Loại bỏ khuyến mại ảo
Tại Hội thảo "Lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 37/2006/NĐ-CP" do Bộ Công Thương phối hợp với dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư châu Âu tổ chức sáng 27/6, tại Hà Nội, ông Lê Anh Quân, Thư ký tổ biên tập cho biết, nhiều quy định cũ về hoạt động xúc tiến thương mại đã được sửa đổi, bổ sung nhằm phù hợp với thực tiễn cũng như tạo ra một hàng lang pháp lý thông thoáng hơn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Đáng chú ý, các hoạt động khuyến mại ảo theo hình thức đa cấp để thu hút khách hàng sẽ khó có thể thực hiện được. Bởi theo dự thảo Nghị định mới đã đưa ra quy định hạn mức để doanh nghiệp thực hiện việc trả thưởng khi thực hiện các chương trình khuyến mại.
Với quy định này sẽ hạn chế cả việc kinh doanh mã code mà doanh nghiệp đa cấp đưa ra. Cụ thể, trong quá trình kinh doanh nếu không có hàng hóa thực sự mà chỉ lợi dụng để bán các mã cho khách hàng tham gia chương trình sẽ không được phép thực hiện.
"Quy định mới đưa ra nhằm kiểm soát chặt chẽ việc doanh nghiệp đa cấp lợi dụng quy định thực hiện hoạt động khuyến mại để trả thưởng hay trả tiền mua hàng cho người tham gia vượt giới hạn quy định để lôi kéo người tham gia mạng lưới," ông Quân cho hay.
Có thể thấy, trong thời gian vừa qua, hoạt động kinh doanh đa cấp diễn biến hết sức phức tạp, nhiều vụ việc khi bị phát hiện đã có hàng nghìn người trở thành nạn nhân của hoạt động kinh doanh bất chính.
Theo số liệu của các doanh nghiệp, số lượng người tham gia bán hàng đa cấp tính đến cuối năm 2016 là 637.637, giảm 25% so với cuối năm 2015. Còn tính đến hết tháng 4/ 2017, sau khi cơ quan chức năng chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiên Ngọc Minh Uy, số lượng người tham gia đa cấp giảm xuống còn 472.000 người, như vậy mức giảm lên tới 44% so với cuối năm 2015.
Cũng theo số liệu báo cáo của các doanh nghiệp, tổng doanh thu bán hàng đa cấp năm 2016 đạt khoảng 7.800 tỷ đồng, giảm khoảng 200 tỷ đồng so với năm 2015, tức là giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bán hàng đa cấp "chui" bị xử lý hình sự
Thực tiễn quản lý cho thấy trong nhiều vụ việc, thiệt hại phát sinh chủ yếu là do sự thiếu hiểu biết của người tham gia bán hàng đa cấp. Theo thống kê từ Bộ Công Thương, gần như tất cả các đơn khiếu nại mà các cơ quan quản lý nhận được đều từ những người tham gia hệ thống bán hàng đa cấp nhưng không hề có hoạt động bán hàng, chỉ đơn giản trao tiền cho người khác và hy vọng nhận được tiền lời với lãi suất cao.
Đặc biệt, 100% các thỏa thuận về lợi nhuận đều là thỏa thuận bằng lời, không được ghi lại thành văn bản nên khi xảy ra tranh chấp, cơ quan chức năng hoàn toàn không có chứng cứ để xử lý.
Đánh giá của Cục Quản lý cạnh tranh cũng nhấn mạnh, đóng góp của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp trong việc tạo ra thu nhập và việc làm là không rõ ràng. Trong số gần 640 nghìn người tham gia bán hàng đa cấp, chỉ có một tỷ lệ nhỏ là người bán hàng thực sự, số còn lại hầu như không tham gia bán hàng.
Nhìn nhận thực tế này, theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình), hoạt động kinh doanh đa cấp diễn biến phức tạp là do thiếu những quy định về mặt pháp luật, thậm chí các vi phạm nhưng khi xử lý vẫn chưa đến mức truy tố hình sự nên nhiều doanh nghiệp cố tình vi phạm.
Do vậy, theo ông Phương, với việc đưa tội kinh doanh đa cấp bất hợp pháp vào để xử lý hình sự thì hoạt động bán hàng đa cấp sẽ có những thay đổi. Đặc biệt là những người chuyên bán hàng đa cấp chắc chắn không dám "thò đầu" ra để lừa đảo, kinh doanh bất chính./.
Quốc hội khóa 14 đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 đã đưa tội danh hoạt động đa cấp bất hợp pháp để xử lý hình sự.
Cụ thể, doanh nghiệp hoặc cá nhân tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc hoạt động không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký có thể bị phạt tiền tối đa đến 5 tỷ đồng và phạt tù tối đa đến 5 năm tù.
Trường hợp phạm tội có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý theo Điều 174 Bộ luật Hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trường hợp phạm tội có yếu tố sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thì bị xử lý theo điều 290 Bộ luật Hình sự về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.