Mở đầu buổi họp báo, Người phát ngôn Lê Hải Bình cho biết, nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống Ấn Độ sẽ sang thăm VN từ ngày 14-17/9, nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị và chiến lược giữa Việt Nam - Ấn Độ. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai nước sẽ rà soát việc triển khai những hoạt động giữa hai nước đã đạt được trong các thỏa thuận trong các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước trước đó.
Bên cạnh đó, nhận lời mời của Chính phủ Trung Quốc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh sẽ tham gia Hội nghị thượng định thương mại ASEAN và Hội chợ Triển lãm ASEAN từ ngày 14-16/9.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình. |
Phần hỏi đáp, câu hỏi của phóng viên liên quan các hoạt động của Trung Quốc tại Trường Sa, và hành động tấn công, phá hoại tàu cá của Việt Nam được đặt cho Người phát ngôn Bộ Ngoại giao trả lời.
Báo Tuổi trẻ: Về thông tin Trung Quốc xây dựng trái phép trên đảo Gạc Ma, Việt Nam phản ứng thế nào?
Ông Lê Hải Bình: Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý và lịch sử để chứng minh Trường Sa là của Việt Nam, mọi hoạt động làm thay đổi hiện trạng tại Trường Sa từ Trung Quốc là trái pháp luật, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, làm căng thẳng thêm tình hình trong khu vực.
Báo Tiền phong: Quan điểm của Việt Nam đối với việc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ mở cửa nhập khẩu hoa quả từ Việt Nam? Xin xác minh thông tin Việt Nam và Ấn độ sẽ ký thỏa thuận mua tên lửa Ramos?
Ông Lê Hải Bình: Thứ nhất, Việt Nam hoan nghênh việc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cấp giấy phép cho các sản phẩm của Việt Nam như vải, nhãn được nhập khẩu vào thị trường nước này, làm thúc đẩy hợp tác kinh tế vốn rất tốt đẹp giữa hai nước. Việt Nam hy vọng Hoa Kỳ sẽ cấp phép để nhập thêm một số loại hoa quả khác từ Việt Nam.
Thứ hai: Đối với thông tin Việt Nam và Ấn độ sẽ ký thỏa thuận mua tên lửa Ramos mà PV nêu, chúng tôi sẽ kiểm tra lại thông tin này.
VnExpress: Quan điểm về việc một số số phần tử thuộc tổ chức Khmer Krom (KKK) Campuchia biểu tình chống đối Việt Nam?
Ông Lê Hải Bình: Lập trường của Việt Nam về vấn đề này là rõ ràng và dứt khoát. Việt Nam yêu cầu phía Campuchia có những biện pháp thích hợp để ngăn chặn tình trạng này, tránh làm xấu đi tình trạng quan hệ giữa hai nước.
Báo Kinh tế đầu tư: Xin cho biết phản ứng của Việt Nam đối với việc Trung Quốc đánh đập ngư dân Việt Nam? Công ty dầu khí Hải Dương mở thầu 33 lô dầu khí mới, xin hỏi trong đó có lô dầu khí nào nằm trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam hay không?
Ông Lê Hải Bình: Thứ nhất: Quan điểm của Việt Nam đã được nêu rõ ngày 9/9/2014. (Ngày 09/09/2014, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối.
Đây là những hành động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, trái với luật pháp quốc tế và tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc và đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo Cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân.
Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc điều tra và xử lý nghiêm các hành vi của lực lượng chức năng Trung Quốc đồng thời không để tái diễn những hành động trên và bồi thường thỏa đáng cho các ngư dân Việt Nam.”)
Thứ hai: Chúng tôi sẽ xác minh và có phản ứng phù hợp./.