Bị đuổi khỏi làng
Chẳng may mắc phải căn bệnh hủi, ông Phạm Văn Lem (SN 1955, người dân tộc Hrê, quê ở huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi - nay ở trại Phong Quy Nhơn - Bình Định) từ bé đã chịu nhiều bất hạnh khi bị xa lánh, hắt hủi ra khỏi làng.
Ông từng là một chàng trai khỏe mạnh, đào hoa, bà từng là một cô gái xinh đẹp như bông hoa cho đến khi họ bị gọi là… “đồ hủi”.
Ông Lem bắt đầu câu chuyện: “Hồi vào trại phong này, tay tôi còn những… một ngón, còn cầm đũa gắp thức ăn được cơ mà. Sau chẳng giữ được ngón nào”.
Ông ngơ ngẩn nhìn xuống bàn tay chẳng còn ngón nào của mình, hai chân bị con vi khuẩn hansen “quậy”, rụng gần hết, còn trơ ra cái mỏm cụt vừa đủ để lắp chân giả.
Bà Phan Thị Hà (SN 1958, người dân tộc Kinh, quê ở tỉnh Quảng Nam) với đôi bàn tay bị co quắp, đôi chân xiêu vẹo vì bệnh phong, cũng móm mém cười: “Cuộc đời với vợ chồng tôi như thế này cũng may mắn hơn bao người ở đây rồi. Con trai không bị bệnh như bố mẹ là hạnh phúc”.
Ông Lem cho biết, trước kia ông cũng là người đàn ông khỏe mạnh. Nào ngờ năm 20 tuổi, đang trong lúc làm nương rẫy, ông cảm thấy trong người nóng bừng, da bắt đầu nứt nẻ, tê nhức khôn cùng. Mọi người trong gia đình hết sức hoảng hốt đưa về nhà để thuốc thang. Nhưng theo thời gian, căn bệnh vẫn không thề thuyên giảm, mà ngược lại da thịt ngày càng thối rữa, các đốt ngón tay cứ rụng dần.
Biết ông Lem bị “căn bệnh lạ” nên gia đình đã chạy vạy vay mượn tiền bạc mua lợn, mua rượu về để mời thầy cúng đến giải hạn. Nhưng rồi, khi các “thầy” cao tay lần lượt đến rồi lại đi trong ánh mắt sợ hãi thì cũng là lúc tiền bạc trong gia đình cũng đội nón đi theo. Gia đình rơi vào cảnh khó khăn khôn cùng.
Khoảng một tháng sau đó, người làng cho rằng chính ông Lem đã bị “ma rừng” làm cho ra như thế này, mà con “ma rừng” đó ở trong người ông thì sẽ lây sang những người khác, làm nguy hại đến dân làng. Mặc dù gia đình đã cố nài nỉ để ông được ở nhà cho gia đình chăm sóc, nhưng lệ làng không cho phép nên cuối cùng ông bị đuổi ra khỏi làng.
Sau 5 năm sống một mình trong rừng, đến năm 1980, một đoàn bác sĩ đến làng khám chữa bệnh đã phát hiện và đưa ông Lem xuống Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa chữa trị.
Ông Lem cho biết: “Lúc đó, trong suy nghĩ của tôi, không có con ma nào ám cả, mà chẳng qua đó là một căn bệnh kỳ lạ mà mọi người trong làng chưa gặp. Tin tưởng vào cuộc đời nên tôi cố gắng bám lấy cuộc sống và tồn tại đến ngày hôm nay. Khi về đây, tôi được mọi người ở đây cưu mang như anh em trong nhà và điều này đã tiếp thêm nguồn sống mới cho tôi”. Sau 10 năm điều trị, cuối cùng ông Lem cũng thoát khỏi cảnh bệnh tật đeo bám.
Yêu thương lấp đầy khiếm khuyết
Ông Lem tâm sự: “Tôi điều trị muộn nên tay chân bị hư đâu có cứu được. Tôi được sống cũng là may mắn rồi. Nếu mà không được bác sĩ tốt bụng đưa xuống đây chắc tôi đã chết. Cũng nhờ vậy mà tôi có được vợ và đứa con trai bây giờ đã học lớp 10”.
Với bà Hà, những khó khăn đã qua là những kỷ niệm không bao giờ quên. |
Nói rồi người đàn ông nở nụ cười chân chất và bắt đầu hồi tưởng lại chuyện tình của ông và bà Hà. TBà Hà bị bệnh phong từ năm 14 tuổi nhưng không hề hay biết bệnh tình. Gia đình ban đầu cho uống thuốc nam không bớt nên sau đó bỏ mặc.
Năm 1994, căn bệnh phát nặng, gia đình đưa bà Hà ra Đà Nẵng phẫu thuật. Sau đó bà trở về nhà đi làm ruộng khiến căn bệnh tái phát, trầm trọng hơn. Rồi bà xin vào Quy Hòa với hi vọng được chữa trị dứt bệnh.
Những ngày bà điều trị, ông Lem thường lên khu an dưỡng ở bệnh viện chơi rồi hai người gặp nhau. Thấy người phụ nữ tội nghiệp, ông Lem thường mua bánh tráng đến cho và động viên an ủi. Hai người trò chuyện tâm đầu ý hợp.
Ông Lem kể: “Tôi lên khu an dưỡng chơi được thời gian thì không đến nữa. Sau đó nghe mấy người bảo “cô Hà buồn lắm”. Tôi hỏi nguyên do thì họ bảo “cô Hà thương anh rồi”. Tôi gãi đầu gãi tai nghĩ mình bệnh tật thế này sao thương. Tôi lảng tránh nhưng mọi người cứ nói vào nên tôi đến gặp.
Chúng tôi bốn mắt nhìn nhau ngại ngùng chẳng biết nói gì. Rồi tôi nghĩ người ta đã không chê mà đem lòng thương nên cũng bớt mặc cảm. Cuối cùng chúng tôi đến với nhau theo kiểu góp gạo nấu cơm chung”.
Quyết định gắn bó với nhau, hai người cùng báo tin cho người thân ở quê biết sự tình. Thế nhưng ngày mẹ bà Hà lặn lội vào Quy Hòa, ông Lem vì mặc cảm mình là người dân tộc thiểu số lại bị tàn phế nên chạy trốn biệt tăm. Bà Hà biết chuyện nên đi tìm mãi mới đưa được ông về để gặp mẹ vợ tương lai.
Nhìn chàng thanh niên tay chân ngủn ngẳn, bà cụ thấu hiểu mọi chuyện, liền bảo: “Các con đều bệnh tật. Nếu đã có tình cảm thì hãy thương nhau trọn đời”. Câu nói này khiến ông Lem cảm động khóc sụt sùi. Được người mẹ “chứng giám”, hai người nên vợ nên chồng.
Khi bà Hà xuất viện, hai vợ chồng cùng xin một ngôi nhà nhỏ trong làng để nương trú. Sống được 3 năm thì bà Hà sinh ra cậu con trai kháu khỉnh, đặt tên là Phạm Hà Linh, niềm hạnh phúc nhân lên gấp bội. Càng vui hơn khi cha mẹ đều mắc bệnh nhưng đứa bé lớn lên mạnh khỏe, lanh lợi. Qua bao năm tháng, đứa con chính là sợi dây vô hình neo chặt tình cảm vợ chồng.
“Nếu cứ ngồi mà nghĩ rằng mình khổ và thua thiệt hơn người đời thì chẳng bao giờ mình hết khổ. Ở đời hơn nhau là sự phấn đấu, vượt lên hoàn cảnh. Ai cũng phải trải qua những khó khăn, thế nhưng với vợ chồng tôi, đó là những kỷ niệm không bao giờ quên”, bà Hà chia sẻ./.