Từ một cán bộ giỏi trở thành “người rừng”
Sinh ra trên mảnh đất khô cằn sỏi đá, ngay từ nhỏ Ma Seo Chứ đã nếm đủ mọi mùi vị khắc nghiệt của cuộc sống nơi miền biên viễn. Có lẽ sự khắc khổ của một vùng quê đã hun đúc Ma Seo Chứ trở thành một người lãnh đạo cốt cán có năng lực ở xã.
Chứ đã từng tham gia vào những trận chiến khốc liệt của cuộc chiến tranh biên giới (1979). Sau chiến tranh, Chứ lại tham gia phục vụ công tác dân vận ở xã Nàn Sín (huyện Si Ma Cai) với chức vụ Xã Đội trưởng, rồi Phó Chủ tịch UBND xã.
Hôm chúng tôi tìm đến bản làng, nơi mà Ma Seo Chứ ở chỉ có một người duy nhất biết chính xác thông tin về Chứ là anh Thào Seo Dế (SN 1967, em vợ của Chứ). Nói về việc Chứ trở thành con “ma rừng” ranh mãnh Dế bảo: “Hồi đó là vào khoảng giữa tháng 7/1990, sau khi uống rượu ở đám cưới, anh vợ tôi đã có xích mích với một gã thanh niên ở làng bên rồi lỡ vung tay tát kẻ kia hai cái vào mặt. Tên kia cũng không phải dạng vừa, hắn hứa hẹn sẽ tìm Chứ tính sổ và đốt nhà”.
Sau cái tát người ta hôm ấy, Chứ đã nằm ở nhà suy nghĩ và một mực cho rằng mình phải vào rừng một thời gian nếu không thì gã thanh niên kia sẽ gọi người đến tính sổ. Gia đình vợ con có ngăn cản, nhưng Chứ vẫn quyết định trốn vào rừng ở ẩn.
Thời gian đầu, cứ nhằm lúc nửa đêm là Chứ vẫn thường lẻn về thăm vợ con và lấy thức ăn. Ở rừng, Chứ sống bằng nghề săn bắn, hái lượm. Trong quãng thời gian chồng sống ở trong rừng, chị Thào Thị Dó (vợ Chứ) vẫn thường lẻn vào rừng để mang gạo, mang thuốc chữa bệnh cho chồng. Ban đầu do không quen với cuộc sống rừng rú nên Chứ bị ốm, bị sốt rét do muỗi đốt.
Theo anh Dế, kể từ khi Chứ sống trong rừng, chị Dó cũng có lần tâm sự rằng, đợi khi nào tinh thần chồng ổn định, gã thanh niên ở làng bên bớt thù hận thì anh Chứ sẽ về. Nhưng qua thời gian, Chứ dần thích nghi với cuộc sống hang hốc. Chứ còn khuyên vợ mình không cần phải vào rừng đi thăm hắn nữa.
Trong những lần thăm nom, Chứ cũng đã hứa với chị Dó rằng khi vầng trăng tháng 7 sáng nhất thì hắn sẽ quay trở về. Thế rồi cứ bao mùa trăng tháng 7 rồi tháng 8, hết năm này rồi năm khác nhưng Chứ vẫn bặt vô âm tín sống như một “bóng ma” trong cách rừng già.
Nhiều năm trôi qua, chị Dó vẫn trông ngóng, chờ đợi người chồng của mình quay về. Thế rồi vào khoảng giữa tháng 3/1992, bỗng ở trong làng đồn đại rằng có một người đi soi ếch bị ngã và đã chết ở thác. Nghe được tin, chị Dó chạy xồng xộc đến nơi để tìm, thì hóa ra lại là một người ở trong bản. Thế là chồng chị vẫn sống biệt tăm biệt tích, lẫn vào với những bóng cây giữa nơi “rừng thiêng nước độc”.
“Ma rừng” lạc vào cánh rừng già
Theo hồ sơ công an tỉnh Lào Cai, Ma Seo Chứ đã thực sự đánh mất cuộc đời mình chỉ vì mải mê sống cùng muông thú. Thời gian vợ trông ngóng chồng không về là do một hôm hắn đi bắt ếch ở dưới sông. Do mải miết đuổi theo con ếch nên hắn đã ngã tòm xuống sông. Do dòng sống chảy miết nên Chứ không quay lại được bờ kia.
Thời gian ngụ ở cánh rừng bên kia sông, Chứ mải miết đi săn, bạ đâu ngủ đó. Trong những lần đi săn theo hướng ánh trăng lặn trên đỉnh đầu, Chứ đã lạc tận vào cánh rừng già thuộc thôn Văng Đẹt, xã Thanh Bình (huyện Mường Khương). Tại đây, Ma Seo Chứ đã tìm được một cái hang, hắn đã xây dựng cho mình một cuộc sống mới, bởi trong rừng có nhiều chim, còn thú rừng thì nhiều đến nỗi đếm không xỉa. Nói về khả năng bẫy thú thì không ai sánh bằng vì Chứ có thể làm đủ các loại bẫy.
Vào thời đó, người dân ở thôn Văng Đẹt họ cho rằng cứ vào chiều thứ bảy hàng tuần lại có một người đàn ông lạ xuất hiện với thân hình rách rưới, ông ta thường mang theo thú, tắc kè, nấm… bán ở chợ. Do phiên chợ đông người ở tứ phía nên nhiều người cũng chẳng biết đó có phải là Ma Seo Chứ hay không?!. Do sợ bị phát hiện nên Chứ lại lùi vào rừng ẩn giật, từ đó người dân cũng chẳng thấy người đàn ông đó nữa.
Ông Hoàng Dỉ Lán (62 tuổi), trú tại thôn Văng Đẹt cho biết: “Hồi đó hầu như tuần nào tôi cũng mang gạo hoặc các thùng mì tôm đi bán. Khi đi chợ về, tôi thường mua con ron, con nhím hoặc mua nấm của Chứ, có lúc hết tiền tôi gạ đổi gạo ông ấy cũng gật đầu, hỏi về gốc gác thì ông ấy chẳng bao giờ nói, nhưng chỉ biết sau mỗi phiên chợ ông ấy đi về hướng Tây Bắc, lúc nào cũng xách theo vài kilôgam gạo đi về”.
Năm 1997, Chứ tìm về bản làng Phìn Chư 1, nơi hắn đã từng sống vui vẻ bên gia đình thì bàng hoàng biết tin anh em họ hàng, con cái Chứ đều đã rời đi nơi khác. “Người rừng” đi khắp nơi hỏi han vợ con và những người thân thích của mình nhưng càng tìm hiểu Chứ lại càng đau vì biết vợ mình đã đi theo người khác.
Theo anh Thào Seo Dế, kể từ khi Chứ vào rừng mất tăm hơi không liên lạc được, chị Dó đã đợi chờ, trông ngóng. Gần 5 năm chờ đợi, chị Dó tưởng rằng chồng mình đã chết nên đã về xã Xuân Hòa (huyện Bảo Yên, Lào Cai) ở với bố mẹ chồng.
Anh Dế nói: “Khi anh ấy về đến nhà, tôi nói cho anh ấy biết sự thật về chị Dó và đây cũng là lần đầu tiên tôi thấy anh rể buồn và gục mặt khóc. Nghe đâu anh ấy còn tìm về Bảo Yên xác minh chị Dó đã đi lấy chồng thật hay chưa rồi mới quay về”.
Theo người dân ở đây kể, sau khi đi tìm vợ trở về, Chứ đã về nhà sống gần một tháng rồi sau đó lại trở lại rừng. Nhiều lần uống rượu cùng dân bản, Chứ từng nói: “Tao sống ở rừng quen, giờ không còn được ở với vợ nên chắc tao phải đi vào rừng sống thôi”.
Theo anh Dế, chị Dó chờ anh rể quá lâu và tưởng rằng chồng đã chết nên mới kéo các con về xã Xuân Hòa (Bảo Yên) sống cùng bố mẹ chồng một thời gian. Vì một mình bìu ríu con cái nên chị Dó lại được một người đàn ông tốt bụng ở xã Thượng Hà (Bảo Yên) đem lòng quý mến. Chính bố mẹ anh Chứ đã tác hợp cho cô con dâu cả của mình với người đàn ông kia.
Khi Ma Seo Chứ biết vợ mình có một cuộc sống hạnh phúc bên người đàn ông khác nên cảm thấy mình có lỗi. Kể từ đó hắn không đi tìm vợ nữa mà ngậm ngùi quay trở về cánh rừng già để sống kiếp “người rừng”.
Ông Ly Seo Chứ, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Nàn Sín kể chuyện đồng nghiệp mình |
Nhắc đến “người rừng”, ông Ly Seo Chứ, hiện là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Nàn Sín, hồi đó nguyên là cán bộ Hội đồng nhân dân xã Nàn Sín kể: “Trước khi rời khỏi bản làng vào rừng sống, ông Chứ còn mang cả những khẩu súng đã thu được ở thôn rồi nộp cho Ủy ban quản lý. Hôm ông ấy lên đấy, tự nhiên thấy sắc mặt ông ấy buồn thiu, trước lúc về ông ấy còn ôm từng người. Chúng tôi có hỏi “tại sao nhìn sắc mặt anh như kiểu người sắp rời xa thế?, nhưng ông chỉ cười chứ không nói câu nào”.
(Còn tiếp)