Tàn bạo, dã man hơn Quảng Thị Kim Hoa
Xem video clip trên mạng, dư luận thấy vụ việc ở nhà trẻ Phương Anh tái hiện lại hình ảnh của những gì đã xảy ra trong vụ Quảng Thị Kim Hoa ở Đồng Nai cách đây hơn 5 năm.
Cũng với những hành động hết sức dã man như tát , đấm , đưa đầu trẻ vào thùng nước như Quảng Thị Kim Hoa , nhưng lần này hai “bảo mẫu” Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý còn thực hiện quyết liệt hơn, tàn bạo hơn . Nhìn những đứa trẻ bị hai “bảo mẫu” này hành hạ cứ tròn xoe mắt ngơ ngác, không hiểu vì sao mình bị đối xử tàn bạo như vậy, tôi cảm thấy lòng đau nhói .
Điều bất ngờ với dư luận xã hội là “bảo mẫu” Phương không phải là tay ngang mà là người có học thức, được đào tạo trường lớp về chuyên ngành mầm non. Vậy mà họ ra tay tàn bạo, không một chút tình người và phần nào đó còn dã man hơn Quảng Thị Kim Hoa. Điều này quả thật là một sự kỳ lạ. Nhưng nếu bình tĩnh nhìn lại những gì đã xảy ra trong hệ thống nhà trẻ tư thục, lớp trẻ mầm non từ khi được xã hội hóa đến nay, sẽ không khó lý giải.
|
Những hình ảnh hành hạ trẻ em dã man của "bảo mẫu" nhà trẻ Phương Anh |
Hành vi tàn ác của hai “bảo mẫu” rồi đây sẽ bị pháp luật xử lý thích đáng. Theo quy định của điều 110 BLHS với tình tiết định khung tăng nặng là “hành hạ với người già, trẻ em, phụ nữ có thai” với mức hình phạt có thể lên đến 3 năm tù.
Pháp luật xử lý rất nghiêm minh, những bản án dành cho những “bảo mẫu” dạng này không phải là nhẹ, thế nhưng tại sao vẫn cứ xảy ra? Đây là một câu hỏi cần phải có lời giải ngay lập tức.
Lỗi do tư duy quản lý “cắt khúc”
Ở góc độ luật sư, tôi cho rằng, để liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc “bảo mẫu” hành hạ trẻ em xảy ra trong thời gian qua là do lỗi từ công tác quản lý nhà nước, tư duy nhận thức của người được giao chức trách, cơ chế vận hành… Tóm lại đó là lỗi của hệ thống, chứ không riêng gì của kẻ đã thực hiện hành vi phi nhân tính.
Theo Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục ban hành kèm theo Quyết định số 41 /2008/QĐ/BGDĐT ngày 25 tháng 7 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại điều 5 quy định: “1. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã) quản lý nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn. 2. Phòng giáo dục và đào tạo giúp Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp huyện) thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn”.
Trong khi cấp phường xã không đủ nhân sự (và cả trình độ chuyên môn, năng lực) để quản lý thì được giao làm việc quản lý cái gốc, còn Phòng giáo dục thì quản lý phần ngọn (quản lý chuyên môn). Mỗi người chịu trách nhiệm “một chút” nên thành ra không ai chịu trách nhiệm hết.
Trong vụ nhà trẻ Phương Anh, theo lý giải của chính quyền địa phương, họ biết rõ nhà trẻ này hoạt động không phép, đã từng ra quyết định xử phạt nhưng vẫn để cho tồn tại, treo biển hoạt động. Nếu đúng như người có trách nhiệm trình bày thì càng đáng trách hơn. Bởi lẽ, biết rõ nhà trẻ không phép mà vẫn cho tồn tại và hoạt động giữ 22 trẻ, trong thời gian cả năm trời là điều không thể chấp nhận được.
Họ nhận thức như thế nào mà lại hành xử như vậy? Nhà nước trao quyền, chức trách cho họ nhưng họ lại thờ ơ, vô cảm với sinh mạng của hàng chục đứa trẻ nuôi giữ trái phép như vậy? Nếu không có báo chí vào cuộc cùng sự bức xúc của dư luận thì nhà trẻ này còn hoạt động đến khi nào và còn bao nhiêu đứa trẻ vô tội bị hành hạ nữa? Tư duy quản lý nhà nước và sự vận hành quyền lực của hệ thống chính quyền, đoàn thể của phường Hiệp Bình Phước rõ ràng là có vấn đề. Xa hơn, trách nhiệm của Phòng Giáo dục quận Thủ Đức, cơ quan tham mưu cho UBND quận về lĩnh vực giáo dục trên địa bàn đến đâu? Ngành Giáo dục cũng không thể vô can trong vụ việc này.
Góp phần vào việc đào tạo ra những “bảo mẫu” thừa bạo lực, thiếu lương tâm, có phần của chương trình đào tạo chuyên ngành mầm non của các trường đại học. Thật sự giật mình với lời thú nhận của một vị hiệu phó trường Đại học Sài Gòn (nơi “bảo mẫu” Lê Thị Đông Phương theo học đại học chuyên ngành mầm non), trong ngành đào tạo giáo viên mầm non không có nội dung giảng dạy về đạo đức nghề nghiệp cho "bảo mẫu" tương lai. Vậy thì họ dạy gì?
Để không còn chứng kiến những cảnh tượng đau lòng như thế này, cần phải thay đổi ngay cách tư duy quản lý “cắt khúc”, cần quy về một đầu mối. Những bài học đau lòng kiểu Quảng Thị Kim Hoa, Lê Thị Đông Phương cứ rút ra mãi mà vẫn không thuộc thì sẽ còn bao nhiêu đứa trẻ vô tội bị hành hạ, bao nhiêu ông bố bà mẹ phải thắt ruột khi chứng kiến cảnh con mình bị hành hạ được tung lên mạng? Có ai dám chắc rằng vụ nhà trẻ Phương Anh là trường hợp cuối cùng và ai dũng cảm đứng ra nhận trách nhiệm và xin từ chức vì chuyện này?
Luật sư Nguyễn Văn Đức, Công ty Luật Kinh Luân