Vô cảm
Đó là từ mà nhiều người dành cho đêm bán kết cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2017. Có thể hiểu được sự phẫn nộ của dư luận khi mà đêm chung kết lộng lẫy xiêm y, nhạc hội và cả những màn trình diễn áo tắm, được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, lại nô nức diễn ra ngay giữa Nha Trang, nơi tâm điểm cơn bão tàn phá nặng nề, để lại hậu quả tang thương. Đáng nói hơn nữa, là ngay cả khi UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo đề nghị dừng đêm diễn vì thời điểm không thích hợp, nhưng Ban tổ chức vẫn phớt lờ.
Giữa những luồng dư luận “ném đá”, phê phán, vẫn có những tiếng nói ngược cho rằng, không có lý do gì để cuộc thi phải ngừng lại, vì đằng nào bão cũng đã diễn ra rồi, Ban tổ chức cũng đã chuẩn bị đâu vào đấy, nếu đêm diễn không tổ chức tổn thất sẽ rất lớn.
Theo Ban tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ 2017 trần tình, thì Ban tổ chức đã “nhanh chóng” cho thí sinh đi thăm hỏi bà còn vùng bão lũ, đồng thời quy mô đêm diễn cũng đã thu hẹp. Nhưng dường như, giải thích này chẳng hề xoa dịu được dư luận, bởi những hành động nói trên vẫn được coi là qua loa, hình thức.
Năm 2016, giữa cơn lũ tang thương của miền Trung, khi bao mái nhà chìm trong nước lớn, bao sinh mạng ra đi thì Festival Áo dài vẫn diễn ra ở Hà Nội, với đèn hoa, múa hát tưng bừng. Thời điểm đó, dư luận cũng không ít bức xúc, cũng với một lý do khiến đêm bán kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 bị chỉ trích. Thực tế, trường hợp như trên không phải lần một, lần hai, nhưng các nhà tổ chức lễ hội dường như vẫn luôn bối rối, không biết hành xử ra sao trước những sự việc thiên tai, nhân họa bất khả kháng.
Hành xử thế nào trước nỗi đau chung?
Cũng diễn ra vào thời điểm mưa bão lớn, là lễ hội Dinh Thầy thím, một lễ hội mang đậm nét văn hóa miền biển ở tỉnh Bình Thuận. Từ trước đó vài tháng, lễ hội đã được chuẩn bị kĩ lưỡng và công phu. Tuy nhiên, thời điểm bão, chỉ có chương trình lễ khai mạc vẫn diễn ra theo kế hoạch vào ngày 2/11. Phần hội, được coi là phần chính, thu hút nhất của lễ hội, bao gồm các hội thi như: thi kéo co, thi làm bánh, thi đấu cờ người, thi khiêng thúng ra khơi, thi gánh cá đan lưới… diễn ra trong 2 ngày tiếp theo vào ngày 3 - 4/11 đã bị hủy bỏ.
Lý do của việc ngừng hội Dinh Thầy thím, mặc dù đã có sự chuẩn bị kĩ lưỡng là để chủ động phòng, tránh cơn bão số 12, đồng thời bảo đảm an toàn cho du khách. Còn nhớ thời điểm diễn ra Lễ hội Hoàng Thành Thăng Long cách đây nhiều năm, khi Đại Lễ Hoàng Thành Thăng Long đang diễn ra, cũng là lúc người dân miền Trung gồng mình chống chọi với mưa to lũ lớn.
Thời điểm ấy, UBND TP Hà Nội đã có một quyết định “hợp lòng dân”, đó là dừng bắn pháo hoa tại 29 địa điểm trên toàn địa bàn thành phố, dùng toàn bộ kinh phí bắn pháo hoa để ủng hộ đồng bào miền Trung. Đại lễ 1000 năm Thăng Long là chuyện không thể dừng, nhưng hành xử của Ban tổ chức lễ hội đã đem lại sự thiện cảm cho người dân, cũng như biến việc vui chơi, giải trí thành sự giúp đỡ đầy thiết thực cho đồng bào lũ lụt.
Nhiều người còn liên hệ đến những trường hợp xảy ra ở các quốc gia lân cận. Hàn Quốc, nơi có thị trường giải trí phát triển mạnh, nhưng đứng trước một sự cố nhân họa, thiên tai, hầu hết các sự kiện giải trí đều đình, hoãn, hoặc có những giải pháp điều chỉnh nội dung chương trình cho thật hợp lý với hoàn cảnh, dù có hoành tráng thế nào.
Với một sự kiện giải trí, không quá quan trọng, nếu tạm dừng cũng không gây ảnh hưởng gì đến đời sống văn hóa của người dân, nhưng vẫn quyết tâm thực hiện, giữa cảnh bão lũ thương tâm thì có lẽ quá “cố đấm ăn xôi”. Vẫn biết, hoãn hay dừng một đêm biểu diễn, thiệt hại kinh tế cho người tổ chức không nhỏ, thậm chí còn liên quan đến chuyện tài trợ và nhiều điều khác. Nhưng, trong mọi hợp đồng, há chẳng có điều khoản phòng trừ dành cho trường hợp thiên tai bất khả kháng?
Hành xử thế nào trước thiên tai, nhân họa, trước những nỗi đau chung là điều mà các nhà tổ chức sự kiện giải trí ở ta có lẽ cần học thêm nữa. Để biết rằng, một bài toán về kinh tế, áp dụng không đúng chỗ sẽ trở nên kệch cỡm, vô cảm. Đôi khi, chịu thiệt một chút để đồng cảm, sẻ chia thì cái nhận lại sẽ còn nhiều hơn cái mất đi…