Đánh răng ngay sau bữa ăn
Nhiều người thường cho rằng tốt nhất nên đánh răng ngay sau bữa ăn vì đây là thời điểm lý tưởng để loại trừ vi khuẩn, mảng bám “lưu trữ” trên răng trong quá trình ăn uống. Thế nhưng, thực chất đây lại là thói quen vệ sinh răng miệng gây hại.
Điều này được lý giải dễ hiểu như sau, nước bọt hay còn gọi là nước miếng trong khoang miệng có vai trò đặc biệt trong quá trình trung hòa axit hình thành trong quá trình ăn uống. Chính vì thế, sau bữa ăn khoảng 1 giờ là thời điểm để nước bọt thực hiện “nghĩa vụ” của nó. Vì thế nếu đánh răng ngay lập tức sau bữa ăn thì bạn đã vô tình phá hỏng lớp men răng bao phủ bên ngoài, khiến cho răng dễ gặp phải những rắc rối như tình trạng răng ê buốt, xỉn màu, sâu răng….
Sử dụng bàn chải điện “thâm niên”
Bàn chải điện có đặc tính là có thể tiếp xúc đến mọi ngõ ngách của răng miệng, kể cả những vùng răng khó tiếp cận nhất (những chiếc răng ở cuối hàm).
So với bàn chải thường thì công năng chải răng của bàn chải điện vượt trội hơn hẳn. Thế nhưng với bàn chải điện cũng như bàn chải thường cần được thay mới đầu chải 3 tháng mỗi lần mới đem lại hiệu quả như ý muốn.
Đánh răng quá nhiều lần trong ngày
Đừng nghĩ rằng đánh răng càng nhiều lần trong ngày đồng nghĩa rằng bạn đang tăng cường “hệ miễn dịch” cho răng, chống lại những căn bệnh liên quan đến khoang miệng.
Ngược lại theo ông Michael Sesemann - Chủ tịch Học viện Nha Khoa Thẩm mỹ Mỹ thì đánh răng nhiều hơn 4 lần mỗi ngày là nguyên nhân khiến cho lớp men răng bị xói mòn. Khi “lớp áo” này bị mòn đi thì răng sẽ dễ bị nhạy cảm, cảm giác ê buốt sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, đặc biệt khi tiếp xúc với những đồ ăn nóng hoặc lạnh. Tình trạng này kéo dài cũng khiến cho lợi bị ảnh hưởng và gặp phải những rắc rối không đáng có.
Không vệ sinh bàn chải sau khi đánh răng
Trên thực tế không nhiều người có thói quen này, nhưng cần hiểu rằng bàn chải có thể là “cầu nối” cho vi khuẩn bên ngoài xâm nhập vào bên trong khoang miệng. Nếu không vệ sinh bàn chải đánh răng kỹ càng sau mỗi lần sử dụng thì bạn đã vô tình tạo điều kiện cho những loại vi khuẩn sinh sôi, nảy nở. Chúng sẽ tấn công răng miệng của bạn vào những lần đánh răng sau đó.
Dùng bài chải sai cỡ
Một chiếc bàn chải quá lớn hay quá nhỏ đều khiến cho bạn gặp phải những rắc rối trong khi đánh răng. Công việc đánh răng sẽ không tạo được cảm giác thoải mái, hơn nữa còn làm tăng nguy cơ tổn thương răng cũng như nướu. Đặc biệt hiệu quả chải răng sẽ là con số 0.
Vì thế để chọn được chiếc bàn chải thích hợp thì bạn nên chọn theo lứa tuổi và hãy chắc chắn rằng nó thích hợp với kích cỡ khoang miệng của bạn. Thêm vào đó, cũng nên lưu ý đến đầu bàn chải và lông bàn chải. Đầu bàn chải phải tròn, thon, gọn, lông bàn chải phải mềm mại để có thể tiếp cận đến mọi vùng của hàm răng mà không gây nên tổn thương.
Sử dụng nước súc miệng sau khi đánh răng
Không ít người thường súc miệng bằng nước thường sau khi đánh răng nhưng đây không phải là thói quen tốt. Thay vào đó nên dùng nước súc miệng chuyên dụng vì nó chứa florua, có khả năng giúp răng chắc khỏe, loại trừ mảng bám và tiêu diệt vi khuẩn tối đa.
Chỉ vệ sinh răng miệng mà lãng quên lưỡi
Trên thực tế với nhiều người việc vệ sinh lưỡi là điều “xa xỉ” và thậm chí có người chưa bao giờ có thói quen này. Nhưng lưỡi cũng là một “ngôi nhà” lý tưởng cho những loại vi khuẩn cư trú và gây bệnh.
Nên phân biệt giữa việc chải răng và vệ sinh lưỡi. Nếu đánh răng mang lại tác dụng giúp loại trừ các mảng bám trên răng, thì vệ sinh lưỡi là để giữ cho hơi thở luôn được thơm tho. Để luôn là “chủ nhân” của một hơi thở thơm tho, một khoang miệng sạch sẽ, hạn chế tối đa quá trình sinh sôi, phát triển của vi khuẩn thì bạn cần hình thành thêm thói quen vệ sinh lưỡi.
Chải răng”siêu tốc”
Chải răng qua loa và hoàn thành công việc này trong thời gian ngắn chính là nguyên nhân khiến cho quá trình vệ sinh răng miệng không hiệu quả. Điều này cũng lý giải vì sao bạn không bỏ sót bất cứ lần chải răng nào trong ngày nhưng bạn vẫn không "miễn nhiễm" được với những chứng bệnh liên quan đến răng miệng.
Luôn chải răng cùng một “tư thế”
Khi chải răng bạn cần điều khiến bàn chải một cách linh hoạt, đưa lên, đưa xuống, đưa ngang, vệ sinh bề mặt răng, phía bên trong răng và tiếp cận đến cả những vùng ngõ ngách của răng. Nếu chỉ đưa ngang bàn chải và chú trọng đến bề mặt bên ngoài của răng, thì sẽ khiến lớp men răng bị bào mòn, dễ gây nên tình trạng răng bị nhạy cảm, ê buốt.