Giá đắt cho mối tình chú cháu
Ông Nguyễn Văn L. và và vợ là bà Nguyễn Thị H. ở TP. Thái Bình. Cuộc hôn nhân của ông bà có thể nói là hạnh phúc. Khi hai người con trai lớn đi xuất khẩu lao động gửi tiền về, ông bà mở cửa hàng kinh doanh quần áo và giầy dép. Từ ngày có cửa hàng riêng, ông thường xuyên đi lấy hàng ở Nam Định rồi Lạng Sơn. Có tiền, thường xuyên xa nhà, ông L. cặp bồ.
Nhân tình của ông H. không ai xa lạ mà chính là cô gái có họ hàng xa. Tính theo họ, cô ta phải gọi ông L. bằng chú. Tình cảm họ hàng "chú - cháu" của họ gắn bó keo sơn khác thường khiến người xung quanh không khỏi nghi ngờ.
Nhưng bà H. vợ ông L. thì rất tin tưởng chồng. Nghe chồng bàn bạc vay 300 triệu đồng về mở rộng kinh doanh, bà H. đồng ý ngay. Khi chồng bà mang giấy vay tiền đến bảo bà ký, bà không đọc mà ký luôn mà không hề biết rằng con số thực trong đó là 500 triệu và số tiền này là để đôi tình nhân “chú - cháu” cao chạy xa bay chứ không phải mở rộng kinh doanh. Thế nhưng, không biết tình yêu sâu nặng như thế nào mà hai người bỏ đi được nửa tháng thì ông L. túi rỗng quay về nhà.
Hóa ra, đôi tình nhân chưa đi được xa thì đã bị nhà chồng cô cháu gái đuổi theo chặn lại. Tiền cô cháu gái cầm hết nên ông L. phải lần hồi đi xin ăn để có tiền trở về nhà. Khỏi phải nói cũng biết bà vợ ông L. giận dữ thế nào. Nhưng nghĩ đến số tiền vay ngân hàng chưa đòi được, bà nén giận bảo chồng đi đòi.
Khi ông L. đến nhà cô cháu gái để đòi thì được biết gia đình chồng đã đuổi cô ta ra khỏi nhà. Xót thương người tình tan nát gia đình, ông L. tặng cho cô cháu gái 200 triệu và thường xuyên gọi điện động viên.
Lúc này thì cơn giận của bà H. đã lên đến đỉnh điểm. Xót của, giận chồng nên khi ông L. đang ngủ, bà H. đã lấy chiếc kéo cắt “của quý” của chồng rồi ném xuống ao. Khi người nhà mò được lên được thì phần bị cắt đã hỏng, nhiễm khuẩn, sưng to không thể nối được nữa. Ông L. đành chấp nhận cảnh làm đàn ông mà không ra đàn ông vì “mối tình họ hàng”.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Chó khôn hay người dại?
Những tưởng những câu chuyện về “tình họ hàng” như chuyện của ông L. nói trên và cô cháu họ chỉ hy hữu lắm mới có. Thế nhưng, từ khi facebook xuất hiện thì những câu chuyện kiểu như vậy xuất hiện ngày càng nhiều với những tình tiết cười ra nước mắt và những câu “còm men” cũng rớt nước mắt vì buồn.
Một ngày nọ, người viết bài này đọc được một đoạn trên facebook câu chuyện rằng: “Bà hàng xóm nhà mình ngoài 60 tuổi. Chồng bà nghỉ hưu, mang con Phú Quốc nhà đang nuôi về quê ở cùng. Một ngày nọ về quê thăm chồng lên, bà than: "Con Phú Quốc tưởng khôn mà hóa chả khôn. Con bé cháu họ bên chồng góa bụa, ông chồng thì ở một mình với con chó, chả biết con bé có hay sang không mà cứ hễ thấy nó là con Phú Quốc quẫy tít đuôi mừng”.
Theo lời kể của bà, ngay tối hôm đó về Hà Nội, bà gọi điện cho cô cháu gái góa thẽ thọt hỏi: "Cháu này, thế cháu với ông nhà cô là họ hàng thế nào ý nhỉ?". Cô cháu họ ra chiều đon đả : "Ơ, thế bao năm nay mà bà không biết à, mẹ chồng cháu với chú nhà bà là con cô con cậu họ…". Cô cháu đang huyên thuyên “dạy khôn” về vai vế họ hàng, bà hàng xóm ngắt lời hỏi độp luôn: “Họ xa thế thì ngày nào cô cũng sang đấy làm gì để đến quen cả chó nhà tôi thế?". Cô cháu họ dập máy cái rột…”
“Còm men” cho câu chuyện này là những câu hỏi đại loại như: “Chó khôn hay người dại?”; “Đa nghi hay bắt trúng quả tang?”… kèm theo đó là không ít những câu chuyện “góp vui” về thứ “tình họ hàng” mà họ đã tận mắt chứng kiến. Thế mới hay, cho dù thứ “tình yêu họ hàng” đó đời không dung, mà luật cũng chẳng tha (bằng chứng là khi sửa đổi luật hôn nhân gia đình đã có nhiều ý kiến cho rằng nên quy định cấm kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người có họ trong phạm vi 5 đời, thay vì ba đời như hiện nay; và dù luật quy định 3 đời nhưng ở nhiều làng quê, dòng họ vẫn yêu cầu phải cách nhau 5 đời) thì vẫn có người khoái “mạo hiểm” coi thường cả đạo đức lẫn đạo lý.