Truy sát mẹ lẫn chị dâu
Khoảng 13h50 ngày 1/9, một người dân thôn Thượng Lộc sang nhà bà Vũ Thị Tỉnh để rủ bà này đi viếng đám ma thì phát hiện bà Tỉnh đã tử vong với nhiều vét chém trên người. Bên cạnh thi thể bà Tỉnh là người con dâu tên Nguyễn Thị Tuyết Trinh (SN 1968) đang nằm thoi thóp, trên người cũng có nhiều vết thương chí mạng. Thấy vậy, người này vội báo cho mọi người xung quanh để đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Vụ việc đã được người dân thông báo lên cơ quan, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Phúc Thọ đã có mặt tại hiện trường xảy ra vụ án. Vì khi sự việc xảy ra hoàn toàn không có tiếng cãi cọ hay kêu cứu gì nên những người dân xung quanh không biết sự việc và không kịp đến can ngăn.
Qua điều tra xác minh tại hiện trường, cũng như từ lời khai của nạn nhân còn sống sót, hung thủ nhanh chóng được xác định là Bùi Minh Đạt (SN 1978). Điều này khiến mọi người hết sức bất ngờ vì hai nạn nhân trong vụ án này lại chính là mẹ đẻ và chị dâu của Đạt.
Được biết, trước khi xảy ra vụ việc thương tâm trên giữa Đạt và bà Tỉnh cũng thường xuyện xảy ra cãi vã. Đạt cũng nhiều lần dọa dẫm, chửi bới mẹ mình nhưng không ai dám nghĩ là hắn lại đang tâm ra tay thật.
Ông Bùi Văn Khương (Trưởng thôn Thượng Lộc) cho biết: “Trước đây có nghe người dân nói có lần Đạt đã tự tay đi mua một con dao về rồi đặt lên bàn thờ bố. Đồng thời nó (tức Đạt-PV) cũng tuyên bố sẽ dùng con dao đó để giết mẹ và một vài người nữa trong gia đình mình. Bản thân tôi và hàng xóm đã nhiều lần đến khuyên can Đạt, mong nó suy nghĩ mọi chuyện chín chắn một chút chứ không nên hành động bồng bột. Tưởng rằng, mọi chuyện chỉ dừng lại ở đó, nào ngờ nó lại dám làm cái chuyện tày trời như thế. Sự việc diễn ra quá nhanh khiến cho người dân trong thôn ai nấy đều rất hoang mang”.
Nói về nguyên nhân của vụ việc trên, tất cả người dân trong thôn Thượng Lộc đều cho rằng có thể Đạt cảm thấy mình bị đối xử bất công trong việc phân chia tài sản thừa kế (đất ở) của bố mẹ để lại nên đã nhiều lần có thái độ cũng như hành động không đúng mực với mẹ đẻ và những người thân trong gia đình mình. Và đỉnh điểm của mâu thuẫn đó đã phải trả một cái giá quá đắt...
Ngay sau khi ra tay sát hại mẹ và chị dâu, hung thủ Bùi Minh Đạt đã bỏ trốn khỏi địa bàn. Xác định đây là một vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng nên Cơ quan công an đã nhanh chóng thu thập các chứng cứ, tài liệu để phục vụ công tác điều tra, truy bắt hung thủ.
Cảnh báo về bạo lực trong gia đình
Trong thời gian gần đây, trên cả nước liên tiếp xảy ra những vụ án mạng thương tâm mà hung thủ và nạn nhân đều là người “máu mủ ruột già” trong cùng gia đình. Điều này khiến cho dư luận không chỉ rất bức xúc mà còn rất hoang mang. Vụ việc trên một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự suy đồi nghiêm trọng về đạo đức, lối sống của con người trong xã hội hiện đại.
Trước thực trạng đáng buồn trên, chuyên gia tâm lý học, Thạc sĩ tâm lý học Ngô Toàn - chia sẻ quan điểm: “Đây đang là một xu thế phát triển của xã hội rất đáng quan ngại. Từ sự việc trên chứng mình rằng trong xã hội hiện nay yếu tố bạo lực mà cụ thể là bạo lực trong gia đình đang tăng lên một cách đáng báo động. Điều thứ hai là các thành viên trong gia đình người Việt đang ngày càng đánh mất đi sự thấu cảm lẫn nhau. Theo tôi đó chính là hai nguyên nhân chính khiến cho các vụ án mạng giữa cha mẹ, anh em trong gia đình, dòng họ xảy ra nhiều như vậy”.
Cụ thể từ vụ án mạng trên, Thạc sĩ Ngô Toàn lý giải: “Hung thủ trong vụ án trên đã gặp phải nhiều bất mãn trong cuộc sống như không có việc làm ổn định, thiệt thòi trong việc tranh chấp đất đai... Những yếu tố đó đã làm cho anh ta cảm thấy mình bị cô lập, tâm lý luôn cảm thấy uất ức với người gây ra sự việc đó chính là mẹ mình. Dần dần trong tư duy của hung thủ hình thành nhu cầu bảo vệ bản thân để giành giật miếng ăn, lợi ích cho mình. Đồng thời luôn đề phòng với những người có ý định tranh giành quyền lợi của mình. Chính vì ý nghĩ phải lo cho bản thân mình trước nên anh ta đã không ngần ngại ra tay với cả mẹ đẻ của mình”.
Một yếu tố nữa đó là những người trong vụ việc trên có nhiều hạn chế về kỹ năng giải quyết xung đột, nhận diện điều chỉnh cảm xúc, mâu thuẫn. Nếu bà mẹ và người con là người có học chắc chắn giữa họ sẽ không thường xuyên để xảy ra cãi cọ, khi đó người con sẽ có cách sáng suốt hơn để xử lý sự việc. Chứ không phải giải quyết mâu thuẫn theo phương án bạo lực, mất nhân tính như vậy. Theo chuyên gia tâm lý thì vai trò của chính quyền cơ sở cũng là một nguyên nhân không nhỏ vì mâu thuẫn trên diễn ra đã nhiều năm nay. Tuy nhiên, chính quyền cơ sở lại thiếu sự quan tâm sát sao để có phương án kịp thời hòa giải, vận động giúp họ hiểu rõ sự việc. Từ đó giúp họ tìm ra cách giải quyết hợp lý nhất.
Yếu tố cuối cùng dẫn đến vụ việc trên theo thạc sĩ là do người dân ở các vùng nông thôn vẫn còn rất nhiều hạn chế về nhận thức pháp luật. Họ không ý thức được hành động của mình là vi phạm pháp luật và phải chịu những hình phạt vô cùng nặng. Họ cũng không nghĩ ra rằng nếu có bức xúc thì nên nhờ vào pháp luật thay vì dùng hành động như vậy. Và đặc biệt là truyền thông nước ta hiện nay cũng phải chịu một trách nhiệm không nhỏ. Khi các tờ báo vì lợi ích riêng, để câu kéo lượng độc giả đã không ngại ngần đưa những dòng tít giật gân, miêu tả chi tiết, đăng tải hình ảnh máu me, bạo lực của các vụ án... Điều này tạo cho con người ta dần trở lên chai sạn với bạo lực. Khi bị dồn vào đường cùng con người không muốn tư duy tìm cách giải quyết mà sẽ hành động theo những gì mình tiếp nhận được từ truyền thông.
Chia sẻ về giải pháp khắc phục tình trạng trên, Thạc sĩ Ngô Toàn cho biết: “Ngoài việc, tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật đến người dân thì mỗi con người cần tự tạo cho mình một môi trường sống có tính thấu cảm, lòng vị tha. Luôn nhìn nhận sự việc dưới hai con mắt pháp luật và tình cảm để có thể có phương án xử lý thấu tình, đạt lý”.
Đồng quan điểm với Thạc sỹ tâm lý học Ngô Toàn, một chuyên gia xã hội học nhận định: Bản chất xã hội nông thôn nước ta trước đây luôn đề cao tình làng nghĩa xóm hay “anh em như thể tay chân”. Đó là lý do vì sao trước đây ở các vùng nông thôn luôn yên bình, con người sống với nhau rất tình nghĩa, ôn hòa. Nhưng hiện tại vì xã hội phát triển rất nhanh đặc biệt là về đời sống vật chất khiến cho tư duy của người dân không thể theo kịp. Vì vậy, nhiều người bị “ngợp” trước những tình huống mình gặp phải. Đây là một thực trạng đáng buồn của xã hội hiện nay mà nhiều người không muốn chấp nhận. Nhưng nó vẫn đang diễn ra mà chưa có giải pháp hữu ích nào để giải quyết triệt để. /.