TP HCM chỉ được coi là một “trạm trung chuyển” trong bản đồ du lịch cả nước vì thuận tiện về mặt phương tiện đi lại. Đa phần, khách tham quan đều cảm thấy TP HCM quá ít điểm đến, chỉ đi trong vòng một ngày là “hết chỗ để chơi”. Hầu hết, các tour du lịch khám phá TP HCM cũng gói gọn chỉ trong vòng 1 ngày, hoặc nếu tour dài ngày đều là kết hợp với các địa điểm lân cận như TP HCM – Đại Nam, TP HCM – Miền Tây, TP HCM – Cần Giờ…
Tuy nhiên, với sự đầu tư cho bộ mặt đô thị một vài năm gần đây, TP HCM cũng đã có một số khởi sắc, bổ sung thêm nhiều điểm đến cho du khách. Tuy nhiên, đó sẽ chỉ là những điểm đến rời rạc, chưa thực sự thú vị, nhưng nếu có thêm “phong vị” mùa xuân thì sẽ có thể trở thành một vòng du lịch Tết, điểm đến đón xuân khá hoàn hảo cho du khách.
Đường hoa Nguyễn Huệ luôn là điểm nhấn độc đáo, duy chỉ có ở Tết TP HCM. Mỗi một năm là một chủ đề mới với cách bài trí sinh động, nhiều ý nghĩa, đường hoa trở thành điểm đến quen thuộc cho người dân và du khách gần xa. Năm nay, đường hoa Nguyễn Huệ lấy linh vật là những chú chó Phú Quốc mạnh mẽ, tiếp tục công nghệ chụp hình thực tế ảo, dùng hoa làm chủ đạo cộng với các nguyên vật liệu từ tre, nứa thiên nhiên để tạo nên một tiểu cảnh mới mẻ, hấp dẫn so với các năm trước. Tết Nguyên đán 2018, đường hoa Nguyễn Huệ sẽ được khai mạc ngày 13/2 (28 tháng Chạp) và kéo dài đến 19/2 (Mùng 4 Tết).
Một không gian cũng quen thuộc mỗi mùa Tết TP HCM đó là phố ông đồ, kéo dài từ nhà Văn hoá Thanh niên ra suốt đoạn đường Nguyễn Thị Minh Khai, tái hiện lại một Tết Việt xưa với áo dài khăn đóng, câu đối đỏ và tập tục treo câu đối ngày xuân. Người TP HCM và du khách tìm đến con phố này để tìm lại những dấu ấn văn hoá đẹp đẽ xa xưa, tìm lại chút Tết Việt cổ truyền giữa dòng đô thị hiện đại.
Nối giữa đường hoa Nguyễn Huệ và phố ông đồ là đường sách TP HCM, đi vào hoạt động 2 năm nay, nhưng đã trở thành điểm đến không thể thiếu của người dân TP. Đường sách chỉ thực sự hoạt động và phát triền mạnh mẽ trong vòng 1 năm nay. Mỗi một mùa lễ hội lớn, đường sách cũng là điểm đến thu hút đông đảo khách tham quan bởi cách trang trí đẹp, đặc sắc cùng nhiều hoạt động, sự kiện hấp dẫn. Dịp Tết, hoạt động văn hoá đường sách không còn gói gọn ở khuôn viên đường sách Nguyễn Văn Bình mà mở rộng ra tại các đường Ngô Đức Kế, Đồng Khởi, Mạc Thị Bưởi ở quận l cùng thời gian với đường hoa Nguyễn Huệ. Ngoài ra, Hội hoa xuân được tổ chức ngày từ ngày 10 đến 21/2 (26 tháng Chạp đến Mùng 6 Tết) tại Công viên Tao Đàn cũng là một sự kiện thu hút rất nhiều người dân và du khách đến thưởng lãm, chụp hình hàng năm.
Một lễ hội xuyên suốt mùa Tết TP HCM và không kém phần đặc sắc là Lễ hội Ánh sáng, với việc chương trình trang trí ánh sáng nghệ thuật đường phố diễn ra trong suốt tháng 2/2018 trên nhiều tuyến đường trung tâm và cửa ngõ TP. Cạnh đó còn có các chương trình đặc sắc như bắn pháo hoa, Lễ hội bánh Tét, lễ hội Dâng hương Hồ Chủ tịch…
Ngoài những điểm vui chơi đông đúc, nhộn nhịp như Suối Tiên, Đầm Sen, đường hoa Phú Mỹ Hưng, ngày Tết du khách đến TP HCM sẽ rất tiếc nếu bỏ qua các điểm “du lịch tâm linh” đã làm nên một TP HCM cổ xưa. Đó là việc viếng thăm các ngôi chùa cổ có tiếng linh thiêng như chùa Ngọc Hoàng (Mai Thị Lựu, quận 1), chùa Giác Lâm và chùa Bà Thiên Hậu (chùa Bà Chợ Lớn), những ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhất ở TP HCM. Ngày Tết, những ngôi chùa này đông đúc khách thập phương tới viếng, nghi ngút khói hương, nhiều chùa còn tái hiện các tập tục cổ xưa, là một “nét lắng” với du khách đến thành phố phương Nam náo nhiệt này. Hay ngay tại TP HCM, du khách vẫn có thể tìm thấy cảnh “trên bến dưới thuyền”, những phiên chợ hoa xuân trên sông tấp nập, nếu chịu khó “phượt” ra ngoại ô, đến bến Bình Đông, quận 8, lặng ngắm đời thường dịp xuân về.
Nếu như trong năm, TP HCM là điểm du lịch có chỉ số hấp dẫn đứng hàng thấp nhất, thì ngược lại, dịp Tết, đây lại là thành phố hấp dẫn bậc nhất với hàng loạt sự kiện, lễ hội độc đáo. Tuy nhiên, điều quan trọng là tính nhất quán và kết nối của các hoạt động văn hoá – du lịch cũng như xây dựng kế hoạch để tạo nên một “thương hiệu du lịch Xuân” thì nhiều năm nay còn khá “lừng khừng”. Khâu truyền thông về mặt du lịch đến du khách trong nước và quốc tế chưa được mạnh mẽ.
Làm sao để TP HCM trở thành một điểm đến hấp dẫn trong mắt du khách, làm sao để khách quốc tế đưa TP HCM vào hàng đầu danh sách nhưng điểm đến để thưởng ngoạn xuân, thưởng thức tết cổ truyền châu Á, điều này đòi hỏi những nỗ lực bứt phá của thành phố trong thời gian tới.