“Vật chứng sinh đôi”, “khoảng cách co giãn” thiếu trung thực trong kỳ án vườn mít

Lê Bá Mai thực nghiệm hiện trường vứt xác nạn nhân
Lê Bá Mai thực nghiệm hiện trường vứt xác nạn nhân
(PLO) - Trong hồ sơ điều tra vụ án của Lê Bá Mai, đã xuất hiện nhiều vật chứng “sinh đôi” kỳ lạ, những tình tiết thiếu thống nhất đến vô lý.

Bình đựng đá “đấu” can nhựa, bình xịt xanh “đấu” bình xịt inox

Trong vụ án vườn mít còn có nhiều vật chứng: bình đựng đá màu đỏ, can nhựa vuông lớn, can nhựa dẹp, bình xịt màu xanh, bình xịt inox… Cùng lúc bị cáo không thể vừa chạy xe chở cháu Thị Út (11 tuổi) vừa mang cả đống thứ như vậy. 

Chính xác thì tòa buộc tội Mai đã mang theo những gì vào cái ngày định mệnh cháu Thị Út bị hiếp dâm và giết chết? Nhiều vật chứng khác tại sao không liên quan đến vụ án cũng bị thu giữ, bị đưa ra pháp đình để làm… vật chứng?

Trong lời khai ban đầu, nhân chứng Thị Hằng (9 tuổi) khai “người thanh niên” chở cháu Út đi trên xe chở bình xịt thuốc dẹp màu xanh và một bình đựng đá màu đỏ treo ở ghi đông (bút lục 49, 54, 55).

Cho tới bản lấy lời khai cuối cùng, cháu Hằng lúc này đã 14 tuổi vẫn giữ nguyên lời khai về vật chứng gồm: “…một thùng đá màu đỏ, một bình xịt thuốc sâu màu xanh. Tôi nhớ bình xịt anh Mai để ở giữa xe (chỗ trẻ em thường ngồi – phần giữa tay lái và yên xe), còn thùng đá thì tôi không nhớ để đâu” (bút lục 505).

Cháu Hằng hoàn toàn không khai về chiếc can nhựa nào. Vậy mà ngày 18/11/2004, Mai nhận tội và khai: “Khi từ nhà anh Tuân đi ra thì tôi đi bằng xe honđa đặc điểm nêu trên, trên xe honđa không có chở vật gì hết” (bút lục 89)?!

Án sơ thẩm và án phúc thẩm lần thứ nhất bị hủy do “chưa có căn cứ vững chắc để kết tội” Mai, “cơ quan điều tra có nhiều vi phạm pháp luật tố tụng hình sự trong việc khám nghiệm hiện trường, thu giữ các dấu vết, vật chứng cũng như việc giao nhận, bảo quản vật chứng không đảm bảo tính rõ ràng và chính xác”.

Trong quá trình điều tra lại, tại bút lục không số ngày 2/12/2008, Mai thừa nhận: “Tôi chối tội là để kéo dài thời gian nhằm kéo dài sự sống…” rồi khai mang theo bình xịt inox loại 16 lít và một can đựng dầu màu đỏ sẫm để đi đốt cỏ.

Điều tra viên hỏi: “Tại sao trong giai đoạn điều tra ban đầu bị can không khai là khi đi gây án có mang theo bình xịt và can nhựa?”. Mai đáp: “Trong giai đoạn điều tra, nhân chứng khai là bình xịt màu xanh và thùng nước đá màu đỏ cho nên tôi không khai và cơ quan điều tra và tòa án khi xét xử không hỏi nên tôi không khai”.

Khi thực nghiệm hiện trường năm 2004, Mai chạy xe không chở vật gì theo, nhưng thực nghiệm hiện trường lần thứ hai năm 2009, Mai lại chạy xe chở theo can đựng dầu và lưng đeo bình xịt inox.

Kết luận điều tra năm 2009 cũng ghi Mai chở theo can nhựa và mang bình xịt inox. Vậy mà khi xử sơ thẩm lần thứ hai, cáo trạng ghi “…Mai lấy xe Honda Cup 86 BS: 53SB-4457 đến chỗ hai cháu để dụ một cháu đi. Trên xe không chở vật gì”.

 Án sơ thẩm lần thứ hai tuyên Mai vô tội nhưng bị cấp phúc thẩm tuyên hủy. Cáo trạng và án sơ thẩm lần thứ ba vẫn giữ nguyên “trên xe không chở vật gì”. Vậy đâu mới là sự thật?

Khoảng cách từ nơi giết người đến gốc mít… co giãn

Trong các bản án (trừ án sơ thẩm lần thứ hai tuyên Mai vô tội) đều ghi sau khi hiếp dâm, giết nạn nhân, hung thủ khuân tử thi bỏ tại gốc mít cách đó 3,5m. Khoảng cách này ghi theo biên bản khám nghiệm hiện trường (bút lục 22): “Cách tử thi 3,5m về hướng Đông Bắc phát hiện trên mặt đất bị xáo trộn mạnh, bờ mặt đất nhẵn không có lá phủ lên trên bề mặt, khu vực mặt đất bị xáo trộn có kích thước 2 x 1,8m. Tại khu vực này phát hiện một cây mì bị nhổ bung gốc lộ củ, lá mì đã bị héo…”.

Trong lời khai nhận tội của Mai, chỉ có bút lục 88 Mai khai khớp với hiện trường là đã khuân tử thi đặt cách nơi hiếp dâm khoảng 3 - 3,5m, gần gốc mít. Nhưng đến bút lục 91, Mai lại khai “vị trí tôi đã thực hiện hành vi hiếp dâm cháu người dân tộc ở khu vực đất trống nơi có một bụi mì tôi đã nhổ, cách xác của cháu này khoảng 1,5m”. 
Tại bút lục 93, Mai cũng khai khoảng 1,5m. Đến bút lục 97, Mai khai khuân nạn nhân đặt cách nơi hiếp dâm khoảng 1,5 – 2m (?!). Tại sao có sự khác biệt như vậy, trong khi các lời khai này được lấy trong vòng 8 ngày ngay sau khi vụ án bị phát hiện? Lời khai bất nhất này đã không được tòa làm rõ.

Điều tra viên “ghi ké” biên bản làm sai lệch hồ sơ vụ án

Tại bút lục 44, có 3 điều tra viên đến chòi của Mai ở để thu giữ đồ vật. Người ở chung với Mai là ông Nguyễn Văn Trong đã giao nộp một số quần áo, nón lá và khăn của Mai. Thế nhưng về sau, không hiểu tại sao điều tra viên Nguyễn Hữu Huấn lại tự ý ghi thêm vào biên bản dòng chữ “01 thùng đựng đá màu đỏ” dù ông Trong không hề giao nộp cái thùng này.

Giải trình về việc tự ý sửa đổi hồ sơ vụ án, ông Huấn viết: “Sau khi xét hỏi bị can khoảng 30 ngày sau khi Mai bị bắt, ngày tôi không nhớ, tôi có đến địa bàn cùng với đồng chí Bắc, Trưởng công an xã An Khương và đồng chí Sinh, công an viên xã An Khương, đến chòi của anh Dương Bá Tuân nơi Mai làm thuê thì không có ai ở chòi. Số người làm thuê cho anh Tuân không có mặt lúc này khoảng 14h. Tôi quan sát trong chòi thấy có 01 bình đựng nước đá màu đỏ theo lời khai của bị can Lê Bá Mai nên tôi đã thu giữ và nhập vào kho, do sơ suất tôi chưa lập biên bản thu giữ nên tôi ghi thêm vào biên bản tạm giữ đồ vật, tài sản do đồng chí Phước lập là 01 thùng đựng đá màu đỏ” (bút lục 350, 351).

Hơn ai hết, ông Huấn phải biết khi thu giữ vật chứng phải làm đúng trình tự, thủ tục luật định thì vật chứng đó mới có giá trị. Thế nhưng ông tự ý vào nhà dân, tự ý thu giữ đồ đạc rồi không lập biên bản mà lại về ghi “ké” vào biên bản thu giữ đồ vật do điều tra viên khác lập, thì khác gì “râu ông này cắm cằm bà kia”, một việc làm không thể chấp nhận được trong tố tụng.

Khoản 2 Điều 300 Bộ luật Hình sự về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án quy định: “Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm, thư ký tòa án, nhân viên tư pháp khác, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự nào mà thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy, làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng của vụ án hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung hồ sơ vụ án, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm”.
(Còn nữa)

Đọc thêm

Công an Kon Tum cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới

Đối tượng lừa đảo qua mạng nhắn tin, dẫn dụ bị hại. (Ảnh: Công an tỉnh cung cấp)
(PLVN) - Phòng An ninh mạng - Công an tỉnh Kon Tum và Ngân hàng ACB chi nhánh Kon Tum đã kịp thời ngăn chặn vụ lừa đảo hơn 500 triệu đồng với chiêu giả danh người Mỹ muốn chuyển tiền về Việt Nam đầu tư.

Sơ thẩm vụ 'Trốn thuế' ở Phú Giáo (Bình Dương): VKS đề nghị phạt tiền với 3 bị cáo

VKS đề nghị HĐXX phạt tiền các bị cáo về tội “Trốn thuế”.
(PLVN) - Hôm qua (12/12), TAND huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) mở phiên sơ thẩm với bị cáo Nguyễn Thị Phương Huệ (SN 1967), Trần Thanh Tài (SN 1997, con trai bà Huệ, cùng ngụ huyện Phú Giáo) và Võ Đức Quang (SN 1993, ngụ Chơn Thành, Bình Phước) về tội “Trốn thuế”. Cả ba bị cáo buộc trốn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) khi khai giá mua bán đất thấp hơn giá thực tế.

Bắt quả tang đối tượng vận chuyển gỗ trái phép

Bắt quả tang đối tượng vận chuyển gỗ trái phép
(PLVN) -  Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên (Vườn Quốc gia Hoàng Liên) phối hợp với Trạm Kiểm lâm số 3, Công an xã Tả Van và Ban Chỉ huy Quân sựu xã Tả van (thị xã Sa Pa) vừa bắt quả tang 01 đối tượng vận chuyển trái phép gỗ pơ mu.

Truy tố ông Trần Đình Triển

Ảnh minh họa
(PLVN) - VKSND Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Trần Đình Triển (SN 1959, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân) về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.