Cùng với việc lấy ý kiến Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/2013/NĐ-CP (ngày 9/10/2013) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi với nhiều đề xuất phạt tiền cao hơn với các hành vi này để tạo tính răn đe, Bộ NN&PTNT còn lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh về an toàn thực phẩm, chất cấm trong chăn nuôi và có công điện yêu cầu Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các biện pháp nhằm tăng cường quản lý chất cấm trong chăn nuôi.
Làm rát sẽ hạn chế được chất cấm trong chăn nuôi
Đó là nhận định được rút ra từ các hoạt động kiểm soát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán. Theo yêu cầu của Bộ NN&PTNT, các địa phương phối hợp với lực lượng cảnh sát môi trường thanh tra, kiểm tra đột xuất việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chủ yếu là chất Salbutamol trên địa bàn.
Kết quả cho thấy, chất cấm đã được ngăn chặn ở các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi khi 100% mẫu thức ăn của các doanh nghiệp bị kiểm tra đột xuất và đều không phát hiện có chất cấm Salbutamol và chất tạo màu công nghiệp Auramine.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, số mẫu phát hiện dương tính với chất cấm đã giảm khá nhiều so với tháng 12/2015.
Trong tháng 1/2016, Thanh tra Bộ đã thành lập 2 đoàn kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, gồm 20 doanh nghiệp ở phía Bắc và 11 doanh nghiệp ở phía Nam; lấy 207 mẫu thức ăn chăn nuôi kiểm tra và đều không phát hiện có chất cấm Salbutamol và chất tạo màu công nghiệp Auramine.
Tuy nhiên, việc kiểm tra mẫu nước tiểu ở một số trang trại vẫn phát hiện hiện tượng sử dụng chất cấm dù tỷ lệ này đã giảm đáng kể - số mẫu nước tiểu có chất cấm đã giảm từ 15-26% xuống còn 4 - 9%. Việc một số trang trại còn sử dụng chất cấm chủ yếu từ nguồn trôi nổi do các thương lái, đại lý cung cấp nhằm vỗ béo lợn để bán trong dịp Tết.
“Ngại” hình sự nên giảm sử dụng chất cấm
Việc các doanh nghiệp không sử dụng chất cấm để trộn vào thức ăn, theo lý giải của lãnh đạo Thanh tra Bộ là do thời gian qua, Thanh tra Bộ, C49 (Bộ Công an) đã vào cuộc quyết liệt nhằm phát hiện và ngăn chặn những hành vi sử dụng chất cấm và áp dụng chế tài xử lý nghiêm khắc nên đã tạo ra sự răn đe rất lớn.
Đặc biệt, khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị xử lý hình sự (Điều 190 và 317) nên doanh nghiệp đã “biết điều mà tỏ ra e ngại”. Bên cạnh đó, nguồn cung chất cấm từ các công ty dược cũng được các cơ quan chức năng ngăn chặn, không để tuồn ra thị trường.
Bên cạnh đó, Cục Chăn nuôi và Cục Thú y đang phân phát khoảng 8.000 - 9.000 kit thử nhanh chất cấm trong nước tiểu đến các đơn vị có liên quan. Theo đánh giá của Cục Thú y, việc dùng kit thử nhanh chất cấm cho kết quả tương đồng đến 98% so với phương pháp xét nghiệm hiện nay.
Trong tháng 1/2016, kết quả kiểm tra của 30/63 tỉnh, thành cho thấy tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đã tăng lên 94,6% (năm 2015 là 82%); 61,7% cơ sở xếp loại C được tái kiểm tra (năm 2015 là 63%).
Ngoài ra, việc Bộ NN&PTNT công bố đường dây nóng 08042526 hoặc 0917.808.113, hoặc gửi qua thư điện tử theo địa chỉ: thongtinvipham@mard.gov.vn, hoặc liên hệ trực tiếp với Thanh tra Bộ NN&PTNT tại tầng 3, nhà B6, số 2 phố Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội nhằm kịp thời tiếp nhận thông tin tố giác, phản hồi của nhân dân về các hành vi vi phạm trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản cũng là một giải pháp để các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Theo đó, khi phát hiện các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, các tổ chức, cá nhân có thể liên hệ qua đường dây nóng theo tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin tố giác về dấu hiệu, hành vi vi phạm sẽ được giữ bí mật danh tính theo quy định của pháp luật. Thông tin của tổ chức, cá nhân cung cấp là chính xác, có giá trị phục vụ cho công tác thanh tra, xử lý vi phạm sẽ được chi thưởng theo quy định.
Như vậy, nếu các cơ quan chức năng làm sát sao, áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên và có những mức phạt đủ tính răn đe như đề xuất của Bộ NN&PTNT tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/2013/NĐ-CP (ngày 9/10/2013) đang được lấy ý kiến thì tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ không có điều kiện phát triển.