Mức thuế chống bán phá giá được áp dụng đối với mặt hàng thép cán nguội không gỉ nhập khẩu từ Trung Quốc ở mức 4,64 – 6,87%, Cộng hòa Indonesia: 3,07%, Malaysia: 10,71%, Lãnh thổ Đài Loan: 13,79 – 37,29%. Những con số trên cho thấy, mức thuế trên là quá thấp. Trong khi đó, một số mặt hàng xuất khẩu của nước ta bị áp thuế chống bán phá giá rất cao. Dường như các nước khác muốn áp thuế chống bán phá giá với mặt hàng Việt Nam bao nhiêu thì được bấy nhiêu.
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, bà Phạm Châu Giang, Trưởng phòng Phòng điều tra các vụ kiện phòng vệ thương mại của doanh nghiệp trong nước, Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương cho biết: “Rất khó để áp thuế chống bán phá giá ở mức cao đối với những mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam có hiện tượng bán phá giá”.
Theo chia sẻ của bà Giang, mức thuế chống bán phá giá trên được tính toán theo quy định trong pháp lệnh về chống bán phá giá của Việt Nam, trùng khớp với Hiệp định chống bán phá giá của WTO.
Được biết sau khi đưa ra kết quả biên độ tính chống bán phá giá trên, rất nhiều doanh nghiệp thép phản đối. Họ nói rằng chưa bao giờ có vụ điều tra chống bán phá giá nào đặc biệt trong ngành thép mà biên độ chống bán phá giá đưa ra lại thấp như vậy.
Thực tế phương pháp tính biên độ chống bán phá giá giống hệt nhau, tức là so sánh tỷ lệ phần trăm giữa giá xuất khẩu sang Việt Nam và giá họ bán ở thị trường nội địa của họ.
Ở đây có điểm khác biệt lớn khi mà Việt Nam bị kiện và đi kiện. Trong các vụ bị kiện, thông thường các nước Mỹ, EU, họ không sử dụng bảng giá bán thực tế của nước ta. Ví dụ như mặt hàng tôm, chúng ta bị áp thuế chống bán phá giá 20%. Không có chuyện chúng ta bán Tôm trong nước thấp hơn giá bán ở nước ngoài đến 20%. Mức giá này là do Mỹ, EU sử dụng bảng giá của nước thứ 3 thay thế cho bảng giá bán tại Việt Nam.