Với sự tập trung dày đặc các cơ sở y tế, trường học lớn ở đây, độ phức tạp của tình hình trật tự an toàn giao thông và trật tự đô thị từng là nỗi ám ảnh đối với nhiều người.
VSATTP uy hiếp phác đồ điều trị
Hơn 6 tháng trước đây, dọc hai bên con đường này la liệt những gánh hàng rong, những bãi xe ôm giống như một khu chợ tự phát. Hàng rong bán đủ loại, từ thức ăn cho đến quần áo, cung cấp nhu yếu phẩm cho người bệnh và người nuôi bệnh; đội ngũ xe ôm hùng hậu tất nhiên là đáp ứng nhu cầu đi lại cũng của những người thăm, nuôi bệnh.
Phó giám đốc bệnh viện Nhân dân 115, TS. BS. Nguyễn Đình Phú cho biết: “Trước đây người dân buôn bán tấp nập, ngồi hai bên lề đường khá lộn xộn. Ngoài viêc mua bán ồn ào còn phát sinh thêm những tranh giành giữa những người bán hàng với nhau. Không ít trường hợp xô xát đã xảy ra, gây mất an ninh trật tự. Ngoài ra, cánh xe ôm cũng tranh giành khách lẫn nhau khiến tình hình trật tự đã xấu lại càng xấu thêm.”.
Con đường vốn đã hẹp, riêng lượng xe ra vào thường xuyên với cường độ cao đã đủ chóng mặt lại còn thêm cảnh người mua kẻ bán gây mất trật tự. Ngay cả xe cấp cứu nhiều khi cũng bị cản trở lưu thông. “Tình hình an toàn giao thông lúc bấy giờ là đáng báo động” - PGS. TS. Ngô Minh Xuân, phó hiệu trưởng đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết.
Giao thông, an ninh trật tự đã thế, tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) lại càng nóng bỏng hơn. VSATTP tại vỉa hè này uy hiếp cả bệnh viện lẫn trường đại học. PGS. TS. Ngô Minh Xuân cho biết ngay cả sinh viên trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng từng bị ngộ độc thực phẩm do ăn phải thực phẩm kém VSATTP nơi đây.
Ở Bệnh viện 115 thì tình hình còn xấu hơn. Nhiều người nhà bệnh nhân tiện đâu mua đó. Người nuôi bệnh ăn uống thực phẩm không rõ nguồn gốc, bị ngộ độc đã đành, người bệnh cũng được cho ăn uống thực phẩm đó, làm ảnh hưởng đến phác đồ điều trị của bác sĩ.
Bs Nguyễn Đình Phú lấy ví dụ bệnh nhân bị bệnh tiểu đường mà người nhà lại mua nước ngọt cho bệnh nhân uống. Mà nước ngọt thì đầy hóa chất trong đó. Không ít trường hợp phát sinh tai biến y khoa là từ nguyên nhân này mà ra.
Về ô nhiễm tiếng ồn thì con đường này có lẽ đứng đầu thành phố về tỷ lệ. Lý do là khu vực bệnh viện nên cấm còi xe. Cách đây 2 năm, đã hơn chục lần chúng tôi quan sát tiếng còi xe tại đây. Từ đầu đường đến cuối đường, đi với tốc độ 15 km/h, ít nhất là phải nghe khoảng chục lượt tiếng còi xe..
Tuyến đường này là một trong những khu vực trọng điểm được Quận 10 xác định là phức tạp về tình trạng buôn bán hàng rong, xe đẩy, để dù bạt, bàn ghế, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường và đậu xe ô tô, mô tô mất trật tự dưới lòng đường… gây ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị mà nhiều năm có chấn chỉnh nhưng chưa giải quyết triệt để.
Toàn cảnh tuyến đường nội bộ Bệnh viện 115 – Viện tim. Ảnh: Võ Anh Tuấn |
Đường thông hè thoáng
Từ cuối tháng 09/2015, UBND quận 10 triển khai “Kế hoạch về xây dựng tuyến đường trước bệnh viện 115 và Viện Tim “Văn minh, mỹ quan đô thị””. Kế hoạch này đã huy động nhiều lực lượng với quyết tâm cao của tập thể Ban Thường vụ Quận ủy và cả hệ thống chính trị từ quận đến cơ sở.
Ông Nguyễn Tấn Mỹ, trưởng phòng Quản lý đô thị UBND quận 10 cho biết “Toàn hệ thống đã tập trung lãnh đạo, triển khai thực hiện nhiều giải pháp như thành lập các tổ công tác chỉ đạo và các nhóm công tác chuyên đề: tuyên truyền, vận động, sắp xếp, tạo cảnh quan, chốt chặn, kiểm tra xử lý… gắn với các tiêu chí xây dựng tuyến đường “Văn minh - sạch đẹp - an toàn”.”.
Theo quan sát của phóng viên, hiện nay tình trạng xe ôm đã được cải thiện. Bên cạnh những nhóm xe ôm tự phát đang dần thu hẹp thì đã có những đội xe ôm tự quản đeo băng đỏ “Đội xe ôm tự quản”. Ngay cả nhóm xe ôm tự phát thì trật tự cũng đã khá ổn định. Xéo cổng Viện Tim, một anh trong nhóm xe ôm tự phát cho biết “Bây giờ mà lớ quớ là bị hốt về phường liền”. Ý anh nói là nếu tranh giành như trước là sẽ bị đưa về phường.
Toàn tuyến đã đảm bảo đường thông, hè thoáng và mỹ quan đô thị. Hai bên đường đã được lắp đặt các thùng rác công cộng. Mảng xanh được cải tạo nhằm tạo mỹ quan. Các hộ buôn bán, kinh doanh được sắp xếp tương đối ổn định, cơ bản có nề nếp, không còn tình trạng buôn bán hàng rong lấn chiếm lòng, lề đường, tụ tập gây mất trật tự đô thị, gây mất vệ sinh môi trường như trước đây.
Tại đây luôn có chốt trực của cơ quan chức năng để đảm bảo trật tự an toàn giao thông và trật tự đô thị. Trong khoảng 1 giờ đồng hồ quan sát, phóng viên thấy có đến 3 lượt cảnh sát giao thông đi tuần trên toàn tuyến.
“Tình hình trật tự an toàn giao thông và trật tự đô thị như hôm nay là khá tốt.”, TS. BS. Nguyễn Đình Phú cho biết. Tuy nhiên, về lâu về dài thì cũng còn nhiều trăn trở. Đặc điểm của cộng đồng người tham gia vào trật tự đô thị ở đây là không thuần nhất và không ổn định. Vì không chỉ có dân đô thị bản địa mà còn có lượng rất lớn là người bệnh, người thăm và nuôi bệnh ở các nơi khác đến. Và tất nhiên họ lưu trú ngắn hạn và thay đổi với tần số cao. Bởi thế phương án giáo dục ý thức cho người dân không phải là giải pháp tối ưu.
“Duy trì được như hiện trạng là cả một vấn đề lớn. Không rõ là sau khi kết thúc kế hoạch, lực lượng của cơ quan chức năng rút đi thì tình hình sẽ ra sao”, PGS. TS. Ngô Minh Xuân, phó hiệu trưởng đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch băn khoăn.
Về lâu dài, chủ tịch UBND quận 10, ông Nguyễn Đức Trọng cho biết: “Việc kiên quyết lập lại trật tự lòng lề đường khu vực này hoàn toàn không phải siết hoạt động buôn bán bình thường của người dân mà là Quận 10 tổ chức, sắp xếp lại để hướng đến an toàn, mỹ quan và văn minh đô thị cho khu vực. Đây là việc làm cần thiết, hợp lòng dân nên Ban Thường vụ Quận ủy đã quán triệt bằng mọi giá phải làm cho tốt, không làm kiểu “bắt cóc bỏ dĩa.”.