Tưởng chừng để cho vui nhưng nội hàm của nó với cách thể hiện và nhiều người dùng nó phản ảnh một tâm thế của số đônglà “thích thì làm”, không ai cấm được “em” cả!
Vả lại, tâm lý của nhiều người lại thích làm những điều cấm đoán. Dưới những cái biển “Cấm đổ rác” thì chính là nơi tập hợp rác, “Cấm họp chợ” là địa điểm mua bán yêu thích của nhiều người, cấm đi xe trên vỉa hè thì cứ đi, cả đường cấm ngược chiều thì họ đi vào, phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy thì họ để đầu trần như một sự trêu ngươi.
Mà không phải dân thường, “dân trí thấp” mới có tâm lý này. Các công chức, viên chức có lệnh “cấm” từ Thủ tướng là không được đi lễ chùa vào giờ hành chính thì lập tức có người vi phạm ngay. Hoặc, cấm xe công sử dụng vào việc riêng thì hầu như chẳng ai nghe thấy. Cấm uống rượu, bia vào buổi trưa hay cấm hút thuốc ở công sở chỉ là cấm cho vui.
Nguyên nhân tạo ra cái tâm lý coi thường các quy định cấm chính là ở chỗ “cấm cho có” đó. Cấm nhưng không giám sát, không phát hiện, không xử lý thì tất yếu dẫn đến “nhờn”, người tuân thủ cũng như người không chấp hành như nhau cả, thế nên lệnh cấm bị vô hiệu hóa.
Cái tâm lý a dua, thích làm điều cấm đó lâu ngày trở thành ý thức và thể hiện cách hành xử kém cỏi, trái đạo lý mà không chút phân vân. Dẫn chứng như vụ các cô mẫu giáo hành hạ trẻ em chẳng hạn, đó là hành vi bị cấm ngặt đấy chứ nhưng do không bị giám sát, tự tin là không ai biết thì họ cứ thản nhiên làm thôi. Vụ việc vỡ lở, các cô bị xử lý, cơ sở bị đình chỉ và họ cũng tự đóng cửa, giải tán. Đây là bài học phải trả giá nhưng sẽ có tác dụng nhất định đến những ai làm nghề bảo mẫu mà lại mang tâm hồn... ác mẫu.
Coi thường các quy định nghề nghiệp dẫn đến hệ lụy khôn lường như hành vi đối phó của một cô Hiệu trưởng tiểu học khi xảy ra trường hợp một học sinh gãy chân trong trường. Cô cho lập phiếu khảo sát toàn trường để chứng minh không có ô tô nào vào trường trong thời điểm đó nhưng sau lại thừa nhận mình đi taxi vào trường.
Vụ việc này sẽ trở thành lớn bởi có đến 3 lần Phó Thủ tướng nhắc nhở chính quyền Hà Nội giải quyết vụ việc này đến nơi đến chốn mà dường như tiến trình vẫn đang giẫm chân tại chỗ. Cùng xảy ra ở Thủ đô, cùng trong ngành Giáo dục mà xem ra tiến độ giải quyết mỗi nơi một khác.
Vấn đề ở chỗ là “cấm” phải có chế tài kèm theo và phải có người thực hiện cái chế tài đó. Cán bộ chửi dân, thách thức dân đi kiện, làm sai quy định pháp luật khi giải quyết việc của dân,... cũng là thể hiện cái sự “thích” của mình và cũng tin rằng không ai làm gì được mình. Sự “tự tung, tự tác” của cán bộ cũng bắt nguồn từ đấy.
Một xã hội văn minh, tôn trọng trật tự không dung nạp hiện tượng “thích thì làm” và coi đó là một thói quen hành xử xấu, phải loại trừ.