Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, vào 8 giờ 13 phút 4 giây ngày 17/8 (giờ Hà Nội), một trận động đất có độ lớn 4.3 xảy ra tại tọa độ 20.928 độ Vĩ Bắc, 104.898 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km.
Đối chiếu thực địa, nơi xảy ra động đất thuộc khu vực huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Cấp độ rủi ro thiên tai tại khu vực tâm chấn là cấp 1.
Trận động đất này tiếp tục là dư chấn của trận động đất có độ lớn 5,3 diễn ra vào 12 giờ 14 phút ngày 27/7.
Liên tiếp từ đó đến nay, tại Mộc Châu, Sơn La đã xảy ra hàng chục dư chấn của trận động đất trên với độ lớn đo được từ 2.6 đến 4.0.
Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu Nguyễn Xuân Anh cho rằng: Trận động đất có độ lớn 5,3 diễn ra ngày 27/7 là trận động đất chính, sau đó kéo theo nhiều dư chấn trong nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng.
Ngoài hàng chục rung chấn có độ lớn 2.5 trở lên được Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần công bố, còn rất nhiều rung chấn có độ lớn thấp hơn mốc 2.5 cũng được Trung tâm ghi nhận đã xảy ra tại khu vực huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La từ ngày 27/7 đến nay.
Các chuyên gia cho biết, trận động đất sáng nay có độ lớn chỉ sau trận động đất diễn ra trưa 27/7. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu đã lắp đặt 2 máy đo dư chấn trên địa bàn các xã Nà Mường và Tân Lập (huyện Mộc Châu).
Được biết, Sơn La là tỉnh thuộc khu vực có nguy cơ tiềm ẩn cao về động đất, nằm trên đới đứt gãy sông Đà đang hoạt động địa chất diễn ra tương đối mạnh.
Các chuyên gia khuyến cáo chính quyền địa phương cần chủ động rà soát lại các công trình xây dựng có kết cấu yếu; tăng cường tuyên truyền phòng, chống động đất đến người dân địa phương; chủ động di dời, bố trí nơi ở an toàn cho người dân ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra động đất; rà soát lại các khu vực triền sông, triền núi dễ xảy ra nguy cơ sạt lở đất, đá lăn để cắm biển cảnh báo, chủ động ngăn ngừa người dân qua lại.