Nhiều hành vi nguy hiểm đang bị bỏ lọt
Theo báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, tình hình tội phạm nhìn chung vẫn diễn biến hết sức phức tạp với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Số lượng tội phạm luôn có xu hướng gia tăng cả về quy mô và tính chất.
Đáng lo ngại là một số hành vi có tính chất nguy hiểm cho xã hội nhưng chưa được quy định trong BLHS. Điển hình có thể kể tới một số hành vi như hành vi bảo kê, đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen; hành vi buôn bán người với mục đích bóc lột lao động; hành vi lạm dụng lao động trẻ em, đối xử tàn tệ để bóc lột sức lao động trẻ em; hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực để đe dọa người mang thai phải loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính; hành vi thành lập hoặc tham gia vào tổ chức tội phạm; hành vi chiếm đoạt, mua bán trái phép mô tạng, các bộ phận cơ thể người, thai nhi; hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ do người đi bộ tham gia giao thông thực hiện; các hành vi liên quan đến bảo hiểm xã hội…
Bức tranh diễn biến tội phạm cũng cho thấy các tội xâm phạm trật tự, an toàn xã hội có tính chất bạo lực gia tăng, thể hiện thái độ coi thường pháp luật của người phạm tội. Đó là các nhóm tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người; nhóm tội phạm xâm phạm sở hữu; nhóm tội phạm về ma túy; nhóm tội phạm xâm phạm trật tự công cộng, trật tự quản lý hành chính.
Ở các lĩnh vực khác, tình hình vi phạm pháp luật cũng diễn ra hết sức phức tạp. Trong đó nổi lên một số loại vi phạm như vi phạm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; vi phạm trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, cạnh tranh;vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng điện; vi phạm trong xây dựng, trong quản lý, sử dụng đất đai; vi phạm trong lĩnh vực thông tin, báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông; vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội…
Nên hình sự hóa một số hành vi nguy hiểm
Để đáp ứng toàn diện, đầy đủ hơn yêu cầu phòng chống tội phạm trong tình hình mới, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng, cần thực hiện việc hình sự hóa một số hành vi nguy hiểm cao cho xã hội thường xảy ra trong thời gian vừa qua. Như hành vi bóc lột sức lao động trẻ em; hành vi thành lập hoặc tham gia vào tổ chức tội phạm; hành vi chiếm đoạt, mua bán trái phép mô tạng, các bộ phận cơ thể người, thai nhi; hành vi không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; hành vi tham ô, lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội của người lao động hoặc giả mạo hồ sơ để hưởng bảo hiểm xã hội;
Theo đại diện UBND TP.HCM, cần xem xét, bổ sung thêm những tội phạm mới trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng có nhiều nghiệp vụ phức tạp trong quá trình hoạt động kinh doanh, quản lý… nhưng BLHS chỉ mới có 01 điều luật (Điều 179) quy định xử lý vi phạm cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Theo ý kiến của đại biểu này, cần bổ sung việc xử lý hình sự đối với trường hợp vay, mượn tài sản, tiền với số lượng lớn, sau đó sử dụng vào việc ăn chơi, tiêu xài hoang phí dẫn đến không có khả năng trả nợ gây hậu quả nghiêm trọng cho người có tài sản cho vay.
Vì theo quy định của BLHS hiện hành, trường hợp này không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ, vì việc dùng tiền vay, mượn để ăn chơi, tiêu xài… không phải “sử dụng vào mục đích bất hợp pháp” (Điều 140)…
Ngoài ra, cần nghiên cứu và hình sự hóa hành vi mua bán dâm giữa những người đồng tính, đồng thời nghiên cứu bổ sung chủ thể của tội hiếp dâm bao gồm cả nam và nữ; bổ sung xử lý đối với những hành vi tàng trữ, sử dụng vũ khí nguy hiểm (súng tự tạo, súng săn…) không phải là vũ khí quân dụng tại những nơi công cộng.
Đại diện Bộ Công an thì đề nghị nghiên cứu hình sự hóa một loạt hành vi sau: Hành vi tổ chức lập hội trái phép; hành vi kêu gọi xóa bỏ hoặc thay đổi Hiến pháp; hành vi đe dọa có bom, mìn trên các phương tiện giao thông; hành vi ném chất bẩn vào trụ sở các cơ quan nhà nước, tổ chức hoặc chỗ ở của công dân; hành vi gây rối, cố ý làm lộ bí mật đời tư; hành vi thông thầu, mua bán thầu; huy động vốn trái phép dẫn đến mất khả năng thanh toán; hành vi thi hộ, thi kèm, tổ chức thi hộ, thi kèm; hành vi vượt biên giới để đánh bạc; hành vi không chấp hành hiệu lệnh của người đang thi hành công vụ...