Làm rõ các tiêu chí sắp xếp đơn vị hành chính

Quang cảnh cuộc họp Hội đồng thẩm định.
Quang cảnh cuộc họp Hội đồng thẩm định.
(PLVN) - Để thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tạo cơ sở pháp lý thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp, trên cơ sở kết quả thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã thời gian qua, Chính phủ đang xây dựng dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp ĐVHC, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành.

5 tiêu chí sắp xếp đơn vị hành chính

Dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về sắp xếp ĐVHC do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo đã nêu 5 tiêu chí sắp xếp đối với ĐVHC cấp tỉnh và cấp xã, tiêu chí sắp xếp đối với ĐVHC cấp tỉnh và cấp xã bám sát các tiêu chí đã được Bộ Chính trị xem xét, thống nhất, gồm: Tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số; Tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc; Tiêu chí về địa kinh tế; Tiêu chí về địa chính trị; Tiêu chí về quốc phòng, an ninh.

Trong đó, tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số thực hiện sắp xếp đối với ĐVHC cấp tỉnh có diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số dưới 100% tiêu chuẩn của ĐVHC tương ứng quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của UBTVQH về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 của UBTVQH.

Tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc: ĐVHC cấp tỉnh có yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc tương đồng, bảo đảm khối đoàn kết gắn bó của cộng đồng dân cư; giữ gìn và phát huy văn hóa, lịch sử, dân tộc của mỗi địa phương.

Tiêu chí về địa kinh tế: ĐVHC cấp tỉnh có vị trí địa lý liền kề, điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, sự phân bố và tổ chức các không gian kinh tế, quy mô và trình độ phát triển kinh tế phù hợp nhằm bảo đảm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế của mọi địa phương, hỗ trợ lẫn nhau để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của ĐVHC sau sắp xếp.

Tiêu chí về địa chính trị: Cân nhắc kỹ các yếu tố về trình độ, năng lực quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương, mức độ chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ thông tin của chính quyền địa phương và người dân.

Tiêu chí về quốc phòng, an ninh: Việc sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, đặc biệt xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc tại các địa bàn trọng yếu, khu vực đảo, quần đảo và vùng biên giới.

Dự thảo Nghị quyết cũng quy định tiêu chí xác định ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp gồm ĐVHC cấp xã có diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn của ĐVHC tương ứng quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC. Cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, liên kết tiểu vùng, vùng tỉnh, quy mô, trình độ phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự xã hội, hạ tầng giao thông và công nghệ thông tin phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, các ĐVHC có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối thuận lợi với các ĐVHC liền kề; có vị trí đặc biệt quan trọng nếu thực hiện sắp xếp sẽ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh và việc bảo vệ chủ quyền quốc gia thì không bắt buộc sắp xếp.

Tại cuộc họp Hội đồng thẩm định dự thảo Nghị quyết do Bộ Tư pháp tổ chức dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh vào ngày 28/3, nhiều thành viên Hội đồng thẩm định đã quan tâm góp ý đến các tiêu chí. Trong đó, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (TANDTC) Nguyễn Văn Tùng đề nghị, hết sức cân nhắc các trường hợp mà không bắt buộc sắp xếp bởi tiêu chí biệt lập tổ chức giao thông thì thời buổi phát triển thì ngay cả cấp xã cũng không có đánh giá tiêu chí này. Đồng thời, theo ông Tùng, cũng nên cân nhắc tiêu chí về quốc phòng, an ninh.

Chỉ nên khuyến khích việc đặt tên xã, phường sau sắp xếp

Về đặt tên xã, phường sau sắp xếp, dự thảo Nghị quyết đề xuất, khuyến khích đặt tên của xã, phường theo số thứ tự hoặc theo tên của ĐVHC cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin. Khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các ĐVHC trước khi sắp xếp; tên gọi của ĐVHC có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và đã được Nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ.

Tên của xã, phường mới sau sắp xếp không được trùng với tên của ĐVHC cùng cấp hiện có trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc phạm vi tỉnh, thành phố dự kiến thành lập theo định hướng sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cũng tại cuộc họp thẩm định dự thảo Nghị quyết, góp ý các quy định về đặt tên xã, phường sau sắp xếp, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật và Tư pháp (Văn phòng QH) Nguyễn Thị Hồng Chương ghi nhận dự thảo Nghị quyết đã có những nghiên cứu mới, tức là có thể đặt tên theo số để dễ cho việc số hóa sau này. Nhưng qua tham khảo dư luận trên mạng xã hội, bà Chương cho biết nhiều ý kiến rất băn khoăn như đặt tên Vinh 1, Vinh 2, Vinh 3 hoặc Cửa Lò 1, Cửa Lò 2, Cửa Lò 3... thì thực ra khó định danh mà lại không có yếu tố lịch sử truyền thống. Bà Chương khuyến nghị là nên có những nguyên tắc khuyến khích để địa phương xem xét, nghiên cứu phương án tốt nhất, chứ không nên áp đặt và cũng không nhất thiết phải số hóa cấp tập sẽ rất khô cứng và không có ý nghĩa.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá, dự thảo Nghị quyết đã bảo đảm thể chế hóa được, chấp hành được các chủ trương, chính sách của Đảng, các chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư tại các Kết luận 126, 127, các kết luận có liên quan về sắp xếp ĐVHC. Thay mặt Hội đồng thẩm định, Thứ trưởng nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết, nhận thấy dự thảo Nghị quyết cơ bản phù hợp với chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 18, các Kết luận 126, 127, Kết luận 30 của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư về chủ trương sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Đối với việc đặt tên, theo Thứ trưởng, nên quy định thứ tự ưu tiên. Ví dụ, nên khuyến khích sử dụng một trong những tên gọi đã có của các ĐVHC trước khi sắp xếp hoặc là ưu tiên những tên gọi có giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa, đã được Nhân dân đồng tình ủng hộ; những tên gọi góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc... Còn những tên gọi của xã, phường sau sắp xếp để dễ quản lý, số hóa... nên xếp sau nguyên tắc trên.

Riêng về tiêu chí sắp xếp, Thứ trưởng Oanh đồng tình dự thảo nên quy định các tiêu chí, bởi đây là nghị quyết quy định về sắp xếp ĐVHC. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, nên có quy định về mặt nguyên tắc để khẳng định là ngoài các quy định của Nghị quyết này, sẽ có các quy định của Đảng, các kết luận định hướng khác của Đảng thì áp dụng theo các quy định đó hoặc là có thể được giảm bớt các điều kiện, tiêu chuẩn nhằm bảo đảm cho các cơ quan thực hiện được thuận lợi và phù hợp với thực tiễn. Nhất trí cơ bản với các tiêu chí của dự thảo Nghị quyết, Thứ trưởng đề nghị tiếp tục hoàn thiện sao cho không gây khó khăn cho các cơ quan, địa phương khi thực hiện.

* Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và Công vụ, Văn phòng Chính phủ Bùi Công Quang: Không nên đặt ra những vấn đề mang tính học thuật trong việc đặt tên

Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và Công vụ, Văn phòng Chính phủ Bùi Công Quang.

Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và Công vụ, Văn phòng Chính phủ Bùi Công Quang.

Để triển khai các chỉ đạo của Trung ương, dự thảo Nghị quyết không nên đặt ra những vấn đề mang tính học thuật, tiếp tục phải bàn bạc trong việc đặt tên. Nếu quy định như dự thảo Nghị quyết thì thư từ các cụ lão thành rồi tất cả bà con góp ý rất nhiều, tư vấn để sắp xếp cũng rất nhiều và cách thức đặt tên cũng vô cùng đa dạng.

Ngày nào chúng tôi cũng phải báo cáo Thủ tướng đã chuyển cho Bộ Nội vụ nghiên cứu ý kiến từ các cụ lão thành. Thực ra đây đang là câu chuyện chính, một sự kiện chính trị rất lớn của đất nước. Cho nên việc quan tâm của người dân là rất đúng và rất cần thiết.

* Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (TANDTC) Nguyễn Văn Tùng: Ưu tiên tiêu chí lịch sử, bản sắc

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (TANDTC) Nguyễn Văn Tùng.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (TANDTC) Nguyễn Văn Tùng.

Về tên gọi sau sáp nhập, tôi nhất trí là cần có tiêu chí nhưng nên kế thừa những quy tắc đã có, không mở rộng thêm. Khi TANDTC soạn thảo quy định về Tòa án khu vực, cũng có ý kiến là đề nghị đánh theo số nhưng mà lúc đó chưa có chủ trương sáp nhập tỉnh thì nghĩ là chỉ có mấy số thôi. Các thành viên Hội đồng kiến nghị lấy số La Mã, bây giờ mà theo số La Mã là lại không làm được, bởi nhập 3 tỉnh vào rồi thì đến số hai mươi mấy, ba mươi mấy chẳng hạn thì rất khó. Đây là vấn đề chúng tôi sẽ phải sửa lại trong thời gian tới.

Quay trở lại với tên tỉnh, tên xã, trên truyền thông có rất nhiều ý kiến liên quan. Do vậy, chúng ta nên quy định tiêu chí về lịch sử, về đặc thù, về bản sắc và sau đó mới sang tiêu chí về số hóa.

* Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Nguyễn Cao Viên: Cần bảo đảm tốt chất lượng đô thị và tính chất đô thị hóa

Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Nguyễn Cao Viên.

Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Nguyễn Cao Viên.

Về nguyên tắc sắp xếp ĐVHC, tại khoản 2 Điều 6 dự thảo Nghị quyết về các phường mới sắp xếp có đồng thời diện tích tự nhiên từ 35km2 và 50.000 người trở lên thì Bộ Xây dựng cũng đề nghị đối với khu vực phường cũng đã coi là khu đô thị, tức là khu tập trung đông người thì có thể bổ sung mật độ dân số và đối với miền núi cũng bổ sung tiêu chuẩn về mật độ dân số. Đối với trường hợp sắp xếp các ĐVHC cấp xã từ 4 đơn vị trở lên thì có thể đây là xem khu vực phường, dân số phường hiện hữu và lớn hơn khu vực xã hiện hữu. Tức là quy định thêm một điều kiện để bảo đảm tốt chất lượng đô thị và tính chất đô thị hóa.

T.Hoàng

Tin cùng chuyên mục

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith

Chiều 28/4, tại tỉnh Hà Tĩnh, Chủ tịch nước Lương Cường đã tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith nhân dịp đồng chí đến Việt Nam dự Lễ khánh thành bến số 3 - Cảng Vũng Áng - một trong những công trình quan trọng kết nối kinh tế giữa hai nước và dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đọc thêm

Lâm Đồng có tân Bí thư Tỉnh ủy

Lâm Đồng có tân Bí thư Tỉnh ủy
(PLVN) - Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội được Bộ Chính trị điều động, phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Quảng Trị

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Trị thỉnh chuông tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.
(PLVN) -  Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), ngày 27/4, đoàn công tác Trung ương do Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dẫn đầu đã thực hiện các hoạt động tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại tỉnh Quảng Trị.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một

Dân tộc Việt Nam đã phải đối mặt với muôn vàn gian khổ, hy sinh, mất mát nhưng chưa bao giờ, ý chí về một nước Việt Nam độc lập, thống nhất bị lay chuyển.
"Nếu như thế hệ cha anh đã khắc ghi chân lý "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một" bằng những hy sinh mất mát, thì thế hệ hôm nay phải biến lý tưởng đó thành động lực phát triển, thành đôi cánh vươn lên trong thời đại mới", Tổng Bí thư Tô Lâm nhắn gửi trong bài viết với tiêu đề: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một".

Tổng duyệt diễu binh, diễu hành mừng đại lễ 30/4 tại TP HCM

Tổng duyệt diễu binh, diễu hành mừng đại lễ 30/4 tại TP HCM

(PLVN) - Buổi tổng duyệt diễu binh, diễu hành cấp Nhà nước diễn ra sáng nay, 27/4. Trời TP HCM phong quang, gió nhẹ. Các đoàn, khối lần lượt tiến qua lễ đài chính, trực thăng mang theo cờ Tổ quốc bay lượn và tiêm kích trổ tài trên bầu trời trong ánh mắt đầy ngưỡng mộ, tự hào của hàng vạn người dân và du khách có mặt tại TP HCM, cũng như ánh mắt của muôn người Việt theo dõi qua màn hình ở khắp mọi miền đất nước và nước ngoài...

Đại tướng Phan Văn Giang phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Đại tướng Phan Văn Giang phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
(PLVN) -Tối 26/4, trong không khí hân hoan của cả nước hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh (27/4/1975 – 27/4/2025). Đại tướng Phan Văn Giang – Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.

Không khí hào hùng nhắc nhớ những ngày tháng 4 lịch sử ở TP HCM

TP HCM khoác lên mình chiếc áo rực rỡ của sắc đỏ, sắc vàng – màu cờ Tổ quốc ngập tràn trên mọi con đường, góc phố.
(PLVN) - Những ngày cuối tháng Tư, mọi con đường, góc phố TP HCM khoác lên mình chiếc áo rực rỡ của sắc đỏ, sắc vàng – màu cờ Tổ quốc. Trong không khí kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, rất nhiều hình ảnh nhắc nhớ về một thời hào hùng của dân tộc...

Thủ tướng chỉ đạo giữ nguyên thời hạn khởi công hai 'siêu dự án' đường sắt

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ mục tiêu không thay đổi là phải khởi công dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2025 và khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong năm 2026 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
(PLVN) - Mục tiêu không thay đổi là phải khởi công dự án Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2025 và khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong năm 2026. Trong quá trình triển khai, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị "thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa"...

Sẽ bỏ Thanh tra Bộ, tổ chức cơ quan thanh tra theo 2 cấp

Quang cảnh Phiên họp ngày 26/4. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)
(PLVN) - Nhằm triển khai thực hiện Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra theo hai cấp ở Trung ương và địa phương, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) lược bỏ hoàn toàn quy định về Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra sở, Thanh tra huyện.