Người già, trẻ con lo
Theo các chuyên gia, việc gỡ bỏ quy định “giờ giới nghiêm” chỉ là chủ trương. Muốn thay đổi còn phải thay đổi một số văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản này lại nằm trong các nghị định nên dù gì cũng phải cần một khoảng thời gian để sửa các nghị định liên quan đến Nghị định số 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng có quy định vũ trường và karaoke không được hoạt động sau 12 giờ đêm đến 8 giờ sáng.
Riêng các quầy bar trong khách sạn, resort được xếp hạng từ 3 sao trở lên; vũ trường, karaoke trong các cơ sở lưu trú từ 4 sao trở lên thì được hoạt động sau 12 giờ đêm nhưng không quá 2 giờ sáng hôm sau.
Ngoài ra, song song với những tích cực về mặt kinh tế và phát triển du lịch, lại có những người dân cho rằng chủ trương này sẽ đảo lộn sinh hoạt của họ. Đặc biệt là với người già trong khu phố cổ. Xét dưới góc độ văn hóa, truyền thống văn hóa, người Việt Nam thường không thích ồn ào, đặc biệt là về đêm, mọi người cần yên tĩnh để nghỉ ngơi. Hà Nội vốn đất chật, người đông, ở phố có các quán bar xen lẫn khu dân cư là rất nhiều, nếu hoạt động thâu đêm thì dân có thể phiền toái.
Bà Đào Thị Hường (15 Bát Đàn) cho biết: “Phố xá đông đúc khác hẳn với ngày xưa đã khiến chúng tôi khó chịu rồi. Nay các thanh niên còn đi chơi qua đêm, nhạc bật oang oang nữa thì người già như chúng tôi phải đi nghỉ làm sao. Trẻ con cũng cần cho chúng học bài, ngủ sớm nữa chứ”.
Rõ ràng việc phát triển du lịch cũng cần đảm bảo các vấn đề xã hội, quyền lợi của người dân, bao gồm cả các hộ kinh doanh dịch vụ và những người bị ảnh hưởng bởi hoạt động kinh doanh này. Bởi thực tế từ trước đến nay, các khu vui chơi giải trí, nhà hàng, quán bar ở Hà Nội nằm xen kẽ với các khu dân cư nên chắc chắn tiếng ồn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân lân cận. Bởi vậy, nếu bỏ “giờ giới nghiêm”, việc quy hoạch quản lý ra sao cho hiệu quả, tránh xung đột lợi ích giữa những hộ dân kinh doanh dịch vụ và không kinh doanh, đảm bảo môi trường xã hội lành mạnh là vấn đề cần quan tâm.
Còn với các công ty lữ hành du lịch, việc đảm bảo an toàn cho du khách cũng là điều họ cần lưu ý đến khi du khách đi chơi qua đêm. Bởi ai cũng biết, chỉ cần xảy ra một vụ mất an toàn cho du khách sẽ gây thiệt hại về hình ảnh, thương hiệu cũng như mục tiêu an toàn của điểm đến du lịch. Nhờ áp dụng giờ giới nghiêm quy củ hàng chục năm qua mà Hà Nội được xem là một thành phố an toàn trong mắt khách du lịch. Khác với TP HCM, ban đêm ở Hà Nội hầu như rất ít các vụ cướp giật, tấn công man rợ. Nhưng nay, Hà Nội có thể sẽ phải đối mặt với vấn đề này khi phá bỏ giờ giới nghiêm.
Điều quan trọng hơn cả, dù phá bỏ giờ giới nghiêm, cách làm du lịch của Hà Nội đang bước sang trang mới, nhưng Hà Nội vẫn cần giữ gìn một bản sắc văn hóa riêng mà bấy lâu nay nó vốn có. Ai đã từng một lần lang thang với phố phường Hà Nội về đêm có khi lại thấy yêu vẻ tĩnh lặng của nó, đâu đâu lại có tiếng rao “Ai bánh khúc đây, khúc nóng đây…” mới thấy Hà Nội có cái hồn của nó. Hòa mình vào xu thế chung của thời đại, Hà Nội cũng không được quên mất “mình là ai” và mình có bản sắc gì để phát huy.
Mất điểm vì rác thải
Tiêu chí ban đầu về mặt hàng kinh doanh của khu phố là các mặt hàng ẩm thực tiêu biểu của khu phố cổ của Hà Nội, tuy nhiên thực tế hiện nay các hộ kinh doanh chưa nhận thức được hết ý nghĩa, lợi ích của việc phát triển du lịch thông qua mở rộng tuyến phố đi bộ, kinh doanh các mặt hàng chủ yếu chạy theo lợi nhuận nên chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn, tiêu chí theo yêu cầu của đề án là khôi phục văn hóa ẩm thực, một trong những giá trị tiêu biểu của khu phố cổ. Đến phố cổ hiện nay, người dân đa số đều kinh doanh bò nướng, bít tết, đồ ăn vặt Hàn Quốc, bia... chứ ít kinh doanh bún, phở - đặc sản của Hà Nội.
Trên tuyến phố đi bộ - trung tâm du lịch của Hà Nội, vẫn còn tình trạng phương tiện đi lại để trên hè phố, xe cơ giới đi lại trong giờ cấm. Ở ngã ba “quốc tế” Tạ Hiện – Đào Duy Từ - Lương Ngọc Quyến, hàng quán tập trung nhiều vô kể, du khách ngồi tràn ra đường khiến không khí tại đây luôn trong tình trạng nghẹt thở, nóng bức, tràn ngập mùi khói thuốc, shisha; đồ nướng khói nghi ngút khắp nơi.
Người ta nói “phố đi bộ là phố ăn, chứ nào phải phố chơi” là thực tế đang diễn ra ở khu trung tâm này. Chưa kể, rác thải luôn tràn ngập, đập ngay vào mắt khách du lịch khi đang đi lại ở tuyến phố đi bộ. Hình ảnh du lịch cũng vì thế mà “mất điểm” trong lòng du khách.
Mật độ phương tiện cá nhân của nhân dân trong khu vực phố cổ ngày càng gia tăng, trong khi đó diện tích các điểm giao thông tĩnh còn hạn chế, không đáp ứng đủ nhu cầu dẫn đến xung quanh khu vực một số cửa ra vào của tuyến phố còn tồn tại các nhiều điểm trông xe tự phát, lấn chiếm gây ách tắc, thu quá giá quy định gây bức xúc trong nhân dân. Nói vậy để thấy bài toán quản lý và quy hoạch du lịch còn rất nhiều vướng mắc.
Trên thực tế, những hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội vẫn tồn tại ngay cả khi các quán bar, karaoke không hoạt động vào giờ giới nghiêm. Bên cạnh việc đưa ra chủ trương phát triển du lịch Thủ đô, các cơ quan quản lý cần đưa ra những đối sách, những quy định siết chặt quản lý về môi trường, an ninh, giao thông… để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra. Và mặc dù có hay không việc gỡ bỏ giờ giới nghiêm, Hà Nội vẫn nên làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, đặc biệt với sự góp mặt của lực lượng 141, cảnh sát cơ động luôn cần thiết với người dân 24/24h.
Từ thực tế những hệ thống nhà vệ sinh công cộng cũng như thiết bị cung cấp nước uống, ghế ngồi tại các nơi công cộng trên địa bàn Hà Nội còn rất thiếu và không đồng bộ. Do vậy, UBND TP Hà Nội đang kêu gọi xã hội hóa đầu tư, huy động mọi nguồn lực của xã hội để xây dựng nhà vệ sinh công cộng, thiết bị cung cấp nước uống, ghế ngồi.
Các chuyên gia văn hóa, du lịch cho rằng không nên mở ra các nhà hàng, quán bar, tụ điểm ăn chơi một cách ào ào. Đồng thời, cần rà soát các quán bar có mở nhạc phải sử dụng các vật liệu tiêu âm, cửa 2 lớp… để không ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh. Trước mắt thí điểm 1-2 tuyến phố, sau đó sẽ điều chỉnh cách quản lý.
Trả lời báo chí, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho rằng, mọi vấn đề đều có hai mặt tích cực và tiêu cực. Ngoài những mặt tích cực đem lại cho Du lịch, việc mở rộng giới hạn thời gian kinh doanh dịch vụ cũng có khả năng gây ra những “hiệu ứng ngược”, tạo điều kiện cho những hoạt động vui chơi giải trí không lành mạnh phát triển.
Để hạn chế tối đa tình trạng này, trong thời gian tới, Sở Du lịch sẽ chủ động phối hợp với các sở, ngành, UBND các địa phương tham mưu cho UBND thành phố có kế hoạch, phương án cụ thể để lường trước và khắc phục những khó khăn khi áp dụng thực hiện quy định mới.
Phải rà soát các điểm vui chơi giải trí để không ảnh hưởng dân sinh
PGS. TS. Phạm Trung Lương - Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam đưa ra ý kiến, các cơ quan chức năng phải rà soát các điểm vui chơi giải trí trên địa bàn thành phố theo quy hoạch, để xem những chỗ nào có tác động đến sinh hoạt của người dân, từ đó có biện pháp chấn chỉnh phù hợp, quản lý chặt chẽ, ràng buộc hơn để người dân không bị ảnh hưởng, đặc biệt trong khu vực phố cổ.
Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực quản lý để tất cả các hoạt động sau “giờ giới nghiêm” đó nằm trong tầm kiểm soát.Trách nhiệm quản lý lớn nhất trong việc này là của chính quyền địa phương, nếu chính quyền buông lỏng sẽ phát sinh nhiều thứ nên đã làm là phải kiên quyết làm cho hiệu quả, năng lực yếu thì cần tăng cường.