Lực lượng biên phòng chung - “vũ khí” bảo vệ châu Âu?

Đường biên giới của khu vực Schengen đang trở nên vô cùng mỏng manh
Đường biên giới của khu vực Schengen đang trở nên vô cùng mỏng manh
(PLO) - Các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) vừa cam kết sớm thành lập một lực lượng biên phòng và bảo vệ bờ biển của EU (EBCG) tại Hội nghị thượng đỉnh của khối này diễn ra trong hai ngày 17 - 18/12 ở thủ đô Brussels, Bỉ. 
Cam kết trên được đưa ra nhằm một lần nữa hối thúc các nước thành viên thực thi các biện pháp đã được nhất trí trong năm nay để hạn chế dòng người di cư vượt qua Địa Trung Hải. 
Phát biểu kết thúc cuộc họp kéo dài 3 giờ, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk cho biết, lãnh đạo các nước EU đã nhất trí rằng có sự thiếu hiệu quả trong thực hiện một loạt biện pháp đã được nhất trí trong những tháng gần đây nhằm ngăn chặn sự hỗn loạn đã đẩy khu vực tự do đi lại Schengen của châu Âu rơi vào tình thế nguy hiểm.
Tuyên bố kết thúc hội nghị có đoạn: “Trong những tháng qua, Hội đồng Châu Âu đã phát triển một chiến lược nhằm ngăn chặn các dòng người di cư vốn trước đó chưa từng có mà châu Âu đang phải đối mặt. Tuy nhiên, việc thực thi chiến lược này chưa được đầy đủ và cần phải thúc đẩy nhanh chóng. 
Để đảm bảo an toàn cho sự toàn vẹn của khu vực Schengen, việc giành lại quyền kiểm soát các đường biên giới bên ngoài là tuyệt đối cần thiết”.
Chiến lược mới, tranh cãi… mới
Theo kế hoạch trên, các quốc gia có quyền hợp pháp tiến hành can thiệp vào việc kiểm soát biên giới của nước khác. Không chỉ riêng Hy Lạp, Bỉ, Pháp, Đức và cả khu vực Schengen bắt buộc phải tuân thủ quy định này. 
Một số quốc gia châu Âu chỉ trích mạnh mẽ việc đi lại tự do trong khu vực Schengen như là một nhân tố tạo thuận lợi cho các phần tử khủng bố xâm nhập tiến hành các vụ tấn công tại châu Âu, đặc biệt tại Pháp hồi tháng Giêng và tháng 11 vừa qua. 
Tuy nhiên, điều này cũng đã và đang gây tranh cãi trong EU, nhất là liên quan đến đề xuất của EC về việc lực lượng này có quyền can thiệp vào quá trình giải quyết vấn đề nhập cư của các nước thành viên trong trường hợp cần thiết. 
Trao đổi về kế hoạch trên, Nghị sĩ Bỉ Gérard Deprez thuộc nhóm tự do - dân chủ trong EP nhấn mạnh rằng, một trong những điểm có thể khiến các quốc gia “nổi giận”, đó là việc triển khai lực lượng biên phòng tại một quốc gia không có yêu cầu. 
Nghị sĩ Gérard Deprez nêu trường hợp của Hy Lạp, quốc gia từ lâu chống lại việc nhờ các đối tác châu Âu giám sát bờ biển, nơi mà người nhập cư tới để tìm cách sang tị nạn ở các nước châu Âu khác. 
Ông nhấn mạnh rằng, Hy Lạp “quá tải” khi phải quản lý các hòn đảo của mình cũng như số lượng người tị nạn kéo đến các hòn đảo này. Hy Lạp không có khả năng tiếp nhận tất cả những người di cư tới nước này.
Có cứu nổi khu vực Schengen?
Vậy việc triển khai lực lượng biên phòng này liệu có phải một cách để cứu khu vực Schengen hay không? Theo Nghị sĩ Gérard Deprez, EU thực sự không có sự lựa chọn. Ông cho rằng nếu muốn giữ việc tự do đi lại trong khu vực Schengen thì phải có trách nhiệm kiểm soát nhiều hơn nữa biên giới của khu vực này. 
Trong số những kẻ khủng bố tấn công Paris vừa qua, 2 tên đã xâm nhập theo dòng người di cư. Để lực lượng phản ứng nhanh hoạt động dễ dàng, cần sự đồng thuận từ các quốc gia EU. 
Theo nhà nghiên cứu chính trị Sophie Heine thuộc Viện Nghiên cứu Egmont (Bỉ), cần phải có một số quốc gia “đầu tàu” như Pháp, Đức và các nước Benelux (Bỉ, Hà Lan, Luxembourg). 
Trên thực tế, các nước nhỏ đóng vai trò rất quan trọng và dễ dàng hơn các quốc gia liên bang vì đó là lợi ích của họ. Tính dân tộc và ý thức chủ quyền của các quốc gia này không quá lớn. 
Được thành lập dựa trên sự tự nguyện đóng góp về nhân lực và phương tiện của mỗi quốc gia thành viên, lực lượng mới này sẽ thay thế Cơ quan Kiểm soát Biên phòng châu Âu (FRONTEX) với quân số khoảng 1.500 người, được huy động ít nhất trong 3 ngày. 
Lực lượng này được trang bị phương tiện kỹ thuật và xây dựng dựa trên kết quả làm việc của một trung tâm giám sát và phân tích rủi ro để theo dõi các dòng người di cư tới khu vực này và trong nội bộ khu vực. Do đó, lực lượng này sẽ phát hiện các điểm yếu và xử lý trước khi khủng hoảng xảy ra. 
Một điểm quan trọng khác là việc thành lập một Văn phòng hồi hương thuộc cơ quan mới này với nhiệm vụ phát hiện một cách nhanh nhất những người không đủ quyền xin tị nạn và tiến hành hồi hương những người tị nạn bất hợp pháp hay giúp họ được một quốc gia thứ ba chấp nhận. 
EU đang gồng hết sức để giải quyết khủng hoảng nhập cư
EU đang gồng hết sức để giải quyết khủng hoảng nhập cư 
“Vũ khí” đủ mạnh?
Thời gian qua, cuộc khủng hoảng nhập cư kéo dài đã làm lộ rõ những bất cập và sự thiếu hiệu quả của EU trong việc kiểm soát biên giới phía Nam cũng như đường biên giới bên ngoài của khối này. 
Trong bối cảnh một số quốc gia yêu cầu thắt chặt việc kiểm soát biên giới khu vực Schengen, EC đề xuất thành lập một lực lượng với khoảng 1.500 nhân viên, được trang bị hiện đại đủ khả năng giải quyết các tình huống khẩn cấp trong vòng 3 ngày. 
EC có quyền điều động lực lượng này tham gia bảo vệ biên giới mà không nhất thiết phải có sự đồng thuận của nước thành viên liên quan nhưng cần phải được sự thông qua của một Ủy ban gồm các chuyên gia của các nước thành viên EU. 
Về thực chất, đây chính là Cơ quan Bảo vệ Biên giới (FRONTEX) hiện tại của EU được đổi tên và củng cố lực lượng. Theo kế hoạch, đến năm 2020 lực lượng này sẽ được tăng thêm khoảng 100 biên chế và tăng ngân sách lên 322 triệu euro (FRONTEX hiện có 402 nhân viên với kinh phí 143 triệu euro); được tăng cường năng lực đánh giá cũng như xử lý nguy cơ phát sinh từ vấn đề nhập cư. 
Chuyên gia Elzbieta Kaca thuộc Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Ba Lan nhận định việc củng cố lực lượng bảo vệ biên giới sẽ góp phần nâng cao khả năng kiểm soát biên giới phía Nam châu Âu. Trong triển vọng dài hạn, nếu cuộc khủng hoảng nhập cư tiếp tục xấu đi, với ngân sách và lực lượng dần được tăng cường, lực lượng này có thể đạt được khả năng kiểm soát giống như lực lượng biên phòng một số nước thành viên khu vực biên giới bên ngoài của EU hiện nay. Điều này sẽ giúp EU kiểm soát tốt hơn biên giới khu vực Schengen. 
Mặc dù đánh giá về kết quả hoạt động của FRONTEX không được công khai hoặc giải thích đầy đủ trong các báo cáo thường niên, nhưng cơ quan này khẳng định trong các chiến dịch triển khai trên biển nhằm bảo vệ biên giới khu vực phía Nam châu Âu năm 2014, lực lượng này đã bắt giữ 217.776 người nhập cư bất hợp pháp. 
Nâng cao năng lực hoạt động của FRONTEX sẽ giúp tăng cường hiệu quả trong việc bảo vệ biên giới, nhất là trong hai lĩnh vực mà EC nhấn mạnh trong đề xuất. 
Thứ nhất, hiện FRONTEX đang gặp khó khăn trong việc triển khai nhiệm vụ tại các khu vực mà lượng người nhập cư tăng cao đột biến. Cho tới tháng 12 năm nay, FRONTEX vẫn đang cố gắng thuyết phục các nước thành viên EU bổ sung nhân sự, hiện mới đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu (mới được tăng cường thêm 448 nhân viên trong tổng số 775 người theo kế hoạch). 
Hơn nữa, do không chỉ lực lượng mà các hoạt động khác (huấn luyện, đào tạo…) và trang thiết bị đều cần phải thông qua đàm phán giữa các nước thành viên nên FRONTEX thường xuyên ở trong tình trạng thiếu nhân lực và phương tiện. 
Thứ hai, các chiến dịch hoạt động bao gồm hai lực lượng tham gia (lực lượng của EU và lực lượng của nước thành viên liên quan) sẽ phát sinh vấn đề trong việc xác định tiêu chuẩn chung trong hành động. Nhân sự của FRONTEX do các nước thành viên trong EU cử tham gia với trình độ, trang bị và cơ cấu tổ chức, hệ thống thông tin liên lạc khác nhau. 
Không chỉ vậy, rào cản về ngôn ngữ cũng là thách thức không nhỏ trong việc triển khai hoạt động hàng ngày. 
Theo chuyên gia Kaca, một trong những điểm quan trọng nữa trong đề xuất của EC là việc nâng cao năng lực của FRONTEX trong trục xuất người nhập cư bất hợp pháp. Điều này sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình vốn đang gặp nhiều rào cản. Các nước thành viên EU đang gặp khó khăn trong việc quyết định trục xuất hoặc gửi trả lại người nhập cư bất hợp pháp. 
Theo ước tính của EC, trong năm 2014, chỉ có khoảng dưới 40% trường hợp bị quyết định buộc phải rời khỏi EU đã thực sự rời khỏi khối này. Ngoài ra, quy trình trục xuất người nhập cư bất hợp pháp còn gặp một số khó khăn khác trong việc xác định thông tin cá nhân, FRONTEX đã hỗ trợ các nước thành viên EU thông qua việc tổ chức các chuyến bay chung cho những người bị trục xuất từ các nước của EU. 
Nhiều thách thức
Tuy nhiên, quá trình thành lập và đi vào hoạt động của EBCG cũng phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Trước hết, đề xuất gia tăng quyền hạn của EC trong việc triển khai lực lượng này can thiệp vào chủ quyền của các nước thành viên EU. 
Đề xuất đầy tham vọng của EC xuất phát từ thực tế là áp lực gia tăng từ người nhập cư khiến một số quốc gia thành viên như Hy Lạp không đủ khả năng bảo vệ một cách hiệu quả biên giới quốc gia. 
Vấn đề đã và đang gây tranh cãi nhiều nhất là đề xuất EC có thể triển khai lực lượng biên phòng mới này mà không cần sự đồng thuận của nước thành viên liên quan trong trường hợp cần thiết, theo quy trình được quy định trong luật pháp EU, nhằm bảo vệ lợi ích chung của toàn khối. Hiện việc bảo vệ biên giới là trách nhiện chung của EU và các nước thành viên. 
Chuyên gia Milos Balaaban của Czech cho rằng thách thức lớn thứ hai là quy mô của lực lượng này theo đề xuất của EC quá nhỏ để có thể đáp ứng yêu cầu bảo vệ biên giới khu vực Schengen ngày càng trở nên cấp thiết. 
Chuyên gia này đánh giá động thái của EC khá là kỳ lạ khi đề xuất thành lập một lực lượng chỉ có 1.500 người để bảo vệ đường biên giới dài vài nghìn ki lô mét, từ Bắc Âu xuống tận Địa Trung Hải. 
EU với 28 nước thành viên có lực lượng quân đội khoảng 2 triệu người với kinh phí 200 tỉ euro/năm. Làm phép so sánh thì thấy việc thành lập lực lượng biên phòng mới dường như là động thái mang tính biểu tượng hơn là khả năng thực sự trong việc bảo vệ biên giới. 
Với sức mạnh kinh tế nhất nhì trên thế giới và dân số khoảng nửa tỉ người, EU thực sự cần một lực lượng biên phòng lớn mạnh hơn. 
Mặc dù còn nhiều thách thức song nhìn chung dư luận Đông Âu cho rằng việc thành lập EBCG là bước đi tích cực của EU trong việc giải quyết khủng hoảng nhập cư, nhất là đáp ứng yêu cầu tăng cường bảo vệ biên giới bên ngoài của các nước trong khu vực, góp phần thu hẹp bất đồng nội khối…

Đọc thêm

Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ báo công và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương đọc Lời báo công dâng Bác. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, sáng 14/12, tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ báo công dâng Bác. Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó  Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì buổi lễ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sắp xếp tổ chức bộ máy phải chống lợi ích cá nhân

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan đề cao trách nhiệm, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. (Ảnh: VGP)
(PLVN) -  Ngày 12/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.

Gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm triển khai các giải pháp tháo gỡ cho các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh: VGP)
(PLVN) - Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo (gọi tắt là Nghị quyết).

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.