Nhiều em áp lực, trầm cảm đến tự tử là chuyện vẫn xảy ra vào mỗi mùa thi. Và trên các trang facebook cá nhân, các diễn đàn, nhiều chia sẻ, nhiều thông điệp gửi đến các chàng trai cô gái tuổi 18, nếu lỡ trượt đại học…
Học sinh chuyên cũng… trượt
Trên trang Thích học văn, một bạn trẻ kể câu chuyện của chính mình, một học sinh chuyên trượt… nguyện vọng 1!
12 năm tôi đi học, tức là từ năm 6 tuổi đến năm tôi tròn 18 tuổi, tôi luôn luôn làm được những điều mà mọi người xung quanh phải ngưỡng mộ. Luôn là niềm tự hào của cả nhà, với tôi cuộc sống trong những năm trước 18 tuổi là một cuộc đời của “con nhà người ta” không một vết tích của sự thất bại.
Tôi học trường chuyên ở Hà Nội, tôi thi Học Sinh Giỏi Quốc Gia hai năm liên tiếp lúc tôi 17 và 18 tuổi. Nhưng cũng chính tôi không lâu sau đó trở nên mặc cảm với chính mình, vì tôi là một trong số ít người trong lớp chuyên năm đó trượt ĐH nguyện vọng một.
Với tôi lúc đó, trượt ĐH nguyện vọng một là một cái gì đó giống như chuyện sống - chết vậy. Tôi còn nhớ như in vào ngày tôi biết kết quả mình hụt điểm để vào nguyện vọng một, tôi đã tuyệt vọng như thế nào.
Bà tôi đã thương tôi đến mức cùng tôi bắt xe buýt ra tận trường, bảo tôi cầm theo giấy chứng nhận giải khuyến khích Quốc Gia để hỏi xem có được cộng điểm ưu tiên không? Hôm đó tôi còn gặp lại người thầy mà tôi luôn mong sẽ được học thầy nhiều hơn nếu tôi đỗ vào trường! Tôi đã khóc không biết bao nhiêu đêm, ướt mèm cả gối.
Rồi tôi cũng trở thành sinh viên. Như một kẻ ngoài hành tinh giữa một ngôi trường tôi thậm chí chẳng biết nó ở đâu khi trước. Mùa thu năm 2012, tôi bắt đầu chặng đường làm sinh viên của mình, không hy vọng, không ước mơ, không đam mê, không hứng thú.
Thế rồi, khi lấy lại được bình tĩnh, những năm sau đó với tôi là hành trình miệt mài theo đuổi cơ hội mới. Những ngày dài nhiều giờ ngồi lì học sách chuyên ngành. Chăm chỉ ngồi tra từng từ một trong từ điển.
Đỉnh điểm, có những lúc tôi đọc một trang sách tiếng Anh chuyên ngành mà tôi gần như phải tra tới 80% từ mới. Xông pha làm nghiên cứu khoa học, đi thực địa, chạy sự kiện cho câu lạc bộ trong trường. Tất cả những việc ấy, tôi đều làm với tất cả tâm huyết, và sự nhiệt thành.
Tôi bắt đầu biết trân quý những gì mình được trải qua từ những chuyến đi lên rừng, xuống biển, trân quý tình yêu mến thiên nhiên và môi trường dần dần lớn lên trong tôi. Tôi bắt đầu nhận ra rằng mình có thể tạo nên được những thay đổi tích cực cho thế giới xung quanh mình bằng những điều mà tôi được học.
Tôi của năm 18 tuổi đó đã không thể tưởng tượng được rằng chỉ gần 2 năm sau, tôi đã sống rất khác, đã hiểu ra nhiều điều, có cơ hội mở được nhiều cánh cửa đi đến nhiều nơi, gặp được nhiều người từ khắp nơi trên thế giới mà chẳng tốn một đồng nào!
Tôi của 8 năm sau, ngồi đây viết những dòng này, nhận ra rằng những điều mà khi trước tôi vẫn quả quyết rằng nhất định phải theo đuổi, dù có chuyện gì xảy ra, giống như ước mơ năm 18 tuổi kia, thực ra không phải là không thể buông bỏ. Cuộc sống luôn luôn thay đổi, chúng ta cũng vậy.
Mỗi ngã rẽ trong cuộc đời có thể sẽ thay đổi chúng ta bởi những biến cố không ngờ mà chúng ta trải qua, đôi khi để lại vết thương lòng- đó là những vết thương đẹp đẽ của cuộc đời, bởi vì nó làm chúng ta trưởng thành hơn, biết sống tốt hơn với mình và với đời. Cho dù chúng ta sẽ cảm thấy đau đớn.
Sự nỗ lực và buông bỏ đúng lúc là chìa khóa của việc mỗi ngày tôi sống và trải nghiệm cuộc đời của chính mình, chứ không phải là sống và trải nghiệm những gì mà xã hội mong muốn. Quan trọng hơn cả là một khi đã làm việc gì, tôi luôn cố gắng làm bằng cả trái tim.
Bài viết này dành tặng tất cả những em học sinh vừa trải qua một kỳ thi nhiều cảm xúc trong đời. Dù kết quả có như thế nào, thì chặng đường các em đã trải qua đã nhiều vất vả rồi. Tôi chỉ mong rằng dù kết quả có chưa như ý muốn ban đầu, tất cả các em rồi đều sẽ tìm ra được điều khiến các em cảm thấy muốn hăng say phấn đấu, muốn xắn tay áo lên và không ngại gian khổ để theo đuổi mỗi ngày, một cách bền bỉ nhất.
“Ngày mai có gió của ngày mai”…
Trên trang cá nhân, anh Chánh Văn- nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ: Tôi muốn nói cùng các em về việc này: Nếu đỗ Đại học mọi thứ hẳn sẽ khác. Đời sinh viên thật sự rất vui. Nếu đỗ Đại học, làm sinh viên, các em sẽ được trải nghiệm một xã hội lành mạnh hơn ngoài kia. Các em vẫn bươn chải nhiều để kiếm tiền nhưng sẽ không phải sống chết như khi các em không học Đại học.
Nhưng. Nhưng các em ơi! Có câu: Ngày mai có gió ngày mai thổi. Đừng đem thất bại hôm nay thành tâm trạng người thất bại của ngày mai. Đừng nghĩ rằng cuộc đời khép cửa lại với mình. Gió ngày mai sẽ thổi bằng tâm trạng của ngày mai. Nó có thể nâng cánh các em bay lên cao hơn hay quật ngã các em xuống, tuỳ thuộc vào sự chuẩn bị của các em hôm nay.
Nếu các em vẫn còn muốn phục thù và đỗ Đại học. Hãy thành thật với chính mình xem vì sao mình thua trận vừa rồi. Là do mình hổng kiến thức chỗ nào hay do học tài thi phận? Mình thiếu đâu mình bù đó. Mình sai đâu mình sửa đấy. Mình hổng đâu mình lấp đấy. Mình kém đâu mình cố lại đấy.
Tôi thật lòng mong các bậc cha mẹ, các thầy cô và kể cả chỉ là người dưng đi qua, xin hãy cho các con được quyền thất bại để các con có cơ hội trưởng thành sau thất bại ấy. Bởi hầu hết mọi sự trưởng thành đều chỉ đến khi con người ta vượt qua một biến cố nào đó trong cuộc đời. Xin hãy dành tặng lũ trẻ một niềm tin và những hy vọng vừa đủ để các con bước tiếp, thay vì nhiều đứa trẻ thế hệ tôi đã mất cả năm trời trốn mình trong phòng sau khi thi trượt.
Ngày mai sẽ có gió của ngày mai thổi. Xin hãy là ngọn gió lành cho các em hôm nay nhận kết quả không như ý. Được không???
Cùng với đó, nhà báo Ngô Bá Lục cũng bày tỏ: Chú xin được nhiệt liệt chúc mừng các bạn đã trở thành Tân sinh viên, nhưng cho chú được đứng về “phe” các bạn thi TRƯỢT, bởi đơn giản, chú cũng chính là một sĩ tử thi TRƯỢT như các bạn.
Chú đứng về phe các bạn thi TRƯỢT để chứng minh một điều, không phải chỉ những bạn đỗ Đại học mới có cơ hội thành công trong cuộc sống, mà những kẻ từng thi TRƯỢT vẫn hoàn toàn có thể thành đạt, giàu có và kiêu hãnh ngẩng cao đầu với cuộc đời!
Nhưng, thực sự, Đại học không phải con đường duy nhất dẫn đến thành công, nhất là trong thời đại công nghệ phát triển và thế giới phẳng như thế này, ai ai cũng có cơ hội để trở thành người thành đạt, miễn bạn có một cái đầu thông minh, một trái tim nhiệt huyết và một ý chí sắt đá, dám đương đầu với thử thách!
Thử nghĩ xem, một thằng “nhà quê” 18 tuổi như chú, trượt đại học được ông anh lôi ra Móng Cái, một nơi xa xôi vùng biên giới cách nhà mình gần 400 cây số phải đi 2 ngày mới tới nơi. Nhớ nhà, nhớ bạn nhưng một tháng sau bắt đầu làm quen với công việc buôn bán của một cửa hàng rau quả thực phẩm. Bắt đầu từ một anh nhân viên bán hàng, sau đó làm quen với việc nhập hàng, chọn hàng...rồi sang Trung Quốc nhập hàng, vân vân.
Chỉ một năm sau cậu ta đã tách ra mở cửa hàng riêng và bắt đầu tự mình buôn bán. Trong vòng hai năm, chỉ từ 3 triệu, cậu ấy đã mở được cửa hàng với số vốn lên đến hơn 200 triệu, trong khi các bạn đồng trang lứa vẫn còn đang miệt mài với sách vở, bút nghiên trên các giảng đường.
Ví dụ để thấy, cánh cửa này đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra. Miễn là bạn đừng mất quá nhiều thời gian ngồi khóc lóc sụt sùi buồn tủi, hãy đứng dậy, tìm cho mình một hướng đi phù hợp với khả năng và điều kiện, hoàn cảnh, môi trường của mình.
Chúng ta có cùng chung một cái đích nhưng sẽ có vô vàn cách đi khác nhau để đến được cái đích đó! Vì thế, hãy tự tin đứng dậy, làm lại những điều ta đã làm hỏng trước đó. Tuổi trẻ chính là tài sản lớn nhất của đời người, hãy sử dụng sức trẻ để mạnh mẽ dấn thân và thử sức với những đam mê của mình.
Chú không được học Đại học chính quy, nhưng TRƯỜNG ĐỜI đã dạy chú nên người! Và chú tự hào về điều đó!
Còn nhớ, trong bộ phim Miss Americana (phim tài liệu về nữ ca sĩ Taylor Swift), cô thú nhận rằng có một quãng thời gian rất dài cô đã luôn thể hiện hình tượng hiền lành, ngoan ngoãn vì mọi người muốn thế, cô đã luôn theo đuổi những tiếng vỗ tay, những sự ghi nhận.
Cô tâm sự với bố mẹ mình: “Cả cuộc đời con xoay quanh điều đó. Tất cả chúng ta đều tự ti. Chúng ta sống vì những tiếng vỗ tay, sống để được người khác yêu thích. Con sống như vậy suốt 15 năm qua, con đã quá mệt mỏi rồi.” Để rồi khi những tiếng vỗ tay bỗng chốc ngưng bặt, những đóa hoa và tiếng vỗ tay khen ngợi trong nhiều năm qua bỗng chốc trở nên mơ hồ, Taylor quyết định tạm rút lui khỏi cuộc sống lấp lánh, ồn ào ấy…
“Một bông hoa nở vì niềm vui của chính nó.” (Oscar Wilde)
Vậy đấy, bông hoa không nói với bạn rằng nó đã nở vì trông đợi bạn nhìn ngắm. Bông hoa không kể với bạn rằng nó đã nở để đời thấy nó đẹp nhường nào. Bông hoa không bảo với bạn rằng nó đã nở cho người người công nhận... Hoa nở hay khi tàn lụi là bởi quy luật tự nhiên của chính nó, không phải bởi để người đời trầm trồ hay công nhận. Do đó, các bạn trẻ, trong mỗi bước đi, chỉ cần bạn nỗ lực hết mình, sẽ luôn có một lối đi, một con đường khác. Chỉ là sẽ thành công theo một cách khác mà thôi…