Nhưng ở lẽ đời, mọi sự vật hiện tượng trong cuộc đời này đều tương thuộc lẫn nhau, không có vật gì, người nào có thể tồn tại độc lập một cách lâu dài, tình vợ chồng cũng vậy. Mâu thuẫn nào đã tồn tại ở đây để khiến cho các cuộc hôn nhân tan vỡ, dù trước đó họ đã từng thề nguyền “sẽ đi cùng nhau đến đầu bạc răng long”?
Vợ chồng khủng hoảng vì… sống chung?!
Nói về các vụ ly hôn tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, Luật sư chuyên các vụ ly hôn Steve Li của hãng luật Gentle &Trust cho biết số ca ly hôn xử lý đã tăng 25% kể từ khi lệnh phong tỏa của thành phố được nới lỏng hơn vào giữa tháng 3/2020. Nếu trước đây, ngoại tình từng là lý do số một khiến khách hàng tìm đến anh, thì giờ đây không phải vậy.
Khi Covid-19 bắt đầu tấn công vào xã hội, nhiều cặp vợ chồng đã phải chịu thời gian giãn cách xã hội buộc họ phải sống chung cả ngày, cả tuần, cả tháng trong cùng một mái nhà, đôi khi là cả một gia đình lớn. Đối với một số người, điều đó là quá sức.
Tại Nhật Bản, xu hướng “ly hôn thời corona” cũng nhiều không kém gì Trung Quốc. Tỷ lệ ly hôn tại đất nước hoa anh đào hiện đang là 35%, thấp hơn một số quốc gia phương Tây như Mỹ (45%), Anh (41%) và cao hơn Trung Quốc (30%). Nắm bắt được xu hướng này, công ty Kasoku có trụ sở ở Tokyo cho ra mắt dịch vụ cho thuê phòng ngắn hạn để các cặp đôi vừa có không gian riêng vừa đảm bảo tuân thủ việc cách ly ở nhà vì dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
Dịch vụ có tên gọi “nơi nương tựa tạm thời” này đã nhận được khá nhiều yêu cầu đặt phòng. Nhiều người cho rằng dịch vụ đã cứu vãn họ khỏi tình trạng phát khùng vì đối tác chồng/vợ do sống gần quá lâu. “Giọng chồng tôi rất to. Anh ấy ho và ăn uống liên tục. Ti vi thì mở ầm ầm cả ngày. Anh ấy cũng thường xuyên ngủ ở phòng khách và ngáy rất to. Tôi đã phải chịu đựng cảnh này gần 10 ngày nay. Đến bao giờ mới hết tình trạng này đây”, một bà vợ Nhật than thở trên trang mạng Twitter.
Thời chưa xuất hiện Covid-19 thì theo thống kê của những nhà xã hội học cũng chưa bao giờ tình trạng ly dị tại châu Á lại phổ biến như hiện nay. Trong 20 năm qua, tỷ lệ ly dị tăng gấp đôi ở Trung Hoa và gấp ba ở Đài Loan. Tại Singapore, tỷ lệ ly dị tăng 1/3 so với năm 1990, tại Thái Lan tăng gần gấp đôi. Ở Hàn Quốc, tỷ lệ ly dị vượt cả một số nước châu Âu như Anh, Đan Mạch, Hungary… Ở Việt Nam, tỷ lệ ly dị cũng rất cao xấp xỉ 30%.
Nguyên nhân của ly hôn phần lớn là do sự khủng hoảng về sống chung giữa người đàn ông và người đàn bà. Xã hội càng văn minh và tiến bộ thì sự khủng hoảng càng tăng. Nghĩa là, dù người ta giàu có hơn nhưng không hạnh phúc hơn người xưa.
Khi có một cặp vợ chồng làm lễ cưới ta thường chúc họ được “Trăm năm hạnh phúc”, như vậy hạnh phúc chính là mục đích của hôn nhân. Cho nên, vấn đề hạnh phúc hôn nhân là nhu cầu gần như tất yếu của đời người. Ai cũng biết gia đình là nền tảng của xã hội và đời sống vợ chồng là nền tảng của hạnh phúc gia đình.
Vì vậy, cách sống như thế nào để cả hai người giữ được hạnh phúc lâu dài, đó là mối quan tâm của mọi người và của các tôn giáo, trong đó có Phật giáo. Dưới góc nhìn đạo Phật, thiết lập được những nguyên tắc sống hạnh phúc cho đời sống hôn nhân gia đình là một sự đóng góp rất lớn cho xã hội hiện đại.
Vợ chồng như bạn đồng hành
Trong kinh Tăng Chi có kể lại câu chuyện đức Phật giảng cho cô con dâu cư sĩ Cấp Cô Độc. Vì cô dâu này ngỗ nghịch, bất hiếu với cha mẹ chồng, nên nhân cơ hội đức Phật đi ngang qua nhà và nhận phẩm vật cúng dường, Cấp Cô Độc đã thỉnh cầu Thế Tôn dành chút thời gian giáo dục đứa con dâu của mình. Thế Tôn đã giảng một bài kinh ngắn rất ấn tượng nói về bảy loại vợ đối chiếu với bảy loại chồng. Trong đó, loại vợ thứ tư được xem là lý tưởng nhất, “người vợ là bạn đồng hành cùng người chồng”.
Theo Phật giáo để duy trì hạnh phúc thì vợ chồng cần như bạn đồng hành, dẹp bỏ cái tôi ích kỷ của mình |
Cách đây 26 thế kỷ mà Thế Tôn đã dạy quan niệm hôn nhân như bạn đồng hành, điều đó cho thấy, yêu cầu về quyền lợi được giảm ở mức độ tối đa. Trong hôn nhân, ai quan niệm cần nhận được nhiều hơn cho thì hôn nhân đó đã bị đổ vỡ ngay từ cách thức đặt vấn đề.
Tiến sĩ - Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Viện trưởng Viện Phật giáo Việt Nam trong bài viết “Triết lý về đôi dép qua góc nhìn của Phật giáo” đã lấy bài thơ “Đôi dép” của nhà thơ Nguyễn Trung Kiên để dẫn chứng cho cuộc sống vợ chồng: “Hai chiếc dép kia gặp nhau tự bao giờ/Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước/Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược/Lên thảm nhung, xuống cát bụi cùng nhau…”.
Mô tả hiện thực đôi dép từ cái nhìn của Phật giáo như một đối tượng để quán chiếu rằng đời sống vợ chồng được sánh ví như chiếc dép trái và chiếc dép phải sánh bước bên nhau trên mọi hướng của cuộc đời. Đối với đời sống tại gia thì tình vợ nghĩa chồng được quan niệm như một đôi dép với quyền lợi và nghĩa vụ bình đẳng ngang nhau. Chồng đâu vợ đó, vợ đâu chồng đó.
“Cùng bước cùng mòn, không kẻ thấp người cao/Cùng chia sẻ sức đời người chà đạp/Dẫu vinh nhục không đi cùng kẻ khác/Số phận chiếc này phụ thuộc ở chiếc kia”.Tình nghĩa vợ chồng với những ngang bằng trong sự chia sẻ, gánh vác vai trò, trách nhiệm với nhau…
Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, dưới góc độ duyên khởi, mọi sự vật hiện tượng trong cuộc đời này đều tương thuộc lẫn nhau. Không có vật gì, người nào có thể tồn tại độc lập một cách lâu dài và qua hình ảnh của đôi dép, chúng ta thấy rõ hơn về điều đó: “Số phận chiếc này phụ thuộc ở chiếc kia”.
Một chiếc bị mất thì chủ nhân của nó lập tức sẽ quẳng luôn chiếc còn lại để đi mua đôi dép mới. Do đó muốn đời sống hạnh phúc của chính mình lâu dài thì phải biết bảo hộ hạnh phúc của người bạn đường với mình. Khi người bạn đường đón nhận tình cảm tốt đẹp cũng phải hết sức trân quý, không để nó vuột mất dù chỉ một phần. Bởi có những lúc chúng ta sống một cách rất hời hợt, vô tư, đến khi đối diện với mất mát mới sinh tâm tiếc nuối thì cũng đã muộn màng...