Chị Hạnh sinh ra trong một khá giả. Ngày lấy chồng, chị được bố mẹ cho 3 cây vàng cùng 50 triệu đồng làm vốn trước sự chứng kiến của quan viên hai họ. Một năm sau ngày cưới, chị Hạnh hạ sinh một bé trai khôi ngô, bụ bẫm khiến căn nhà hai tầng của gia đình chồng trở lên chật chội. Để có không gian riêng cho con cái, bố mẹ chồng chị Hạnh quyết định xây nhà.
Tuy nhiên số tiền dành dụm cả đời của bố mẹ chồng chị Hạnh chỉ có khoảng 200 triệu đồng, không đủ xây nhà. Cực chẳng đã, chị Hạnh bàn với chồng về nhà mượn nhà ngoại mỗi người một ít tiền để đưa bố mẹ xây nhà. Theo lời chị Hạnh kể, sau 5 năm chăm chỉ làm lụng, chắt bóp chi tiêu, cuối cùng chị cũng trả được hết nợ cho bố mẹ, bắt đầu có của ăn của để.
Cũng từ đây, chồng chị Hạnh thay tâm đổi tính, anh biến mình thành kẻ vũ phu. Mỗi lần say rượu về tới nhà anh lại lôi vợ ra đánh đập. Không thể sống nổi với người chồng vũ phu, chị Hạnh muốn ly hôn. Nhưng chị Hạnh sợ nếu ly hôn chị sẽ phải ra đi tay trắng. Bởi toàn bộ vàng, tiền vốn cha mẹ cho, chị Hạnh đã dồn hết vào việc xây nhà, thêm vào đó số tiền khoảng 300 triệu vay mượn nhà ngoại đưa bố mẹ chồng xây nhà, bản thân chị Hạnh làm để trả hết trong 5 năm có được đòi lại (số tiền này chị vay bằng thỏa thuận miệng, không có giấy tờ, hợp đồng).
Vậy xin hỏi luật sư, nếu ly hôn, chị Hạnh có được chia tài sản không?
Tư vấn của Luật sư:
Căn cứ theo quy định tại Điều 61 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà ly hôn thì vợ hoặc chồng sẽ được chia một phần trong khối tài sản chung căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung cũng như đời sống chung của gia đình.
Việc chia một phần trong khối tài sản chung sẽ do vợ chồng thỏa thuận với gia đình, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết.
Như vậy có thể khẳng định rằng, khi ly hôn chị Hạnh vẫn được chia một phần tài sản trong khối tài sản chung là căn nhà của gia đình tùy vào công sức đóng góp của chị vào khối tài sản chung đó. Về số vòng vàng được bố mẹ chị Hạnh cho trong ngày cưới (được hiểu là cho hai vợ chồng) do đó đây là tài sản chung của hai vợ chồng. Số vòng vàng này đã được dùng để xây dựng căn nhà nên chị Hạnh không thể nhận lại số tài sản này.
Về số tiền chị Hạnh đã vay của bố mẹ đẻ để xây dựng căn nhà và chị đã trả hết trong 5 năm:
Theo thông tin mà chị cung cấp thì khi vay của bố mẹ, chị không có văn bản, giấy tờ nào về việc vay tài sản; bản thân chị Hạnh cũng đã làm và trả hết cho bố mẹ số tiền này. Do đó, sẽ rất khó để chị Hạnh có thể yêu cầu chồng phải thanh toán số tiền này cho bố mẹ đẻ bởi vì:
+ Việc vay mượn tiền không có văn bản giấy tờ chứng minh;
+ Khoản vay này là nợ chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Chị đã dùng thu nhập có được trong thời kỳ hôn nhân của chị để thanh toán mà thu nhập chị dùng để trả cũng là tài sản chung của vợ chồng. Do đó, nếu xác định đây là khoản nợ của vợ chồng chị với bố mẹ chồng thì nợ này cũng đã được thanh toán hết bằng tài sản chung của hai vợ chồng.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, trong trường hợp chị thu thập được các giấy tờ chứng minh việc chị đã vay của bố mẹ đẻ (ví dụ như bằng chứng bố mẹ chồng hoặc chồng chị thừa nhận việc có khoản vay này) và chị đã dùng tài sản riêng của mình (gồm các tài sản theo quy định tại Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình) để trả cho bố mẹ chị thì chị vẫn có thể yêu cầu chồng phải thanh toán cho chị một nửa số tiền mà chị đã trả cho bố mẹ vì nghĩa vụ trả nợ thuộc về cả hai vợ chồng.