“Chết đói” với nghề truyền thống, nghệ nhân sống nhờ... phụ hồ

Ông Lê Hồng Kính giới thiệu sản phẩm đan đát của gia đình
Ông Lê Hồng Kính giới thiệu sản phẩm đan đát của gia đình
(PLO) - Quang Quan (xã Nhơn Khánh, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định) từng là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng với những sản phẩm nia, nơm, dần, sàng… có nét đẹp bình dị, mộc mạc. Nhưng đã chục năm nay, nghề đan đát dần mai một và đang đứng trước nguy cơ thất truyền, mãi mãi…

Một thời vang bóng

Chẳng ai nhớ chính xác làng nghề có từ thời điểm nào, nhưng chắc chắn phải cả trăm năm nay. Nhiều người dân kể rằng, người đưa nghề đan đát về làng là ông Hòa Tích, vốn quê ở Trường Cửu, Nhơn Lộc. Hàng ngày, ông Tích cần mẫn với việc vót tre, đan tre, lận nứt rồi tạo nên những chiếc nong, nia, dần, sàng… phục vụ bà con.

Thấy sự hữu ích của sản phẩm, nhiều người dân trong làng tìm đến học nghề. Sản phẩm tiêu thụ tốt, nghề đan đát ngày một nhân rộng. Những lúc nông nhàn, bà con lại đan đát để kiếm thêm thu nhập. 

Cây tre gần gũi với người nông dân bấy lâu, qua đôi tay khéo léo đã hóa thân thành sản phẩm mộc mạc, chân chất hồn quê, làm nên thương hiệu làng nghề Quan Quan nức tiếng. Có giai đoạn sản xuất phát triển mạnh đến nỗi làng quê nổi tiếng nhiều tre trúc cũng thiếu nguyên liệu, người dân phải lặn lội sang các xã lân cận mua tre về làm để kịp hàng giao cho khách.

Bên ấm trà hoài niệm, ông Lê Hồng Kính (57 tuổi, thôn Quang Quan) chia sẻ ông đã gắn bó với nghề đan đát hơn bốn mươi năm nay. Từ thời trẻ nhỏ, ông đã được ba và ông nội truyền nghề. Trong ký ức của ông, thuở xưa nhà nhà đều đan đát, thịnh nhất là những thập niên bảy mươi, tám mươi thế kỷ trước. Cả làng trên dưới sáu mươi hộ đều theo nghề.

Vào những ngày chợ phiên, mới 2 giờ sáng đã rộn rã cả làng, những ngọn đèn dầu soi đường cho đoàn người kẻ gánh, người chở xe chất đầy những nơm, nia, dần, sàng… ra chợ Bình Định cách đó tầm năm cây số để bán. “Sản phẩm mang đi bao nhiêu là tiêu thụ sạch. Không có chuyện mang về”, ông Kính hồi tưởng lại một thời vang bóng của làng nghề.

Ông Kính kể tôi nghe về giai thoại người đàn ông mà dân làng hay gọi là ông Xổm, thuộc thế hệ đầu của làng nghề giỏi làm nia, nhưng vì muốn độc tài kỹ thuật làm nia của mình nên giấu nghề, không cho ai học.

Có lần, ông Xổm sợ người ta thấy nghề nên mang nia lên lẫm (kho chứa thóc-PV) lận. Lận xong mới thấy nia có kích thước lớn hơn cánh cửa nhỏ của lẫm nên loay hoay mãi không mang ra được. Giai thoại hài tiếu này cũng phần nào cho thấy sự cạnh tranh và độ sôi động của làng nghề đan đát khi xưa.

Tiếp xúc với những người dân trong làng nghề đan đát Quang Quan, tôi mới cảm nhận rõ hơn những nhọc nhằn của nghề này. Ví như, để làm ra một cái nơm, phải mất nhiều giai đoạn như chặt tre, vót vành, lên bện, thắt con rít, chạy quả thị, quấn vành... Cũng phải mất cả ngày mới xong một sản phẩm. Làm nơm đã năm cơm bảy cháo, làm nia còn công phu hơn nhiều.

Ông Nguyễn Văn Nhâm (bên trái) cùng biểu diễn nghề đan đát trong Festival Tây Sơn – Bình Định năm 2008
Ông Nguyễn Văn Nhâm (bên trái) cùng biểu diễn nghề đan đát trong Festival Tây Sơn – Bình Định năm 2008

Ông Nguyễn Văn Nhâm (57 tuổi, thôn Quang Quan), người gắn bó với nghề đan đát từ thuở ấu thơ và từng vinh dự đại diện cho làng nghề đi biểu diễn tại Hội Làng nghề truyền thống và Ẩm thực trong Festival Tây Sơn - Bình Định 2008, kể: 

Để hoàn thành một cái nia phải chọn loại tre nhứt, loại thân to và già, mắt nhỏ, láng đẹp. Sau đó chặt khúc ra lấy thanh nan tre, chuốt nan mỏng và láng. Một cái nia mất khoảng trên dưới 300 nan cật và ruột. 

Vừa nói, ông Nhâm vừa lấy chiếc nia do chính ông làm cách đây hơn mười năm đưa tôi xem. Những vành nan mịn láng, thẳng đều, đan bện vào nhau uyển chuyển, vừa mềm mại vừa khỏe khoắn. 

Ông Nhâm còn giới thiệu những sản phẩm bằng tre mà gia đình ông làm được như nơm, rổ, rá, quạt lá sen… một thời được khách ưa chuộng. Những đêm chong đèn đan đát đến khuya, những ngày tham gia Hội làng nghề truyền thống và ẩm thực cứ lần lượt hiện về trong lời tâm sự của người “nghệ nhân nông dân” lớn tuổi, chuyện như vừa hôm qua.

Kết lại những lời giới thiệu về làng nghề, những kỷ niệm vui với cây tre quê hương là ánh nhìn đăm chiêu hoang hoải và câu nói buồn so của người đàn ông gần sáu mươi tuổi: “Cái thời vàng son ấy, đã xa. Nghề đan đát nay không còn được như xưa nữa”…

Hoang hoải làng nghề trăm năm…

Những lần trở lại làng nghề đan đát Quang Quan gần đây, tôi cảm nhận rõ rệt sự hoang vắng của một làng nghề trăm năm từng một thời vang bóng. Số người theo nghề chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Giờ đây, gắn bó với nghề chỉ còn những người trung niên, lớn tuổi. Thế hệ trẻ thờ ơ với nghề đan đát truyền thống.

“Thanh niên trong làng đi làm xa hoặc vào làm ở các cơ quan, xí nghiệp. Không có ai theo nghề này nữa”, bà Lê Thị Bông (57 tuổi, ở Quang Quan), một trong số ít những người còn giữ nghề đan đát, cho hay. 

Sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ, khó cạnh tranh với các mặt hàng công nghiệp làm bằng nhựa, kim loại. Công đan đát nhọc nhằn nhưng giá thành sản phẩm lại quá thấp: nơm bán có 50 ngàn, nia bán trên dưới 100 ngàn… Quá nhiều những nguyên nhân lý giải sự mai một dần dà làng nghề đan đát.

Anh Nguyễn Văn Cảnh (50 tuổi, ở thôn Quang Quan), lắc đầu khi nói về nghề đan đát truyền thống: “Giờ mấy ai còn đan đát nữa đâu. Thu nhập quá thấp nên mọi người không còn mấy mặn mà với nó nữa”. Cũng nhiều năm nay, những khi nông nhàn, anh Cảnh chuyển sang làm công việc khác, không còn gắn bó với đan đát như trước. Lâu lâu anh mới chặt tre, chẻ vành làm sản phẩm cho gia đình dùng, cũng là để đỡ “nhớ nghề”.

Ông Nhâm giới thiệu chiếc nia do chính ông làm cách đây hơn 10 năm
Ông Nhâm giới thiệu chiếc nia do chính ông làm cách đây hơn 10 năm

Tôi bị ám ảnh đôi mắt buồn tiếc nuối của ông Nhâm, khi tôi hỏi rằng ông còn làm sản phẩm đan đát bán cho người ta không. Ông tâm sự rằng từ sau Festival Tây Sơn - Bình Định 2008, ông ít đan đát, có làm cũng chỉ đan vài sản phẩm cho gia đình dùng. Ông đã chuyển sang phụ hồ và đi đổ bê tông để sinh kế. Nhìn dáng hình kham khổ của người nghệ nhân đan đát một thời và câu chuyện buồn khi nói về tương lai của làng nghề đan đát mà xót lòng xót dạ. 

Làng nghề đan đát sẽ đi về đâu? Đó là câu hỏi cứ ám bủa lấy tôi trong từng bước chân tìm hiểu về làng nghề. Có một vài hy vọng lóe lên đối với làng nghề đan đát khi tôi nghe câu chuyện của vợ chồng ông Kính và một vài hộ trong làng làm các sản phẩm đan đát bằng tre ngoài cung ứng cho nông nghiệp còn phục vụ nhu cầu trang trí. 

“Tôi đang làm 50 cái nơm theo đơn đặt hàng của khách trong Khánh Hòa”, ông Kính tâm sự.

Thỉnh thoảng, tôi vẫn thấy các quán cà phê treo những chiếc nơm và các sản phẩm làm từ tre. Tôi đồ rằng, người ta muốn tìm cái gì là lạ giữa cuộc sống đô thị vội vã, hay chút hoài niệm quê nhà với cái đẹp quê dân dã, mộc mạc. Tuy nhiên, chúng tôi đều ngầm hiểu rằng, những đơn đặt hàng nhỏ lẻ kia vẫn chưa đủ mạnh để tạo cú hích “cứu” lấy làng nghề. 

Tôi chợt nhớ lại câu nói của ông Kính mà xa xót. Ông bảo: “Rồi đây, không biết làng nghề này sẽ đi về đâu, khi lớp già chúng tôi không còn nữa”.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.