Hôm qua (16/1), trong buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, những vấn đề như môi trường, thực phẩm, thu phí, tiền công đức, an ninh trật tự tại các lễ hội năm nay đã được các cơ quan liên quan được Sở Văn hóa - Thể thao và UBND các huyện Sóc Sơn, Mỹ Đức chia sẻ với báo chí…
Nhiều lo âu cho mùa lễ hội
Theo thông tin từ UBND huyện Mỹ Đức, Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương là đơn vị đầu tiên xây dựng kế hoạch tổ chức năm 2018. Từ việc sơn lại thuyền đò, phân luồng tuyến không cho xe trên 16 chỗ di chuyển 2 bên đường suối Yến, sắp xếp trật tự hàng quán từ cổng lễ hội đến động Hương Tích… đều được lên phương án thực hiện. Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Đức Nguyễn Văn Hậu cho biết: “Tất cả các phần việc phải được hoàn thành trước 15 tháng Chạp (tức 2/2/2018). Từ tối 1 tháng Giêng (16/2/2018) hàng trăm con người lo công tác tổ chức Lễ hội chùa Hương đã bắt đầu phải “trực chiến”.
Ông Hậu cũng tâm sự, đã hơn 10 năm giữ vị trí Trưởng ban tổ chức Lễ hội chùa Hương, ông không có cái Tết nhàn nhã cùng gia đình; không chúc Tết bạn bè, họ hàng mà ăn, ngủ luôn tại Ban quản lý di tích danh thắng Hương Sơn. Không chỉ có ông Hậu, rất nhiều thành viên Ban tổ chức lễ hội đều phải lo lắng cho sự an toàn của dòng người nô nức trẩy hội. Nhưng, với lượng du khách đổ dồn hàng vạn người/1 ngày, Lễ hội chùa Hương khó tránh khỏi những hình ảnh tiêu cực.
Ban tổ chức lễ hội Gióng (Sóc Sơn) cũng đã tổ chức họp bàn lên kế hoạch tổ chức cho ngày khai hội vào mùng 6 tháng Giêng âm lịch. Đoàn hộ tống lễ vật sẽ không gậy sắt, không giáo mác, bảo vệ giò hoa tre, giò trầu cau đến khi dâng lễ đền thượng, đền mẫu là kịch bản đã được đặt ra. Ngoài lực lượng công an mặc quân phục và thường phục, sẽ có hơn 200 đoàn viên thanh niên tạo thành các vòng tròn mềm, phát hiện nguy cơ tranh cướp, giẫm đạp trong phần lễ chính. Ngoài ra, Lễ hội gò Đống Đa cũng lên kịch bản đón các đoàn trong ngày khai hội Mùng 5 tháng Giêng.
Theo đại diện ban tổ chức, năm nay, lễ hội vẫn đón 29 đoàn của các quận, huyện và 9 đoàn kết nghĩa của các tỉnh bạn. Để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn lễ hội, quận Đống Đa sẽ tăng cường các biện pháp phân luồng giao thông, hướng dẫn các bến bãi đỗ xe, giám sát an ninh để ngăn việc bán hàng rong diễn ra tại lễ hội.
Ngăn chặn mặt trái lễ hội
Để chuẩn bị cho mùa lễ hội 2018, nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã ban hành các quyết định để chấn chỉnh lễ hội. UBND quận Long Biên ban hành Kế hoạch số 228/KH-UBND về khắc phục những tồn tại, hạn chế; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích văn hóa, quản lý lễ hội trên địa bàn quận. UBND quận yêu cầu rà soát các nội dung công tác quản lý, triển khai đến các phường, khắc phục các tồn tại trong công tác quản lý di tích và lễ hội…
Trên địa bàn quận Thanh Xuân có 5/11 phường tổ chức lễ hội. Chuẩn bị cho mùa lễ hội 2018, quận Thanh Xuân sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra trước, trong và sau lễ hội tại các phường, đặc biệt là công tác quản lý giá cả hàng hoá, dịch vụ trong dịp lễ hội và xử lý những sai phạm trong công tác tổ chức; ngăn chặn tình trạng đeo bám, chèo kéo, nâng giá, ép giá dịch vụ; chấn chỉnh việc đặt hòm công đức, đặt tiền giọt dầu tùy tiện… Hiện nay, Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội cũng đã tham mưu cho UBND TP thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, thực hiện việc kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn.
Phòng “bạo lực” lễ hội là trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, mặt trái của lễ hội lại phụ thuộc nhiều vào ý thức của người đi hội. Chỉ đến bao giờ những vấn đề cuồng hội, đặc biệt là cuồng tín được ngăn chặn thì câu nói “tả tơi như chơi hội” mới không còn là câu nói thường trực khi mùa lễ hội đến.