Kinh tế có thể phát triển nhìn vào tốc độ tăng trưởng nhưng chất lượng sống thì suy giảm đáng báo động.
Số liệu của cơ quan chức năng cho biết, hàng năm, cả nước “xài” hơn 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật; phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630.000 tấn chất thải nguy hại trong khi việc xử lý chất thải, nước thải còn rất hạn chế. Đó là bức tranh tổng thể về thực trạng môi trường tại Việt Nam hiện nay.
Cả nước hiện có 283 khu công nghiệp với hơn 550.000m3 nước thải/ngày đêm; 615 cụm công nghiệp nhưng trong đó chỉ khoảng hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hơn 500.000 cơ sở sản xuất trong đó có nhiều loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu...
Cùng với đó là 787 đô thị với 3.000.000 m3 nước thải ngày/đêm nhưng hầu hết chưa được xử lý và đang lưu hành gần 43 triệu mô tô và trên 2 triệu ô tô. Cả nước sử dụng hơn 100.000 tấn/năm hóa chất bảo vệ thực vật; phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630.000 tấn chất thải nguy hại... Hệ sinh thái bị phá vỡ, đa dạng sinh học cấp báo.
Vấn đề biến đổi khí hậu cũng được đánh giá là diễn biến nhanh, phức tạp hơn so với dự báo, tác động nhiều mặt lên môi trường nước ta.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường diễn biến phức tạp. Chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về môi trường còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu và đầu tư cho bảo vệ môi trường còn rất hạn chế. Môi trường phải trả giá là mặt trái của đô thị hóa, công nghiệp hóa; đồng thời là hậu quả của lối sống bừa bãi của con người với tư cách là chủ nhân của môi trường. Con người vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm của sự hủy hoại môi trường.
Luật Bảo vệ môi trường 2014 (sửa đổi) mở rộng đối tượng có hành vi bị nghiêm cấm đối với chủ thể là đại diện Nhà nước trong quản lý môi trường, nâng mức phạt tiền đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường... Tuy nhiên, phải nói thật rằng, tội phạm được gọi tên và “tội phạm” được “đời sống hóa” tiềm tàng nhất.
Đến bao giờ con người biết giữ gìn môi trường sống cho mình và thế hệ nối tiếp? Bao giờ các cơ quan có trách nhiệm hết “đá” nhau về trách nhiệm bảo vệ môi trường? Gần như bảo vệ môi trường mới dừng lại trên văn kiện và các văn bản quy phạm pháp luật được cất kỹ trên các giá tài liệu?
Xin nhớ rằng, môi trường không chỉ là “không gian sống” khó định lượng, trong “kỷ nguyên” hội nhập nó còn là sức mạnh cạnh tranh của hàng hóa, còn là an ninh quốc gia.