Người hiếm gặp
Nà Tấu là một vùng đất khuất nẻo của tỉnh Điện Biên, cách TP. Điện Biên Phủ gần 30km. Nằm lọt thỏm giữa thung lũng hẹp, trại giam Nà Tấu đóng trên địa bàn xã này, nóng rát mặt vào mùa khô, lạnh buốt khi vào Đông.
“Nói vậy nhưng ở trên TP. Điện Biên Phủ nhiệt độ còn nóng hơn nhiều. Vào mùa hè Nà Tấu nhiệt độ chênh với trên thành phố vài độ C. Anh em ở đây vẫn đùa được về Nà Tấu công tác như được đi… nghỉ mát. Rất yên tĩnh”, Thượng tá Tô Thế Vũ (Phó Giám thị trại giam Nà Tấu) dí dỏm với cánh phóng viên vừa từ xuôi lên.
Bản Hua Rốm 1 nằm rải rác lưng chừng núi (cách mực nước biển khoảng 900m), từ ngày Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ Tư pháp (Tổng cục VIII, Bộ Công an), chọn nơi đây làm điểm đặt trại giam, đường vào bản đã được tôn tạo, mở rộng. Nhờ đó, cuộc sống của người dân nơi đây được cải thiện hơn.
Cụ ông Trần Xuân Tâm được bà con đồng bào dân tộc Mông ở bản Hua Rốm đùm bọc đã nhiều năm nay. |
Tuy nhiên, theo lời Trưởng bản Vàng A Pháy (86 tuổi), đa số người dân trong bản còn rất nghèo. Phong tục tập quán của người Mông còn lạc hậu, nên trước khi có được sự chuyển đổi lớn trong cuộc sống, người dân trong bản phải đoàn kết giúp đỡ nhau, đã là truyền thống lâu đời.
Ngay chân triền dốc đầu tiên trên đường vào bản Hua Rốm 1, chúng tôi thấy một căn nhà nhỏ với kiến trúc khác hẳn đồng bào nơi đây. Nhìn ánh mắt thắc mắc của chúng tôi, Thượng tá Tô Thế Vũ kể: “Đây là căn nhà của cụ Trần Xuân Tâm, người Kinh dưới xuôi lên. Một mình cụ sống giữa bản Mông, được dân bản đùm bọc, yêu thương hàng chục năm nay”.
Ôm chặt nhau mà sống
Năm nay đã 83 tuổi, một mình cụ Trần Xuân Tâm sống trong căn nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa hàng chục ngôi nhà của bà con người Mông xung quanh với kiểu kiến trúc đặc trưng miền Trung: Nhà ở tách rời nhà bếp, sạch sẽ, có chum đựng nước mưa, hàng rào tre gọn gàng…
Sau khi đất nước giải phóng, theo tiếng gọi “đi xây dựng kinh tế Tây Bắc”, cụ Tâm đến với mảnh đất Điện Biên từ khi còn rất trẻ. Tại đây, cụ Tâm công tác ở cửa hàng mậu dịch của huyện Điện Biên.
Thượng tá Tô Thế Vũ, Phó Giám thị trại giam Nà Tấu, tỉnh Điện Biên. |
Tính đến nay, cụ Tâm đã sống trong tình thương yêu của người dân bản được hơn 30 năm. “Nhìn cụ già yếu, mưu sinh bằng cách bán vài gói mỳ tôm, không chỉ dân bản mà anh em cán bộ trong trại giam cũng thương cụ lắm. Để cụ đi lại được dễ dàng, chúng tôi xây những bậc thang từ sân nhà cụ xuống đường. Anh em cũng chia nhau cách một hai hôm lại lên thăm nom, chăm sóc cho cụ một lần. Bảo cụ về quê hưởng tuổi già với con cháu, cụ nhất định không dù xe cộ anh em chúng tôi bố trí”, thượng tá Vũ tâm sự.
Cái tính “kẻ sỹ, nhà nho” vẫn còn hiển hiện, khi khách lạ tỏ lòng có chút quà khi có duyên hội ngộ ở mảnh đất Tây Bắc xa xôi này, cụ từ chối đây đẩy, bỏ chạy vào trong. Nói mãi, ông cụ mới chấp nhận, khi khóe mắt hoen đỏ trước câu hỏi: “Ông có nhớ quê không?”
…. Khi nơi chốn phồn hoa đô hội đâu đó đang có cảnh tranh đoạt, lừa gạt lẫn nhau, thì ở góc núi khuất nẻo Hua Rốm này, có những con người dù đang lo ăn từng bữa, nhưng họ luôn có những tấm lòng biết ôm chặt lấy nhau để cùng bước qua những ngày khốn khó./.