Đề nghị xử phạt hành chính với hành vi lừa dối kết hôn, ly hôn
Báo cáo những vấn đề xin ý kiến Ban soạn thảo, ông Nguyễn Thắng Lợi, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp cho biết, hiện còn hai loại ý kiến về phạm vi sửa đổi. Ý kiến thứ nhất cho rằng chỉ nên sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến hoạt động công chứng và lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Ý kiến thứ hai đề nghị sửa đổi, bổ sung 2 lĩnh vực trên và trong quá trình lấy ý kiến đóng góp với dự thảo Nghị định nếu phát sinh các nội dung khác thì xem xét sửa đổi bổ sung theo ý kiến góp ý.
Về hoạt động công chứng, cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị quy định hành vi “Không được cấp phép hành nghề dịch thuật mà vẫn thực hiện việc dịch giấy tờ để công chứng” vào dự thảo Nghị định. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến trái chiều cho rằng theo quy định của điều 61 Luật Công chứng sửa đổi thì công chứng viên phải kiểm tra và giao cho người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình (có đủ điều kiện làm cộng tác viên) để dịch. Mặt khác dịch thuật không phải là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện (không phải cấp phép hành nghề). Do đó, không có cơ sở để quy định hành vi nói trên vào dự thảo để xử phạt.
Trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, theo ông Nguyễn Thắng Lợi, dù Luật hôn nhân và gia đình quy định bổ sung một số hành vi bị cấm (tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn; yêu sách của cải trong kết hôn; hành vi lợi dụng việc kết hôn để xuất nhập cảnh…) tuy nhiên theo Thanh tra Bộ Tư pháp chỉ cần sửa đổi, bổ sung những hành vi chưa được quy định để xử phạt, đó là các hành vi lừa dối kết hôn; lừa dối ly hôn; yêu sách của cải trong kết hôn. Bởi, một số hành vi khác đã được quy định tại các văn bản pháp luật khác đang còn hiệu lực.
Đặc biệt, về biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi “chung sống như vợ chồng” hiện có hai loại ý kiến. Ý kiến thứ nhất cho rằng cần phải quy định biện pháp khắc phục hậu quả “buộc những người chung sống như vợ chồng trái pháp luật chấm dứt hành vi vi phạm”, không để hành vi trái pháp luật được duy trì. Loại ý kiến thứ hai cho rằng không cần thiết phải quy định biện pháp khắc phục hậu quả đối với trường hợp này.
Quy định phải đảm bảo tính khả thi
Cho ý kiến vào dự thảo Nghị định, không ít thành viên Ban soạn thảo tỏ rõ sự băn khoăn khi phạm vi dự thảo chỉ “gói” trong Luật công chứng và Hôn nhân gia đình sửa đổi. Ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật nêu vấn đề “nếu Nghị định 110 sau thời gian triển khai có những vướng mắc bất cập có sửa đổi không thì phải tính toán cho kỹ”. Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Tống Thị Thanh Nam đồng tình “phải rà soát lại xem có những vấn đề gì bất cập sau 10 tháng Nghị định 110 có hiệu lực để tránh việc sửa rồi sửa nữa”.
Về việc bổ sung 1 số hành vi bị xử phạt, nhiều thành viên Ban soạn thảo cũng e ngại vì nếu không mô tả rõ hành vi thì rất khó áp dụng trên thực tế, ví dụ như hành vi yêu sách của cải trong kết hôn, lừa dối kết hôn.. Một số ý kiến cũng đề nghị không nên quy định về biện pháp khắc phục hậu quả với hành vi “chung sống như vợ chồng”, vì sẽ khó đảm bảo tính khả thi (mà chỉ cần xử phạt hành chính là đủ). Đặc biệt, theo đại diện Vụ Pháp luật hành chính hình sự thì đặc thù trong lĩnh vực hôn nhân gia đình có cả yếu tố dân sự và không phải hành vi nào cũng đem ra xử phạt.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền, Trưởng ban cho rằng, việc sửa đổi Nghị định 110/CP là cần thiết, trong bối cảnh Quốc hội vừa ban hành nhiều Luật mới sắp có hiệu lực thi hành, Chính phủ cũng ban hành nhiều Nghị định hướng dẫn thi hành. “Cần có đánh giá quá trình triển khai Nghị định 110/CP nếu có những vấn đề nổi cộm thì cần đề xuất sửa đổi”, Thứ trưởng yêu cầu.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng lưu ý, phải rà soát các văn bản pháp luật liên quan xem cần bổ sung những hành vi nào, đối với một số hành vi đề nghị xử phạt phải mô tả để áp dụng thuận lợi trong thực tiễn. Đặc biệt cái gì thuộc lĩnh vực dân sự thì để pháp luật dân sự điều chỉnh mà không nên hành chính hóa các quan hệ dân sự.
Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với việc đòi hỏi về mặt vật chất một cách quá đáng, không nhân nhượng và coi đó là điều kiện để được kết hôn nhằm cản trở hôn nhân tự nguyện giữa đôi bên nam, nữ.
Phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng đối với một trong những hành vi cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn.
Phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng việc kết hôn để xuất, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của nhà nước hoặc để đạt mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình.
(Trích dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 110/CP)