Cơ duyên với việc làm nhân đức
Tôi tìm về xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, hỏi chị Đỗ Thị Cúc, chưa cần miêu tả gì thêm, một bà cụ nhiệt tình đưa tôi đến tận nhà người đàn bà làm nghề nhặt rác nhưng suốt 10 năm qua lặn lội mưa gió đi khắp nơi thu nhận xác hài nhi bị bỏ rơi từ các bệnh viện về chôn cất tại khu vườn thánh (tên gọi nghĩa trang của những người theo Đạo Công giáo) Phú Đa.
Khi đến nơi, đón tôi không phải là chị Cúc mà là bốn cháu nhỏ đang bồng bế lẫn nhau, bởi chị còn đang bận đi làm “nghề” tìm kiếm xác hài nhi bên Hưng Yên. Tôi chờ đến nhá nhem tối thì chị về, trước mặt tôi là một người phụ nữ đã khoảng 50 tuổi với mái tóc điểm bạc, khuôn mặt hiền lành và phúc hậu nhưng đôi mắt luôn luôn đượm buồn chất chứa một nỗi niềm riêng.
Nỗi niềm ấy chưa thể nguôi ngoai từ lúc chị “bén duyên” với công việc đầy khó khăn này, niềm chan chứa, lo lắng cho những đứa con mình đang cưu mang có được cuộc sống tốt đẹp hơn.
Chị Cúc dẫn tôi vào phòng có tủ đông bảo ôn cho những hài nhi để trong một tuần rồi chôn cất vào chủ nhật hàng tuần. Xác hài nhi được bảo quản cẩn thận trong từng túi ni-lông, mỗi túi có đến khoảng 9-10 thai nhi. Lòng tôi như quặn lại khi chứng kiến việc làm nhân văn này của chị.
Lật giở đôi bàn tay còn đỏ ửng vì cóng do bê hài nhi từ tủ bảo ôn ra, chị Cúc nghẹn ngào: “Trong một lần đi nhặt ve chai tại một bãi rác, tình cờ thấy một túi ni lông màu đen nằm lăn lóc giữa những túi rác, tôi tò mò mở ra thì bàng hoàng khi thấy những hình người đỏ hỏn và có nhiều phần dập nát. Hình ảnh ấy đã ám ảnh thôi thúc tôi phải làm gì đó cho các em. Tôi không hề giấu giếm gia đình, từ mẹ cho đến chồng và các con tôi đều hoàn toàn đồng ý là mang đi chôn cất giúp đỡ các “em”.
“Từ đó, tôi đi đến các bệnh viện, các phòng khám cả trong và ngoài tỉnh để xin xác những hài nhi xấu số về chôn cất. Tôi xin các phần đất trong khu nghĩa trang của nhà thờ để chôn cất, vận động nhiều trường hợp có ý định phá thai giữ lại thai nhi, cưu mang giúp những hoàn cảnh khó khăn không thể nuôi trẻ nhỏ. Những người lúc đầu gièm pha việc làm của tôi, dần dần đã cảm thông và giúp đỡ tôi, cùng tôi thực hiện công việc này”.
Chị Cúc cho biết, chị tiến hành chôn cất thai nhi từ chủ nhật trước, đến hôm nay cũng thu nhặt được 30-40 hài nhi, riêng ngày hôm nay chị sang Hưng Yên đã được 15 em. Tôi thực sự choáng bởi con số này và càng khâm phục chị.
Chị Cúc tâm sự, có lần gần 3h sáng chị nhận được điện thoại tỉnh bên báo tới nhận xác thai nhi. Chẳng ngại khó khăn, chị một mình đạp xe hơn 50km để đón “con” về. Rồi có những ngày mùa đông gió rét, đối mặt với nhiều hiểm nguy nhưng chị luôn vững tin bởi chị cảm nhận được rằng trên chặng đường chị đi, luôn có các “con” của chị đang đồng hành và dõi theo.
Đấu tranh để hài nhi thành người
Chị Cúc mang những tấm ảnh về những lần nhặt được xác hài nhi, rồi nghẹn ngào, khi mới bắt tay vào công việc, chị đến các bệnh viện, phòng khám để xin xác của các hài nhi nhưng bị các y bác sĩ phản đối vì nghi ngờ rằng chị có mục đích bất chính.
Không bỏ cuộc, sau nhiều lần lui tới bất kể nắng mưa và biết được việc làm của chị, các y bác sĩ đã chấp nhận và trao hài nhi cho người phụ nữ. Rồi chị để lại số điện thoại, địa chỉ nếu có trường hợp nào có ý định dại dột nạo phá thai thì bác sỹ hay người nhà bệnh nhân liên hệ tư vấn giúp đỡ. Từ đó đến này, không chỉ ở Hà Nam mà còn cả người ở Hưng Yên cũng liên hệ để chị Cúc mang xác hài nhi về chôn cất, con số đã lên đến hơn 2 vạn.
Được biết, hiện nay gia đình chị Cúc có 7 người con, trong đó có 3 người con được chị cưu mang, hai em nhỏ sinh đôi được chị cứu sống từ khi con là thai nhi, bởi mẹ của chúng không có khả năng nuôi nấng.
“Hai đứa nhỏ kia chính là một trong những ca giải cứu vất vả của tôi để giữ lại sự sống cho các con, tôi đặt tên chúng là Trần Bảo Quốc và Trần Bảo Khánh, may mắn là Bảo Quốc và Bảo Khánh đều khỏe mạnh, vui chơi hòa đồng cùng chị nên tôi mừng lắm chú ạ”, chị Cúc cho biết.
Chị Cúc kể: “Tôi ám ảnh mãi câu chuyện của hai mẹ con nhà chị Y cùng tỉnh vì tin kết quả siêu âm là con gái nên định phá thai. Ai ngờ khi phá xong lại là bé trai, thế là ngay đêm hôm sau, mẹ thai nhi nằm mơ nó về oán trách”.
Chị cũng không hiểu vì sao mình có thể vượt qua hết những khó khăn để làm việc công việc này. Mới đây, ngày 25/9 Âm lịch, khoảng 9h đêm khi đi trên đê tại Hưng Yên về, chị Cúc bắt gặp một thai nhi, phát hiện thai nhi còn sống, chị vội vàng cởi áo bao bọc cho “con” mang về nuôi, hiện tại bé rất bụ bẫm và kháu khỉnh, chị đặt tên bé là Đỗ Thị Hồng Ân.
Dù điều kiện kinh tế gia đình chị Cúc còn nhiều khó khăn, chồng đi làm ăn xa, mẹ già 88 tuổi ốm đau, gia đình chỉ trông chờ vào hai mẫu ruộng và đan lát để kiếm thêm thu nhập nhưng nếu cứu sống và giúp đỡ được trường hợp nào, chị cũng luôn sẵn lòng. Chị chỉ mong sao mỗi ngày không phải nghe những cuộc điện thoại từ các nơi gọi về báo có xác các hài nhi, để rồi lại một ngày phải buồn, phải thương xót cho số phận các “con”.
Chia tay gia đình bé nhỏ mà hạnh phúc của chị Cúc, tôi chào chị ra về mà Bảo Quốc, Bảo Khánh cứ quấn lấy chân tôi. Chúng thật sự là những đứa trẻ đáng yêu dù cuộc sống vẫn đang còn quá nhiều điều phải lo…