việt Nam tự nhiên không phải là vấn đề của riêng Việt Nam nữa. Bảo vệ lẽ phải của Việt Nam, vì vậy cũng là bảo vệ chân lý chung, lợi ích chung của thời đại” - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam nhận xét.
Tuyệt đối không có ai ủng hộ hành vi gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông. Thêm một ngày duy trì giàn khoan 981 ở vùng biển Việt Nam, khoảng cách giữa Trung Quốc với thế giới càng trở nên xa. Trung Quốc đã và đang cô độc!
Nỗi lo chung từ nguy cơ bành trướng
Biển Đông, trên thực tế đã luôn là một vùng biển có vị trí chiến lược không chỉ bởi nguồn tài nguyên mà còn bởi tính chất sống còn của nó với đời sống kinh tế thế giới. Những tuyến đường hàng hải lớn và nhộn nhịp nhất đi qua biển Đông góp phần đáng kể duy trì sự ổn định, vận hành bình thường của nhiều quốc gia, nền kinh tế lớn trên thế giới và cũng bởi vậy, một khi biển Đông “nổi sóng” thì nguy cơ chao đảo cũng đến với nhiều nước.
Không chỉ các quốc gia trong vùng Đông Nam Á có nguy cơ bị “nuốt chửng” bởi cái “đường lưỡi bò” hết sức phi lý mà những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới cũng đứng trước nguy cơ bị kiểm soát và khống chế, đi ngược lại lợi ích chính đáng của đa số các quốc gia trên thế giới vốn đã được luật pháp quốc tế công nhận.
Không chỉ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ - được công pháp quốc tế thừa nhận và bảo vệ - của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam bị xâm phạm và có nguy cơ bị xâm phạm nhằm thỏa mãn nhu cầu trở thành cường quốc biển của Trung Quốc, Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 cũng có nguy cơ trở nên vô hiệu mặc dù chính Trung Quốc đã ký kết gia nhập Công ước này. Và một khi “luật chơi chung” trên biển bị chính một quốc gia có tư cách thường trực HĐBA LHQ như Trung Quốc xem thường, đây có thể là một tiền lệ xấu cổ súy cho những tư tưởng cực đoan chủ nghĩa, bành trướng lãnh thổ trỗi dậy không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở những nước khác, đẩy thế giới vào tình trạng hỗn loạn, vô luật.
Người dân Việt Nam giơ biểu ngữ yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan |
Có thể nói, với sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, chính quyền Trung Quốc đang chơi một ván cờ mà ngay từ nước đi đầu tiên, họ đã mắc sai lầm.
Trong thế giới văn minh hôm nay, chuyện một quốc gia ngang nhiên giẫm đạp chân lý, luật pháp quốc tế, đơn phương dùng vũ lực để ép buộc quốc gia khác đã và đang không có lý do chính đáng để tồn tại, tuyệt đối không được chấp nhận.
Đất nước, nhân dân Trung Quốc chắc chắn muốn được sống trong một đất nước yên ổn, một thế giới hòa bình, muốn được giao thương hòa hảo với tất cả các nước lân cận, trong đó có Việt Nam. Kéo giàn khoan 981 ngang nhiên vào đặt trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam chắc chắn chỉ là quyết định riêng của một số ít những người lãnh đạo Trung Quốc và với hành động gây hấn rất nguy hiểm ấy, giới lãnh đạo Trung Quốc đã tự gỡ khỏi mặt mình chiếc mặt nạ “trỗi dậy hòa bình”.
Bằng việc ngang nhiên xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của nước khác, thì đó là “trỗi dậy hòa bình” hay chỉ là hành vi của kẻ cướp? Việt Nam đã và đang dùng mọi biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền của mình và tất cả các quốc gia khác trong khu vực cũng như trên thế giới hẳn đã không còn mơ hồ về sự “trỗi dậy hòa bình” như tuyên bố của Bắc Kinh.
Bằng việc “nói không đi đôi với làm”, giới lãnh đạo Trung Quốc đang đưa nước này trở thành một quốc gia không đáng tin cậy với cộng đồng quốc tế và các nước láng giềng. Những phản ứng từ dư luận quốc tế cho thấy rõ một điều, chưa chắc đã độc chiếm được biển Đông nhưng uy tín của Trung Quốc đối với thế giới đã và đàn suy giảm. Không một ai có đủ dũng cảm tiếp tục cuộc chơi với một kẻ tráo trở, sẵn sàng nói một đằng làm một nẻo. Người ta liệu có đủ tự tin ký giao kết kinh tế, thương mại với một đối tác thiếu trung thực, thiếu tin cậy được chăng?
Đối với quốc tế, Chính phủ Trung Quốc “nói không đi đôi với làm” thì liệu nhân dân Trung Quốc còn có thể trông cậy gì ở Chính phủ của họ? Những tiếng nói phản đối ngày một nhiều từ chính trong dư luận nhân dân Trung Quốc cho thấy thêm một thiệt hại lớn nữa mà giới lãnh đạo nước này đang tự chuốc lấy: Mất lòng tin từ chính người dân của mình!
Thiệt về đối nội, hại về đối ngoại, tự trói chân và cô lập chính mình - đó là tất cả những gì mà giới lãnh đạo Trung Quốc đang tự chuốc lấy về mình sau quyết định kéo giàn khoan 981 vào đặt sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam!
Hành động ấy không tương xứng với một đất nước Trung Hoa vốn đang tự hào trước thế giới như một nước văn hiến lâu đời, không tương ứng với lòng mong mỏi được sinh sống hòa bình, yên ổn làm ăn của tuyệt đại đa số người dân Trung Quốc.
Hành động ấy không tương xứng với truyền thống hữu nghị Việt - Trung, không tương xứng với thiện chí của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam mong muốn có môi trường ổn định, hòa bình, hữu nghị với tất cả các nước, trong đó có nước láng giềng Trung Quốc.
Giới lãnh đạo Trung Quốc đang đưa đất nước họ thoát ly “luật chơi” chung của thế giới, thoát ly sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, thoát ly lòng tin của chính người dân trong nước. Từ bỏ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ tìm đâu ra chỗ cho đất nước họ đặt chân để mà hoàn thành giấc mộng “trỗi dậy hòa bình”?